DNNN cần tham gia sản xuất công nghiệp hỗ trợ

28/03/2013 // No Comment // Categories: Tin trong nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú, nhiều năm qua, Việt Nam thu hút FDI chỉ tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn để nhanh chóng lấp đầy các khu công nghiệp và tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp tăng đột biến, mà hoàn toàn không quan tâm đến các doanh nghiệp FDI nhỏ. Chính vì vậy, năng lực của công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam hiện tại hết sức nhỏ bé.

FDI vẫn chủ yếu vào tận dụng lao động rẻ, ưu đãi

Về vai trò hỗ trợ trung gian của các tổ chức, các hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, vẫn chưa thể hiện rõ, kể cả ở khâu hoạch định chính sách kế hoạch đến thực thi. Các chương trình phát triển CNHT do một số tổ chức xúc tiến đã hình thành, nhưng chưa có chương trình nào thật sự hiệu quả, hầu hết vẫn dừng lại ở các hội thảo khởi động kêu gọi sự chú ý của công luận. Doanh nghiệp, đối tượng trực tiếp của các hoạt động này vẫn chưa nhận được các hỗ trợ thích đáng cần thiết.

 

Năm 2011, Quyết định 12/QĐ-TTg về phát triển CNHT đã được ban hành, tuy nhiên, Thứ trưởng Tú đánh giá: các hỗ trợ ưu đãi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT gần như không có gì mới so với cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài trừ Điều 14 quy định: Chủ đầu tư xây dựng dự án theo các quy định hiện hành, trong đó đề xuất cụ thể các ưu đãi đặc biệt, gửi Hội đồng thẩm định dự án CNHT xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Vấn đề thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp trong nhiều năm qua hầu như chỉ tập trung vào các tập đoàn lớn, tạo nhiều việc làm, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp lớn. Đa số các tập đoàn lớn trong các ngành chế tạo là các doanh nghiệp lắp ráp, tạo ra giá trị gia tăng rất ít trong sản phẩm, không có tác động lan tỏa cho doanh nghiệp nội địa. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất CNHT thường có quy mô nhỏ và vừa, có nhu cầu thuê diện tích sản xuất nhỏ gần như chưa được quan tâm khi thu hút đầu tư nước ngoài, cả ở tầm chính phủ trung ương lẫn địa phương.

Thứ trưởng Tú dẫn chứng: Các dự án sản xuất CNHT được Chính phủ Việt Nam ưu đãi và khuyến khích đầu tư vào Việt Nam thời gian qua, như Intel, Foxconn… hầu hết là sản xuất linh phụ kiện phục vụ 100% cho xuất khẩu. Nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào của các dự án này hầu hết cũng 100% nhập khẩu. Các nhà sản xuất CNHT xuất khẩu loại này ít có động cơ nội địa hóa, thường lựa chọn đầu tư vào Việt Nam để tận dụng thị trường lao động rẻ, các ưu đãi của Chính phủ về giá thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp…

Mặc dù đây là các dự án có vốn đầu tư rất lớn, tạo nhiều việc làm, nhưng giá trị gia tăng của sản phẩm gần như không có, không giảm nhập siêu, không tạo ra các tác động lan tỏa sang các doanh nghiệp nội địa. Đây là các bất cập rất lớn trong các dự án thu hút đầu tư FDI vào CNHT hiện nay.

Về triển khai thực hiện của doanh nghiệp, theo Thứ trưởng Tú, bất cập lớn nhất là các Tập đoàn lớn của Việt Nam có vốn đầu tư của nhà nước hiện vẫn còn tư tưởng sản xuất “trọn gói” trong nội bộ tập đoàn, hoặc ngại tìm kiếm các nhà cung cấp vì khó giám sát được chất lượng sản phẩm gia công. Điều này đi ngược lại với xu thế chung của toàn cầu hóa và phân công lao động quốc tế.

Theo kinh nghiệm của các quốc gia công nghiệp hóa nhanh và thành công như Hàn Quốc, Nhật Bản, thị trường nội địa được tạo ra bởi các tập đoàn kinh tế ngay trong nội địa là khu vực rộng lớn và nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư vào CNHT. “Nếu CNHT chỉ trông đợi vào thị trường của các nhà lắp ráp toàn cầu hoặc các nhà cung ứng FDI, Việt Nam sẽ còn rất lâu mới có thể phát triển mạnh các ngành CNHT”- Thứ trưởng nhấn mạnh.

Kêu gọi DNNN tham gia sản xuất CNHT

Trước thực trạng này, Bộ Công thương đề xuất một chính sách phát triển và định hướng thu hút FDI vào CNHT. Trong đó, Chính phủ cần thành lập cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về CNHT, có thể đặt tại Bộ Công Thương. Cần thể chế hóa việc khuyến khích phát triển CNHT bằng các văn bản mang tính pháp lý của Chính phủ.

Về hạ tầng, các khu CNHT, các cụm liên kết ngành liên quan đến CNHT, các “vườn ươm” doanh nghiệp cho CNHT cần được nhận ưu đãi để phát triển. Chính phủ cần đầu tư và dành kinh phí đào tạo nhân lực cho các ngành CNHT thông qua việc cải tiến các chương trình đào tạo của các trường cao đẳng, dạy nghề trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng các chương trình đào tạo tại chỗ hoặc kết hợp với doanh nghiệp sản xuất.

Cùng với đó, cần xây dựng các hệ thống chất lượng liên quan đến linh phụ kiện. Đây là hệ thống tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam dành cho các bán thành phẩm, các chi tiết linh phụ kiện của các ngành CNHT. Cần có các chương trình quảng bá về sản xuất CNHT ở Việt Nam; kêu gọi lực lượng doanh nghiệp nhà nước tham gia sản xuất CNHT, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất cơ khí, điện điện tử, nhựa cao su… dần biến thành các tập đoàn lớn chuyên cung ứng và xuất khẩu chi tiết linh kiện cho thị trường quốc tế.Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú còn cho rằng, Việt Nam cần khuyến khích các doanh nghiệp cung ứng linh kiện phụ tùng thuộc mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia đã có mặt ở Việt Nam. Việc kêu gọi được các doanh nghiệp này vào Việt Nam sản xuất sẽ làm tăng tỉ lệ nội địa hóa, giảm dần các công đoạn phải nhập khẩu. Đối với các tập đoàn sản xuất linh kiện xuất khẩu, cần kêu gọi các tập đoàn lớn và xuất khẩu đi nhiều thị trường trên khắp thế giới sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp lớp dưới có thêm thị trường…
Theo Xuân Thân – VOV

Comments are closed.