Năm 2013: Việc kiểm soát giá rất nặng nề!

29/01/2013 // No Comment // Categories: Tin trong nước.

Đó là khẳng định của ông Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, trong buổi gặp mặt ngành tài chính với báo chí diễn ra chiều 28-1 tại Hà Nội.

 

Theo ông Vương Đình Huệ, năm 2013 Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện kiểm soát giá cả thị trường, nhất quán quản lý theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước với mặt hàng than, điện, xăng dầu và dịch vụ công. Việc điều hành sẽ theo lộ trình với mức độ và thời gian phù hợp, bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ minh bạch, công khai chi phí, giá sản xuất, mức tiêu thụ điện, than, xăng dầu, dịch vụ công; tăng cường kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng mà Nhà nước còn duyệt giá. Mọi hoạt động đều hướng đến mục tiêu giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng không quá 8%.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ còn cho rằng 2012 là một năm rất khó khăn cho công tác điều hành giá nhưng kết quả vẫn đạt được mục tiêu lạm phát. “Có ba yếu tố tác động đến công tác điều hành giá gồm cung tiền, chi phí đẩy (than, điện, xăng dầu) và lạm phát kỳ vọng. Trong đó, giá các mặt hàng chi phí đẩy thực hiện theo giá thị trường khiến cho việc điều hành càng khó bảo đảm mục tiêu đề ra. Năm 2013, công tác kiểm soát giá sẽ rất nặng, đòi hỏi Bộ Tài chính phải cố gắng nhiều hơn nữa!” – ông khẳng định.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, năm 2013 ngành tài chính phấn đấu thu ngân sách Nhà nước đạt 816.000 tỉ đồng, tổng chi cân đối 978.000 tỉ đồng, bội chi ngân sách Nhà nước khoảng 162.000 tỉ đồng (tương đương 4,8% tổng thu nhập quốc nội). Mặt khác, Bộ Tài chính sẽ bảo đảm ngân sách để thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng lên 1,15 triệu đồng/tháng, điều chỉnh mức lương hưu và trợ cấp ưu đãi đối với người có công bằng tỉ lệ tăng lương tối thiểu từ ngày 1-7-2013.

Cũng trong buổi gặp mặt chiều hôm qua, phóng viên của hơn 10 cơ quan báo chí đã đặt ra nhiều câu hỏi cho ông Vương Đình Huệ. Đa phần các câu hỏi tập trung vào nội dung cơ cấu nhân sự, hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương do ông Huệ đứng đầu, cơ chế giám sát các tập đoàn kinh tế nhà nước mà ông có vai trò là trưởng ban tham mưu cho Đảng. Ngoài ra, một số báo đặt vấn đề giá xăng dầu sau hơn một năm ông điều hành Bộ Tài chính, đáng lưu ý có câu hỏi: “Bộ trưởng có trăn trở, băn khoăn hay hài lòng như thế nào về lời hứa của mình?”. Bởi tại thời điểm mới nhậm chức, ông Huệ từng gây ấn tượng với dư luận qua tuyên bố: “Điều hành giá xăng dầu vì hơn 80 triệu dân chứ không vì lợi ích của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nào thấy lỗ quá không làm được thì rút lui. Kể cả Petrolimex, nếu không làm được chúng tôi sẵn sàng cho giải tán để lập tổng công ty khác. Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được Nhà nước!”…

Tuy nhiên, những câu hỏi báo chí đặt ra đều không được tân Trưởng ban Kinh tế Vương Đình Huệ trả lời với lý do “ngoài phạm vi cho phép”. Thay vào đó, ông Huệ điểm lại những kết quả và khó khăn của ngành tài chính năm 2012 và kết thúc buổi gặp mặt bằng lời khen báo chí đã tuyên truyền thông tin kịp thời, góp phần giảm hiện tượng “té nước theo mưa” khi điều chỉnh giá điện và xăng dầu.

Chưa tăng giá xăng dầu

Ngày 28-1, Bộ Tài chính có công văn gửi các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, yêu cầu chưa được tăng giá xăng dầu và cho phép tăng mức trích sử dụng quỹ bình ổn giá thêm 100-200 đồng/lít. Cụ thể, mức sử dụng quỹ đối với xăng sẽ từ 300 đồng lên 500 đồng/lít, dầu hỏa và dầu mazut từ 300 đồng lên 400 đồng/lít; dầu diesel bắt đầu sử dụng từ quỹ 200 đồng/lít. Thời gian thực hiện bắt đầu từ 16 giờ ngày 28-1.

Cũng theo Bộ Tài chính, tính bình quân 30 ngày qua, giá bán lẻ xăng dầu đang thấp hơn giá cơ sở 458-597 đồng/lít. Sau khi trừ đi mức sử dụng quỹ bình ổn giá, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu còn lỗ 158-297 đồng/lít.

Theo Trà Phương

Pháp luật TP.HCM

Comments are closed.