Fitch: Kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định

30/09/2013 // No Comment // Categories: Tin trong nước.

Tốc độ tái cơ cấu ngân hàng và cải cách doanh nghiệp nhà nước chậm đang tác động xấu đến triển vọng kinh tế trung hạn và tín nhiệm của Việt Nam.

Fitch Ratings nhận định kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định và đã đứng vững trước những biến động tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, tốc độ tái cơ cấu ngân hàng và cải cách doanh nghiệp nhà nước (SOEs) chậm đang tác động xấu đến triển vọng kinh tế trong trung hạn cũng như tình hình tín nhiệm quốc gia.

Nền kinh tế vĩ mô đã đạt được sự ổn định trong một thời gian dài nhờ các biện pháp quản lý chính sách tài khóa và tiền tệ hiệu quả. Điều này thể hiện rõ qua việc cán cân tài khoản vãng lai vẫn duy trì được mức thặng dư nhẹ và lạm phát hàng năm có thể được ngăn chặn ở mức một con số.

Đồng thời, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể đã chạm đáy với mức mở rộng 5,5% trong quý III, cao hơn so mức 4,9% trong nửa đầu năm. Thêm vào đó, xu hướng ổn định của nền kinh tế vĩ mô đã không bị lung lay bởi những biến động trên các thị trường tài chính toàn cầu, yếu tố tác động đến các nền kinh tế mới nổi của khu vực thời gian qua.

Tại Ấn Độ và Indonesia, những biến động như vậy đã gia tăng căng thẳng trên thị trường tiền tệ, qua đó ảnh hưởng đến bảng cân đối kế toán của các ngân hàng cũng như doanh nghiệp và dẫn đến việc thắt chặt chính sách.

Một lý do giúp hệ thống tài chính Việt Nam tương đối ổn định là cán cân tài khoản vãng lai bắt đầu đạt được thặng dư từ năm 2011. Điều này đã hạ thấp đáng kể nhu cầu cấp vốn ròng từ bên ngoài và gia tăng dự trữ ngoại hối lên khoảng 27 tỷ USD vào cuối tháng 5, tương đương khoảng 2,7 tháng nhập khẩu.

Một lý do khác nữa là Việt Nam ngày càng ít phụ thuộc vào dòng vốn đầu tư – yếu tố biến động khá mạnh trong thời gian qua do dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ rút lại chính sách nới lỏng định lượng và gia tăng sự giám sát của nhà đầu tư toàn cầu đối với những rủi ro tại các thị trường mới nổi.

Cuối cùng, bức tranh khả quan của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) – tăng 36% so cùng kỳ năm ngoái lên 15 tỷ USD trong vòng một năm tính đến tháng 9/2013 – đã tăng cường cán cân thanh toán. Từ trước đến nay, Việt Nam thường thu hút được nhiều vốn FDI (tính theo % GDP) so với các quốc gia có cùng xếp hạng tín nhiệm và điều này cũng đã góp phần vào sự dịch chuyển cơ cấu của lĩnh vực xuất khẩu, từ đó đem lại tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ cho lĩnh vực này kể từ năm 2012.

Tuy nhiên, Fitch vẫn còn nghi ngờ về khả năng tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể nhanh chóng trở về mức 7% như trong một thập kỷ qua do hai nguyên nhân.

Thứ nhất, hệ thống ngân hàng vẫn còn kìm kẹp bởi tỷ lệ nợ xấu cao. Fitch cho rằng các biện pháp tái cơ cấu tài sản hiện nay – thông qua việc thành lập Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) – sẽ không cung cấp đủ vốn và đủ nhanh để đem lại tốc độ tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực sản xuất trong tương lai gần.

Việc tham gia sâu rộng hơn của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết mới đây, sẽ dỡ bỏ các giới hạn về sở hữu. Động thái này sẽ đem lại nguồn vốn cần thiết và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, chi tiết và lịch trình của quá trình này vẫn còn chưa rõ ràng.

Thứ hai, cuộc cải cách các doanh nghiệp nhà nước tiến triển khá chậm.

Như vậy, kết quả của tất cả các động thái này là sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô nhưng khả năng cải thiện đáng kể của triển vọng tăng trưởng vẫn còn chưa rõ ràng. Hệ thống ngân hàng Việt Nam đã mạnh tay nới rộng tín dụng với tỷ lệ tín dụng tư nhân/GDP tại thời điểm cuối năm 2012 là 95%.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước vẫn có vai trò chiến lược rất lớn. Vì thế, quá trình tái cơ cấu tài sản và cắt giảm đòn bẩy tài chính kéo dài của các doanh nghiệp quốc doanh, nếu không được đẩy mạnh, sẽ tiếp tục gây sức ép lên các hoạt động kinh tế và gây ra rủi ro đối với xếp hạng tín nhiệm quốc gia hiện đang ở mức “B+” với triển vọng “ổn định”.

Nguồn Vietstock

 

Comments are closed.