Chính phủ xem xét, thảo luận 7 dự án Luật, Pháp lệnh

30/01/2013 // No Comment // Categories: Tin trong nước.

Đây là nội dung chính của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 ngày 30/1 dưới sự chủ trì của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tại buổi thảo luận, đề cập về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, các thành viên Chính phủ cho rằng dự án Luật đã tập trung vào giải quyết những vướng mắc, bất hợp lý của luật hiện hành; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, không có những sửa đổi làm tăng thêm gánh nặng thuế hay tăng các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp;

Dự luật cũng giữ vững các nguyên tắc, mục tiêu dài hạn của Luật đồng thời bảo đảm hài hòa giữa thu ngân sách với khuyến khích đầu tư phát triển, có chú ý đến khía cạnh giảm số thu ngân sách, bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước trong những năm tới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đây là luật có tác động rất lớn đến xã hội và đối với hoạt động thu hút và thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước, do vậy dự án Luật phải đưa ra những ưu đãi để thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa nhất là thu hút đầu tư vào những lĩnh vực mong muốn, phục vụ cho tái cơ cấu nền kinh tế…

Mức thuế suất phổ thông; quy định khống chế lãi tiền vay không được trừ vào chi phí đối với khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu; ưu đãi thuế suất đối với đầu tư mở rộng; ưu đãi đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn… là những vấn đề lớn được các thành viên Chính phủ tập trung tiếp tục xem xét, đóng góp ý kiến đối với dự án Luật này trong thảo luận.

Với dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, dự luật đã làm rõ hơn một số quy định của luật hiện hành hoặc bổ sung những vấn đề mới phát sinh, bảo đảm việc tính thuế, nộp thuế phù hợp với thực tiễn; giảm thủ tục cho doanh nghiệp, giảm chi phí quản lý thuế; đồng thời bảo đảm sự đồng bộ với các luật, pháp lệnh được ban hành trong những năm gần đây.

Thảo luận về dự thảo luật này, các thành viên Chính phủ đã tập trung vào 2 vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau là đối tượng không chịu thuế (khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật) và việc nâng mức thuế tối thiểu được hoàn đối với đầu tư và xuất khẩu (khoản 7 Điều 1 dự thảo Luật).

Về đối tượng không chịu thuế (khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật), nhiều ý kiến đồng ý với quy định của dự thảo Luật là chuyển dịch vụ phục vụ công cộng về vệ sinh, thoát nước đường phố và khu dân cư từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế và áp dụng thuế suất 10%; cho rằng quy định như vậy sẽ đảm bảo cho các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp các dịch vụ phục vụ cộng đồng về vệ sinh, thoát nước đường phố và khu dân cư hạch toán đầy đủ chi phí.

Tuy nhiên, ý kiến của một số thành viên Chính phủ đề xuất cần cân nhắc áp dụng thuế suất 10% hay 5%.

Việc nâng mức thuế tối thiểu được hoàn đối với đầu tư và xuất khẩu, đa số ý kiến của các thành viên Chính phủ đồng ý với dự thảo Luật là nâng mức tiền thuế đầu vào tối thiểu để được hoàn thuế từ 200 triệu đồng lên 500 triệu đồng trong trường hợp doanh nghiệp có dự án đầu tư kéo dài trên 1 năm, vì quy định này phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội hiện nay, do mức tiền thuế đầu vào tối thiểu 200 triệu đồng được quy định từ năm 2000, đến nay đã qua 12 năm, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng khá cao…

Ngoài ra, các thành viên Chính phủ cũng đóng góp các ý kiến liên quan đến việc nâng thời hạn kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào; ngưỡng đăng ký thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ…

Ngoài 2 dự luật này, Chính phủ thảo luận 5 dự luật, pháp lệnh khác là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; Luật Tiếp công dân; Pháp lệnh công tác quốc phòng ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Theo Vietnam+

Comments are closed.