Ủy ban Kinh tế Quốc hội đưa ra 7 khuyến nghị điều hành chính sách

18/10/2012 // No Comment // Categories: Tin trong nước.

Theo Bản tin kinh tế vĩ mô số 7 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận định, kinh tế vĩ mô trong 6 tháng đầu năm nhìn chung được đánh giá tiếp tục ở trạng thái ổn định với 4 chỉ số vĩ mô chính (tăng trưởng kinh tế, lạm phát, cán cân thanh toán, lao động và việc làm) hầu như được cải thiện trong quý II.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn chứa đựng nhiều rủi ro, thách thức. Bản tin chỉ rõ, tình trạng nợ xấu cao đi liền với lãi suất cho vay cao và khó tiếp cận vốn tín dụng cùng với suy giảm sức mua của thị trường nội địa đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn trầm trọng.

Đầu tư ở mức thái quá và kém hiệu quả đã dẫn đến sự chênh lệch đáng kể giữa đầu tư và tiết kiệm trong nước đi kèm đó là thâm hụt thương mại luôn ở mức trên 10% GDP hàng năm – mức cao khó duy trì và dễ làm cho nền kinh tế bị tổn thương.

Một số tập đoàn, tổng công ty lớn – những trụ cột của khu vực kinh tế thực – hiện nay đang ở trong tình trạng khó khăn với nhiều khoản thua lỗ. Không ít doanh nghiệp lớn trong khu vực tư nhân cũng lâm vào tình trạng tương tự.

Trong khi đó, khu vực tài chính ngân hàng đang trong tình trạng khó khăn với tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại đang ở mức cao và có thể sẽ không dừng lại ở đó khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Ủy Ban kinh tế Quốc hội cho rằng, trong những tháng cuối năm có thể cần một sự kích thích nền kinh tế ở mức hợp lý, thực hiện trong ngắn hạn và có điều kiện để tránh những sự điều chỉnh thái quá. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp bổ trợ để tránh một sự “hạ cánh cứng” trong quá trình điều chỉnh nền kinh tế trở về quỹ đạo tăng trưởng cân bằng và bền vững của nền kinh tế.

Theo đó, Ủy ban đưa ra 7 kiến nghị chính sách cụ thể:

Một là, tiếp tục mua vào ngoại tệ. Đây là biện pháp khả thi trong bối cảnh lạm phát thấp và tỷ giá ổn định và là biện pháp nới lỏng lành mạnh nhất, giúp tăng thanh khoản cho thị trường. Theo Ủy Ban kinh tế Quốc hội, với một lượng dự trữ ngoại hối gia tăng, Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa, dễ dàng bán ra để can thiệp khi có dấu hiệu lạm phát quay trở lại.

Hai là, đẩy mạnh việc thanh quyết toán nợ đọng từ các công trình đầu tư công. Đây là giải phát hiệu quả và công bằng vì một phần nguyên nhân của gia tăng nợ xấu hiện nay là do nợ dây chuyền giữa các doanh nghiệp thực hiện các công trình xây dựng cơ bản của Nhà nước nhưng chậm được chủ đầu tư thanh toán.

Ba là, giải ngân cho các dự án dang dở để nhanh chóng hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình trên. Giải pháp này nhằm tiêu thụ hàng tồn kho với yêu cầu các chủ đầu tư sử dụng tối đa nguyên liệu trong nước và tránh lãng phí do đầu tư dang dở gây ra.

Bốn là, hoãn và tiến đến giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), nhất là với các mặt hàng có mức tồn kho lớn và có tỷ lệ sản xuất nội địa cao. Tuy nhiên, giải pháp này cần tính toán kỹ để chọn chính xác danh mục các mặt hàng và mức độ miễn/giảm thuế VAT cho phù hợp để tránh rò rỉ ra hàng ngoại nhập hay “kích cầu hộ nước ngoài”.

Năm là, tăng cường sự phối hợp đồng bộ chính sách kinh tế vĩ mô: chính sách tiền tệ nới lỏng theo hướng tập trung cơ cấu phân bổ vốn tín dụng vào các ngành sản xuất có khả năng cạnh tranh, lan tỏa cao và thâm dụng lao động cùng với chính sách tài khóa mở rộng theo hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cả thiện sức mua của thị trường.

Sáu là, tăng cường chi cho an sinh xã hội, đặc biết đối với người nghèo.

Bảy là, tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó nhấn mạnh tới tái cơ cấu hệ thống ngân hàng: quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cần phải quán triệt quan điểm chủ đạo là người gửi tiền được bảo vệ song tổ chức tín dụng cũng có thể phá sản để ngăn ngừa rủi ro đạo đức đang có xu hướng lan rộng.

Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, trước hết cần yêu cầu các ngân hàng thương mại trích lập quỹ dự phòng rủi ro đầy đủ, để tránh trường hợp “lãi thật lỗ giả” và giảm tỷ lệ nợ xấu một cách bền vững. Sẵn sàng các phương án cần thiết để giải quyết nhanh và triệt để các tổ chức tín dụng yếu kém.

Theo Gafin

Comments are closed.