CPI tháng 2/2013 có thể tăng khoảng 1,5%

18/02/2013 // No Comment // Categories: Tin trong nước.

Các mô hình Leontief và ARIMA đưa NDHMoney đến dự báo, CPI tháng này sẽ tăng ở mức khoảng 1,5% so với tháng trước.

Sức mua chỉ thực sự tăng đột biến trong những ngày cuối của năm âm lịch. Khi người lao động dồn thu nhập cho những mâm cỗ Tết đầm ấm, cho “niềm vui áo mới” con trẻ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tết Quý Tỵ chịu tác động mạnh từ thực phẩm tươi sống và may mặc.

Các mô hình Leontief hệ số cập nhật từ bảng cân đối liên ngành 2007 và ARIMA tự hồi quy tích hợp trung bình trượt có điều chỉnh yếu tố mùa vụ tính cho tháng 2/2013 đưa NDHMoney đến dự báo, CPI tháng này sẽ tăng ở mức khoảng 1,5% so với tháng trước, tiếp tục gia tốc sau mức tăng 1,25% của tháng 1/2013.

Ở các mức so sánh khác, chỉ số giá tiêu dùng cũng bị đẩy lên mức cao hơn so với cách đây một tháng: CPI tháng 2/2013 tăng khoảng 2,8% so với cuối năm ngoái và tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy thế, xét trong khoảng 10 năm trở lại đây, CPI tháng 2 năm nay chỉ cao hơn cùng tháng của năm 2009 và 2012, thấp hơn các năm còn lại. Tuy nhiên, quan ngại lại “ghi dấu” ngay tại mức tăng có thể coi là khá thấp của tháng này.

Điểm đáng chú ý trong diễn biến tăng CPI tháng Tết là tiêu dùng khá tập trung trong khoảng hai tuần trước năm mới âm lịch. Các thông tin từ hệ thống ngân hàng cũng cho thấy sức mua cải thiện hơn trước đó.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tổng phương tiện thanh toán M2 tính đến ngày 21/1/2013 ước tăng 0,17% so với tháng 12/2012. Mức tăng này dù là thấp nhưng là mức tăng kế tiếp từ năm 2012 đã khá cao.

Trong khi đó, dư nợ đối với nền kinh tế tương ứng giảm 1,06% so với cuối năm ngoái, nhưng thực tế không có nhiều ý nghĩa. Khi mà, hệ thống tín dụng chủ yếu tập trung cho thu hồi nợ, hạn chế cho vay hơn trước.

Đáng lưu ý là số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng lại giảm 0,53% do doanh nghiệp và người dân cần tiền chi tiêu dịp Tết Nguyên đán.

Như NDHMoney từng lưu ý, phương tiện thanh toán chỉ “chờ dịp” chuyển thành thu nhập của người dân, tạo đột biến sức mua có khả năng thanh toán và gây áp lực lên lạm phát. Hiện tượng này đã xảy ra trong dịp Tết Quý Tỵ này mà bằng chứng là con số giảm 0,53% kể trên.

Ở một chiều hướng khác, cùng lúc sức mua tăng lên thì hệ thống dịch vụ cung ứng hàng hóa càng gần Tết càng “đứt đoạn”.

Người dân ngoại tỉnh bắt đầu giảm dần kinh doanh trong những ngày cuối năm âm lịch để thu tiền về, chốt lại doanh thu của một năm có nhiều khó khăn. Ngành dịch vụ ăn uống đến sát Tết chỉ còn lại những người thành thị phục vụ, khiến cung không đủ đáp ứng cầu, làm giá cả tăng đột biến.

Lại trở về quy luật các năm cũ, hàng ăn và dịch vụ ăn uống có thể tăng gấp đôi giá ngày thường, bất kể giá nguyên liệu đầu vào không tăng vọt đến như thế. Quán không ngon ngày thường vắng khách thì nay lúc này cũng đông. Nhiều quan mới bỗng mọc lên chỉ trong ít ngày, tranh nhau chặt chém khách hàng…

Tính quy luật, hay sự ăn theo là chuyện thường xảy ra trong dịp Tết từ lâu nay. Nhiều loại dịch vụ khác cũng được dịp tăng giá, đặc biệt là những dịch vụ làm đẹp, cắt tóc, gội đầu… cũng tăng gấp rưỡi gấp đôi giá cũ.

Ngoài ra, cũng do túi tiền “rộng” hơn của người dân, các nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép cũng được tiêu dùng mạnh trong dịp này.

Rất may là giá xăng đã không “thêm dầu vào lửa”. Vào ngày làm việc cuối cùng của công chức, hôm 8/2 Bộ Tài chính đã không cho phép các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối được tăng giá bán mà cho phép dùng thêm quỹ bình ổn.

Tuy nhiên, mức sử dụng quỹ đến 1.000 đồng/lít đối với xăng RON 92 cũng hàm ý rằng, giá mặt hàng này có thể tăng bất cứ lúc nào sau Tết Nguyên đán đi qua, như đã từng xảy ra trước đây.

Trở lại với chỉ số giá tiêu dùng sẽ được chính thức công bố trong ít ngày tới, NDHMoney đặc biệt lưu ý CPI các nhóm thực phẩm; may mặc, mũ nón, giày dép; hàng hóa dịch vụ khác.
Trần Lê Minh – NDHMoney

Comments are closed.