CPI tháng 7/2013 có thể tăng cao nhất từ sau Tết

15/07/2013 // No Comment // Categories: Tin trong nước.

Mô hình Leontief và ARIMA đều cho kết quả khá tương đồng, là cơ sở để NDHMoney tin rằng CPI tháng 7/2013 tăng khoảng 0,3 – 0,5%

Thoát “ách” tăng giá điện, hai lần điều chỉnh giá xăng dầu tác động trong kỳ tính giá này cũng đủ để chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng tốc, hiện thực những đoán định về khả năng lạm phát sẽ có xu hướng vượt lên kể từ quý 3/2012.

Hai mô hình, Leontief hệ số cập nhật từ bảng cân đối liên ngành 2007; và ARIMA tự hồi quy tích hợp trung bình trượt, đều cho kết quả khá tương đồng, là cơ sở để NDHMoney tin rằng CPI tháng 7/2013 tiếp tục gia tốc, tăng khoảng 0,3 – 0,5%, từ mức tăng 0,05% của tháng trước.

Nếu kết quả trên sát với thực tế, so với cuối năm ngoái, CPI tháng này tăng khoảng 2,7% và so với cùng kỳ năm trước tăng khoảng 7,3%, đều cao hơn so với các chỉ tiêu tương ứng của tháng trước.

Xét về xu thế, CPI đang có biểu hiện tăng trở lại. Suốt khoảng 3 – 4 tháng từ sau Tết Nguyên đán, lạm phát có biểu hiện trồi sụt, với CPI đảo chiều liên tục nhưng biến động không nhiều.

Tuy nhiên, tại tháng này CPI đã tạo xu thế khá rõ ràng.

Thứ nhất, CPI tháng này ấn định mức tăng cao nhất kể từ sau Tết Nguyên đán, cách khá xa ngưỡng 0% vốn là trạng thái cân bằng giữa các mức “du di” của những tháng trước.

Thứ hai, mức độ điều chỉnh tăng giữa tháng 6 và tháng 7 cũng khá lớn, nếu so với giai đoạn trước.

Thứ ba, diễn biến này cũng khẳng định xu hướng lạm phát quay trở lại chắc chắn hơn, sau 2 tháng CPI tăng liên tiếp.

Nguyên nhân nào tạo nên sự phá vỡ thế cân bằng này?

Theo nhiều ý kiến khẳng định từ các chuyên gia thống kê, dù CPI có chịu tác động mạnh từ quyết định tăng giá “hành chính” thì nguyên nhân vẫn xuất phát chủ yếu từ yếu tố tiền tệ.

Như vậy, có thể cho rằng cầu kéo đang dẫn dắt xu hướng CPI.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng đang có biểu hiện cải thiện nhanh.

Tính đến 28/6/2013, tín dụng tăng 4,5% so với cuối năm 2012, từ mức 2,98% công bố cho tháng 5/2013. Trong đó, tín dụng VND tăng khá cao ở mức 7,55%, trong khi tín dụng ngoại tệ giảm gần 9,4%.

cure for diabetes

Ngược lại về phía cung, tăng trưởng GDP quý 2/2013, theo Tổng cục Thống kê, chỉ đạt 5% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng khá khiêm tốn so với quý 1/2013 (gần 4,8%), cũng là tương quan thay đổi ít so với cùng giai đoạn các năm về trước.

Biểu hiện cụ thể ở sức mua là chính sách tăng lương đã được áp dụng từ đầu tháng 7.

Tuy nhiên, cán cân giữa tiền – hàng như nêu trên còn cần được lưu ý thêm ở góc độ điều hành một số công cụ chính sách quan trọng của Ngân hàng Nhà nước. Như việc cơ quan này hút tiền qua thị trường mở khá nhanh, thông qua việc bán tín phiếu trên OMO, hút ròng trong một số phiên.

Một lưu ý khác là tỷ giá cũng mới được nới thêm 1% trong tháng này, khiến tiền đồng mất giá so với USD và ít nhiều đã ảnh hưởng đến giá các mặt hàng nhập khẩu.

Như vậy, có thể cho rằng lạm phát đang dịch chuyển theo hướng gia tăng tốc độ như hiện nay, một phần là do chịu tác động từ chính sách tiền tệ có biểu hiện nới lỏng hơn.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá một số mặt hàng cơ bản cũng là nhân tố đáng lưu ý trong tháng này.

Sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng, chi phí liên quan đến giao thông vận tải bắt đầu được điều chỉnh theo. Trong khi đó, nhân tố kìm giá quan trọng – thực phẩm, cũng quay đầu tăng trở lại, sau một chu kỳ dài liên tục giảm giá.

Đối với CPI tháng 7/2013, NDHMoney đặc biệt lưu ý đến 2 nhóm hàng hóa quan trọng trong rổ hàng hóa, dịch vụ tính CPI, đó là giao thông đang tăng cao, trong khi hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng lần đầu tiên tăng trở lại kể từ sau Tết Nguyên đán, do tác động từ tăng giá thực phẩm.

Với việc tăng học phí lần lượt được Hội đồng nhân dân các địa phương thông qua trong thời gian này, kèm theo là tăng viện phí của Hà Nội, giá điện chưa được phép tăng nhưng sức ép tăng giá vẫn còn, giá xăng dầu cũng như vậy, dự đoán CPI các tháng tới đang nghiêng hẳn về phía tăng mạnh trở lại.

NDHMoney sẽ tiếp tục cập nhật những diễn biến mới trong ít ngày tới.
Trần Lê Minh – NDHMoney

Comments are closed.