Mark Zuckerberg từ thiện 45 tỷ USD để né thuế?

07/12/2015 // No Comment // Categories: Tin thế giới.

Thoạt nghe, hai chữ “từ thiện” gợi một ý niệm rất tốt về công bố mới đây của ông chủ Facebook. Song không phải ngẫu nhiên mà sau đó có rất nhiều câu hỏi, hoài nghi về hành động nghĩa cử này.

Lẽ dĩ nhiên chúng ta không phản đối việc làm từ thiện. Hành vi đóng góp công sức, của cải vào việc cải thiện đời sống của người khác là một việc rất nên làm (nếu có điều kiện).

Song câu chuyện của Mark Zuckerberg cam kết dành 99% cổ phần trong Facebook, hiện có trị giá tương đương 45 tỷ USD làm từ thiện, lại khiến dân Mỹ lời ra tiếng vào, liên quan chủ yếu đến thuế. Bài viết này được đăng trên trang The Atlantic mà VnReview lược dịch lại sẽ giúp chúng ta hiểu hơn xung quanh câu chuyện này.

Nhưng trước hết, có một điều bạn cần nắm rõ là việc tiêu tiền (nhất là một gia sản lớn) tại Mỹ không đơn giản như ở ta.

Hôm thứ Ba tuần trước, ông chủ Facebook công bố không chỉ một mà tới hai chuyện lớn. Chuyện đầu tiên là Mark được làm cha và chuyện thứ hai là cả hai vợ chồng, Mark Zuckerberg và Priscilla Chan, quyết định thành lập một tổ chức từ thiện nhân dịp cô con gái Max vừa chào đời, với tên gọi Chan Zuckerberg Initiative (CZI). Mọi thứ thật tốt đẹp, phải không?

Tuy nhiên, tổ chức mà Mark vừa lập ra có chút “vấn đề” khi nó không giống các tổ chức từ thiện khác xuất hiện trước đấy, ví dụ quỹ từ thiện của Bill Gates. Thay vì đăng ký là một tổ chức từ thiện thuần tuý với chính phủ, Mark đăng ký CZI dưới hình thức một công ty TNHH (LLC) theo luật Mỹ. Vì là công ty TNHH, CZI sẽ có mô hình hoạt động không giống các tổ chức trên, nhất là các tổ chức phi lợi nhuận. Những ý kiến chỉ trích Mark chủ yếu nhằm vào hai vấn đề – cấu trúc hoạt động của CZI và cách mà CZI được rót vốn.

Nghi án trốn thuế

Quỹ tiền để tài trợ cho CZI phần lớn sẽ đến từ số cổ phần mà Mark đang sở hữu tại Facebook, được ước tính hiện có giá trị tới 45 tỷ USD trên thị trường. Những người chỉ trích cho rằng bằng cách “rửa” cổ phần qua một tổ chức khác, Mark có thể trốn được khoản thuế dưới hình thức hoạt động nhân đạo. Bởi vì nếu Mark bán số cổ phiếu trên ra thị trường, người cha trẻ này sẽ phải đóng thuế thu nhập cho khoản lợi tức (nếu cổ phiếu đang có lãi) cho chính phủ Mỹ. Ấy là chưa tính tới khoản thuế khác cần phải bỏ ra để dòng tiền có thể chảy. Nhưng nếu không quy đổi ra tiền mặt bằng cách bán mà chuyển sang một tổ chức khác, Mark có thể tránh được khoản thuế khi cho số cổ phiếu của mình chạy “vòng vòng”.

Nhưng nói qua cũng phải nói lại. Vì cách tránh thuế này – theo những người chỉ trích Mark – tương đối khó hiểu. Nguyên nhân ở chỗ Mark không đăng ký CZI là một tổ chức phi lợi nhuận mà lại là một công ty TNHH. Trong khi đó theo luật Mỹ, các tổ chức từ thiện sẽ được miễn giảm thuế nhiều hơn các doanh nghiệp khác. Như vậy nếu để tránh thuế, tại sao Mark lại chọn mô hình doanh nghiệp cho CZI?

Câu trả lời cho câu hỏi trên lại làm mọi thứ mơ hồ hơn khi nó là một câu hỏi khác – vấn đề là số cổ phiếu mà Mark chuyển qua CZI, sẽ được làm gì sau đó?

Về nguyên tắc nó có thể dùng để bán, hoặc đem tặng tiếp nữa cho các tổ chức khác. Nói cho đơn giản, CZI có thể tặng tiếp số cổ phiếu trên cho các đơn vị từ thiện khác, hoặc là bán đi để quyên góp bằng tiền mặt thật sự. Nhưng các lựa chọn này, cùng với việc Mark có tìm kiếm một khoản giảm trừ thuế hay không, sẽ quyết định liệu việc đóng thuế và giảm thuế cũng như các điều khoản quy định khác có xảy ra hay không.

Không giống các tổ chức từ thiện khác

Ngoài ra, cách thức CZI hoạt động về lý thuyết sẽ “kín tiếng” hơn các tổ chức phi lợi nhuận truyền thống khác, và đây là điểm bị chỉ trích thứ hai. Brad Smith, chủ tịch của Trung tâm Các tổ chức (Foundation Center) – một tổ chức chuyên cung cấp các dữ liệu và phân tích về hoạt động từ thiện có trụ sở tại New York, nhận định: “Tôi cho rằng một trong các vấn đề lớn xung quanh việc này là tính minh bạch của CZI, và làm sao chúng ta thực sự biết được Mark Zuckerberg hay những người khác cũng lập ra các công ty TNHH sẽ tổ chức việc từ thiện như thế nào. Trừ phi họ chọn cách công bố chúng trên các trang web. Hoặc trong trường hợp này là một trang trên Facebook, chúng ta sẽ phải lệ thuộc vào tinh thần tự nguyện tiết lộ của họ để có thể hiểu được đầy đủ việc họ đang làm cái gì với số tiền đó”.

Trong bản công bố trên Facebook của mình, Mark có hé lộ đôi chút về cách mà số tiền của tổ chức sẽ được dùng. CEO mạng xã hội lớn nhất hành tinh viết: “Chúng tôi sẽ tham dự vào chính trị và các cuộc vận động để định hướng các cuộc tranh luận”. Trong khi các tổ chức phi lợi nhuận không thể dùng tiền để hỗ trợ các chiến dịch tranh cử chính trị, họ vẫn có thể dùng chúng cho các đợt vận động có giới hạn. Nhưng khi chọn hình thức công ty TNHH, vợ chồng Mark đã tháo gỡ bớt các giới hạn về mặt chính trị, cũng như một số quy định khác vốn áp dụng với các tổ chức phi lợi nhuận. Ngoài ra vì chọn hình thức không phi lợi nhuận, CZI hoàn toàn có thể dùng tiền của họ cho các hoạt động có thể có lợi nhuận, ví dụ như đầu tư để trồng cần sa chẳng hạn (giả dụ thế).

Chính sự uyển chuyển này sẽ quyết định các ưu nhược điểm mà Mark đã chọn. Sứ mệnh của CZI cũng bị chỉ trích là “mơ hồ”. Nhiều người cho rằng vế “cải tiến các tiềm năng của con người” là một phát biểu chung chung, không đi vào đâu, thậm chí không rõ ràng bằng câu “đẩy lùi bệnh sốt rét”. Tuy vậy với những “đại gia công nghệ mới nổi” như Mark, việc rót tiền vào đâu và sử dụng chúng như thế nào cho hiệu quả không phải chuyện dễ dàng. Do đó có thể “thông cảm” với Mark về những phát biểu mang tính chung chung như vậy. Ngoài ra, các khoản thuế có thể là yếu tố khiến họ thay đổi lại các quan điểm về những thứ mà họ không muốn đầu tư cho sau này.

Có thể nói các năng lực của CZI về cơ bản là làm những gì mà họ muốn khác với tư duy truyền thống trong việc sử dụng tiền tư nhân cho các giá trị cộng đồng. Suzanne Friday, phó chủ tịch bộ phận pháp chế của Hội đồng tư vấn Các tổ chức (Council on Foundations), nhận xét: “Có một tư tưởng tồn tại từ lâu rằng nếu như người đóng góp được miễn giảm thuế, thì phải có cái gì đó tương xứng được trả lại. Nên ý niệm ở đây là một khi món quà được làm ra, nó phải thuộc về cộng đồng. Và nếu như người đóng góp không nhận được lợi ích đó (giảm thuế), thì có công bằng hay không trong việc đòi hỏi họ công khai chúng?”. Bằng cách “xé rào” khỏi quy định truyền thống, Priscilla và Mark cũng đồng thời có thêm quyền thay đổi quy mô đóng góp của tổ chức, các chiến lược làm từ thiện cũng như sứ mệnh mà CZI sẽ thực thi; thay vì cứ bám vào một lời cam kết dài hạn như bao tổ chức khác.

Mark Zuckerberg nói gì?

Ngày 3/12, Mark Zuckerberg đã viết trên Facebook rằng anh và vợ sẽ chuyển tài sản của mình qua một công ty TNHH thay vì một tổ chức truyền thống để họ tự cho mình sự linh hoạt tối đa, “để theo đuổi sứ mệnh của chúng tôi bằng việc tài trợ cho các tổ chức phi lợi nhuận, thực hiện các khoản đầu tư riêng tư và tham dự vào các cuộc tranh luận chính sách – mà ở mỗi trường hợp đều có mục tiêu là tạo ra tác động tích cực trong các lĩnh vực có nhu cầu nhất”.

Trong bài đăng của mình, anh cũng phản hồi cho những mối quan ngại về cấu trúc công ty TNHH là một cách để tránh thuế cho khối tiền khổng lồ 45 tỷ USD. “Thực tế, nếu chúng tôi chuyển cổ phần của mình tới một tổ chức truyền thống thì chúng tôi sẽ nhận được ưu đãi thuế ngay lập tức, nhưng với việc sử dụng một công ty TNHH thì chúng tôi không được. Và giống như bất kỳ mọi người, chúng tôi sẽ đóng góp thuế lợi tức khi cổ phiếu của chúng tôi được công ty TNHH bán đi”.

Có thể nói ở thời điểm hiện tại, những lời chỉ trích nhằm vào Mark và CZI có vẻ đã bị làm quá lên; hoặc, còn quá sớm. Dù sao, CZI chỉ mới được thành lập chưa tới một tuần. Chúng ta chưa thể thấy được Mark sẽ làm gì với kế hoạch trên và do đó, chưa thể “phán” được bản chất CZI là thế nào.

Mọi kịch bản đều có thể xảy ra, CZI hoàn toàn có thể trở thành một trong những tổ chức từ thiện vĩ đại nhất thế giới (chỉ tính riêng kinh phí). Song đây cũng có thể là một cơn bùng nổ nhất thời. Nhưng dù thế nào, việc chọn mô hình công ty TNHH cho phép CZI được quyền tự do chọn nơi rót vốn, chọn người muốn tuyển cũng như đặt ra các mối ưu tiên và chiến lược từ thiện của riêng mình.

Theo NDH.VN

Comments are closed.