Xuất khẩu lạc quan trước đích

03/07/2013 // No Comment // Categories: Tin trong nước.

Các ngành công nghiệp chế biến đã khẳng định được vị thế của mình.

Trong khi hai nhóm nông, thủy sản có sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu thì nhóm hàng công nghiệp chế biến lại có mức tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung với 42,7 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ và trở thành nhóm hàng chủ lực, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.

Nông nghiệp mất vị trí chủ lực

Theo Bộ Công Thương, nếu năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, nhóm ngành nông – lâm – thủy sản, nhiên liệu, khoáng sản được xem là chủ chốt góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thì nay đã bị thay thế bởi nhóm ngành công nghiệp chế biến.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, 6 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước ước đạt khoảng 62 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ, bằng 49% kế hoạch năm. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu bình quân trong 6 tháng đầu năm ước đạt 10,33 tỷ USD/tháng, cao hơn mức bình quân 6 tháng năm 2012 là 1,4 tỷ USD/tháng.

Tuy nhiên, xét về nhóm hàng xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành nông sản, thủy sản trong 6 tháng đạt khoảng 9,7 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 16% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt hơn 5 tỷ USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ, chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Lý giải về nguyên nhân khiến hai nhóm ngành này sụt giảm, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh cho biết, là do giá xuất khẩu giảm. Từ đầu năm đến nay, giá đã giảm 15 – 25% cho từng mặt hàng khác nhau. Thậm chí lượng xuất khẩu của một số mặt hàng giảm đã khiến kim ngạch xuất khẩu toàn ngành giảm.

“Trong 8 mặt hàng nông sản tính được về lượng và giá thì có đến 6 mặt hàng lượng xuất khẩu giảm, chỉ có 2 mặt hàng là nhân điều và hạt tiêu có lượng xuất khẩu tương ứng tăng 15% và 23% tuy nhiên giá giảm nên giá trị xuất khẩu tăng không lớn, ông Chinh cho hay.

Một nguyên nhân khác là một số mặt hàng nằm trong nhóm thủy sản và nông sản xuất khẩu gặp khó khi một số quốc gia nâng tiêu chuẩn chất lượng nhập khẩu hoặc hàng rào bảo hộ.

Điều đáng lưu ý là trong khi hai nhóm nông, thủy sản có sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu thì nhóm hàng công nghiệp chế biến lại có mức tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung với 42,7 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ và trở thành nhóm hàng chủ lực, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.

Trong đó nhóm các sản phẩm sản xuất từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài như điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử đóng góp đến 6,3 tỷ USD vào sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn như dệt may, giày dép cũng có tăng trưởng cao, tương ứng là 17% và 16%. Điều này cho thấy các ngành công nghiệp chế biến đã khẳng định được vị thế của mình.

Đã thấy sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu

Mặc dù 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu mới bằng 49% kế hoạch năm nhưng những diễn biến mới của thị trường đang cho thấy, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% với kim ngạch 126,1 tỷ USD trong năm 2013 là hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Tại cuộc họp giao ban thường kỳ tháng 6 vừa được Bộ Công Thương tổ chức, nhiều nhận định cho thấy, dù trong bối cảnh những thị trường xuất khẩu chính gặp nhiều khó khăn nhưng các DN vẫn có đủ đơn hàng, sản xuất ổn định. Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết, với lượng đơn hàng từ nay đến cuối năm, doanh số của Vinatex có thể đạt mức 20 tỷ USD thay vì 19,5 tỷ USD như kế hoạch.

Ông Phan Văn Chinh cũng cho biết, tình hình kinh tế thế giới đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhu cầu tại các thị trường nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) khởi sắc hơn. Hiện nhiều mặt hàng như dệt may, da giày, điện tử đều đã có đơn hàng ổn định đến hết năm. Đây là cơ sở để xuất khẩu vượt 126,1 tỷ USD như kế hoạch đề ra từ đầu năm. Cùng với tín hiệu khởi sắc về thị trường và dấu hiệu hồi phục về giá, dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm 2013 có thể sẽ đạt từ 127-128 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với chỉ tiêu mà Quốc hội và Chính phủ giao.

Nhìn lại quá trình chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu, nhiều ý kiến cho rằng, kim ngạch xuất khẩu tăng tới 16% là mức tăng khá cao so với dự báo. Nguyên nhân chính mang lại thành quả này là cơ cấu các nhóm hàng có sự thay đổi. Nông – lâm thủy sản hiện nay chỉ chiếm tỷ trọng 15,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi năm 2012 tỷ trọng này là 19,5%. Tỷ trọng nhóm khoáng sản cũng giảm còn 10,05% trong khi năm 2012, con số này là 10,6%.

Bộ Công Thương dự báo, động lực xuất khẩu 6 tháng cuối năm sẽ nhờ vào kim ngạch nhóm điện tử, da giày, dệt may và một số ngành công nghiệp chế biến khác. Thông thường, kim ngạch 6 tháng cuối năm có khả năng đạt tốc độ cao hơn so với 6 tháng đầu năm. Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu trung bình đạt 10,3 tỷ USD/tháng. Để đạt kết quả 126,1 tỷ USD cho cả năm thì từ nay đến cuối năm, kim ngạch xuất khẩu mỗi tháng phải đạt 11 tỷ USD.

“Con số 11 tỷ USD tương ứng với tăng trưởng 12%. Tuy nhiên, trong điều kiện nếu giá nông sản không tiếp tục giảm và giữ ở mức như hiện nay, cộng với nhập khẩu như hiện nay, tổng kim ngạch 128 tỷ USD có khả năng đạt được”, ông Chinh nhận định.

Nhập khẩu vẫn trong tầm kiểm soát

Cho đến nay mức nhập siêu dừng ở 1,4 tỷ USD là hợp lý và trong tầm kiểm soát. Nguyên nhân chính của nhập siêu 6 tháng nằm ở những mặt hàng cần nhập khẩu như: nguyên nhiên vật liệu, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2013, kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng này đạt 55 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ và chiếm 88% tỷ trọng nhập khẩu. Những mặt hàng như: thức ăn gia súc, nguyên liệu… trong 6 tháng đầu năm tăng 41% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân thứ hai là những mặt hàng cần hạn chế nhập khẩu như ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi hiện nay tăng 11,2% so với 6 tháng cùng kỳ. Tuy nhiên, trị giá nhập khẩu vẫn rất thấp, ở mức 2,42 tỷ USD. Bức tranh tình hình nhập khẩu vẫn nằm trong mức kiểm soát.

Ông Trần Thanh Hải – Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu

 

Theo Thời báo ngân hàng

Comments are closed.