Tăng trưởng kinh tế năm 2013 tiếp tục khó khăn

30/10/2012 // No Comment // Categories: Tin trong nước.

Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, tăng trưởng kinh tế năm 2013 tiếp tục khó khăn do chi đầu tư phát triển vẫn còn thấp.

Ngày 30/10, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013.

Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng thu ngân sách đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, do kế hoạch tăng trưởng kinh tế 6-6,5% chỉ thực hiện được khoảng 5,2%.

“Tăng trưởng không được cao như kỳ vọng thì các doanh nghiệp sẽ khó khăn, nguồn thu khó khăn, do đó sẽ ảnh hưởng đến chi ngân sách”, ông Ngoạn nói.

Ông Ngoạn giải thích, chi ngân sách gồm 2 hạng mục lớn là chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên. Chi thường xuyên hiện đang chiếm tỷ trọng rất lớn. Chi đầu tư phát triển là yếu tố để nuôi nguồn thu, để có thể đảm bảo thu ngân sách tốt và quay trở lại thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, kế hoạch chi đầu tư phát triển trong năm 2013 vẫn còn thấp, mới đưa lên được mức cân đối gần tương đương năm 2012.

Vị đại biểu này cho rằng, tăng trưởng kinh tế thấp một phần do tổng cầu thấp. Để giải quyết bài toán khó khăn cho doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng phát triển thì phải làm thế nào để tăng tổng cầu. Muốn vậy, phải tăng chi đầu tư phát triển.

“Nhưng rất khó vì trong bối cảnh nguồn thu ngân sách khó khăn như hiện nay, Chính phủ, Bộ Tài chính đã cố gắng hết mình nhưng kế hoạch chi đầu tư phát triển vẫn thấp”, ông Ngoạn cho hay.

Trước quan điểm về việc chưa tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu nền kinh tế thì việc tăng chi đầu tư phát triển có thể gây lãng phí, ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng, chúng ta phải tiến hành song song, bên cạnh việc tái cơ cấu doanh nghiệp để sử dụng vốn nhà nước hiệu quả hơn, cần tiếp tục xem xét, mở rộng chính sách tài khóa trong phạm vi có thể để đảm bảo tăng tổng cầu nền kinh tế.

Trong khi đó, đại biểu Cao Sỹ Kiêm cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm nay “chỉ nên thế và khả năng chỉ được đến thế”. Trong tình hình hiện nay, mức tăng trưởng cả năm xác định như vậy là phù hợp với tình hình xuất khẩu, đầu tư.

Đại biểu này nhấn mạnh rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng trong những tháng cuối năm thì giải phóng hàng tồn kho và xử lý nợ quá hạn cần ưu tiên hàng đầu. Trong đó, để các chính sách này có hiệu quả thì đòi hỏi phải có phối hợp tốt hơn giữa các bên, trong đó có ngân hàng và doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Du Lịch thì cho rằng, hoàn tòan có thể thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2013 là 5,5% nếu có những biện pháp mạnh mẽ hơn để phục hồi niềm tin thị trường và ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp giải thể và hoặc ngưng hoạt động.

Ông Lịch cho biết, theo tính toán của các chuyên gia, tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn khá cao do máy móc, công suất thiết bị đầu tư trước đây chưa khai thác hết. “Vấn đề bây giờ không phải là đầu tư mới bao nhiêu để có tăng trưởng mà là khai thác hiệu quả cái đã có cho tăng trưởng”, ông nói.

Theo đánh giá của ông Trần Du Lịch, nếu không quá vội vã thực hiện tăng giá một số mặt hàng hoặc cẩn thận với các biện pháp gây biến động tâm lý thị trường (như việc quản lý thị trường vàng thời gian qua) thì mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 8% có thể đạt được.

Ông Trần Du Lịch đề nghị với Chính phủ, về ngắn hạn cần tập trung tạo dựng niềm tin thị trường, tháo gỡ nợ xấu, xử lý vốn cho doanh nghiệp, kích thích sức mua thông qua tín dụng tiêu dùng, chấp nhận một lộ trình tăng lương chứ không kéo dài lộ trình này bằng cách cắt giảm các khoản chi thường xuyên không cần thiết.

Về thuế, tiếp tục thực hiện ưu đãi về thuế và sử dụng đất. Trong dài hạn, để thúc đẩy kinh tế thì thúc đẩy kế hoạch 3 năm (2013 – 2015) chứ không thực hiện kế hoạch riêng lẻ từng năm.

Đại biểu này cũng cho rằng, trong tình hình khó khăn hiện nay của nền kinh tế có cả trách nhiệm của doanh nghiệp chứ không phải chỉ của Nhà nước. Tình trạng doanh nghiệp mở rộng làm ăn không có chiến lược, không có bài bản, dựa vào vốn vay quá lớn để mở rộng sản xuất kinh doanh là vấn đề cần xem xét lại.

Theo TBKTSG

 

Comments are closed.