Lạm phát có thể lên đỉnh 18-19% vào tháng 7 và 8

25/04/2011 // No Comment // Categories: Tin trong nước.

Sự mất cân đối trong nền kinh tế, các giải pháp khắc phục và dự báo một số chỉ số trong nền kinh tế. Đó là những nội dung được các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam thảo luận tại Hội thảo khoa học “Chính sách tiền tệ – tài khóa và phát triển thị trường tài chính Việt Nam diễn ra sáng 23/04 nhân sự kiện “Finance @ Banking Expo 2011” tại Trường Đại học Kinh tế – Luật thuộc Đại học Quốc gia TPHCM.

Hội thảo đã quy tụ được nhiều chuyên gia kinh tế nổi tiếng của Việt Nam đến từ một số cơ quan thuộc Chính phủ, Trường đại học và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính.

Băn khoăn về việc thực thi Nghị quyết 11

Theo tinh thần của Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 về giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, chính sách tiền tệ và tài khóa cùng thắt chặt.

Về chính sách tiền tệ, NHNN đã tăng lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn lên lần lượt là 11 và 12%. Ngoài ra, NHNN cũng đặt trần giới hạn tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng là 20%, và đặt mục tiêu kiểm soát cung tiền M2 tăng 15-16%. Mới đây, NHNN cũng đã tăng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ từ 4-6%.

Hệ quả của chính sách thắt chặt tiền tệ là lãi suất hiện nay đang ở mức rất cao. Nhiều ngân hàng gặp khó khăn trong vấn đề thanh khoản. Cuộc đua lãi suất huy động vẫn đang ngấm ngầm diễn ra dù được ấn định mức trần là 14%. Đường cong lãi suất trở thành 1 đường thẳng khi lãi suất của tất cả các kỳ hạn gần như bằng nhau.

Các chính sách thắt chặt trên nhằm kiểm soát lạm phát và mang lại sự ổn định cho tiền đồng. Tuy vậy, do độ trễ của chính sách tiền tệ thường từ 3-6 tháng cho nên lạm phát tiếp tục tăng mạnh trong những tháng vừa qua. Trong 4 tháng đầu năm lạm phát đã lên trên 9%, còn so với cùng kỳ năm trước tăng trên 17%.

Chính sách tiền tệ như trên được nhiều chuyên gia đánh giá là “rất mạnh mẽ”. Tuy nhiên, tại cuộc hội thảo nhiều chuyên giá đánh giá chính sách tài khóa vẫn chưa đủ liều. Cụ thể, theo TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, sau khi rà soát hơn 1,000 dự án đầu tư công số tiền cắt giảm chỉ là 3,400 tỷ đồng. Đây là số tiền quá nhỏ khi chỉ tương đương với khoảng 1% tổng đầu tư của khu vực nhà nước.

Các chuyên gia tại Hội thảo đều đánh giá là việc cắt giảm đầu tư công rất khó khăn vì nó “động chạm” đến quyền lợi của nhiều nhóm lợi ích. Thực tế, trong suốt những năm vừa qua thâm hụt ngân sách liên tục tăng cao mặc dù thu ngân sách vẫn tăng rất mạnh.

TS. Phạm Đỗ Chí cho rằng để giảm lạm phát cần phải cắt giảm đầu tư công thêm nữa vì lạm phát cao hiện nay có nguyên nhân sâu xa là do thâm hụt ngân sách quá lớn. Cũng về vấn đề thâm hụt ngân sách, PGS. TS. Nguyễn Hồng Thắng – Trường Đại học Kinh tế TP.HCM bày tỏ quan ngại về thâm hụt ngân sách tăng nhanh cả về số tuyệt đối lẫn số tương đối. Theo ông Thắng cần phải xây dựng một khuôn khổ rõ ràng về chính sách tài khóa cho mục tiêu trung và dài hạn.

Tóm lại, trong vấn đề chính sách tài khóa và tiền tệ theo tinh thần của Nghị quyết 11, các chuyên gia tại Hội thảo đều cho rằng đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, cần phải mạnh tay hơn nữa với chính sách tài khóa do thâm hụt ngân sách đang ở mức quá cao.

Tái cấu trúc nền kinh tế đang là vấn đề bức thiết

Nhiều chuyên gia cho rằng các biện pháp hành chính theo tinh thần Nghị quyết 11 có thể là cần thiết trong ngắn hạn để ổn định lại kinh tế vĩ mô, tuy nhiên về dài hạn không còn cách nào khác phải điều hành theo các biện pháp kinh tế. Xây dựng một thị trường cạnh tranh để giảm đi sự méo mó trong các hoạt động kinh tế do độc quyền, và các biện pháp hành chính gây nên. Để ổn định kinh tế vĩ mô trong dài hạn thì cần phải tái cấu trúc lại nền kinh tế để nâng cao hiệu quả đầu tư và giảm thiểu sự mất cân đối vĩ mô đang ở mức trầm trọng.

Trong tham luận của mình GS.TS. Nguyễn Thị Cành – Trường ĐH Kinh Tế-Luật, thuộc ĐHQG TPHCM cho rằng kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang mất cân đối. Cụ thể nó được thể hiện qua việc mất cân đối khá lớn giữa tiết kiệm và đầu tư trong nước, giữa tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng GDP, giữa thu và chi ngân sách, giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Sự mất cân đối đó dẫn đến những bất ổn về tỷ giá, lạm phát và các yếu tố vĩ mô khác.

Vấn đề yếu kém trong hiệu quả đầu tư cũng được nhiều nhà kinh tế tại Hội thảo đồng thuận. Hiện nay, tỷ lệ đầu tư của khu vực nhà nước đang quá cao (trên 40% tổng đầu tư) và hiệu quả đầu tư lại quá thấp đã làm nảy sinh nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Việc “ôm đồm” của nhà nước đã lấn át sự phát triển của các khu vực khác trong nền kinh tế gây nên một vòng xoáy luẩn quẩn trong đầu tư và tăng trưởng.

Vấn đề trên không phải là mới tuy nhiên nhiều năm qua vẫn không giải quyết được. Hiện nay, Chính phủ vẫn không ngừng theo đuổi rất nhiều dự án “tỷ đô”. Nhiều siêu dự án không ngừng được đề xuất dù hiệu quả chưa được chứng minh một cách rõ ràng.

Hầu hết các chuyên gia tại Hội thảo đều đồng ý với quan điểm cần phải tái cấu trúc nền kinh tế một cách sâu rộng để sửa chữa những “lỗ hổng” chết người trong nền kinh tế. Ông Nguyễn Hồng Thắng còn nhấn mạnh “Mọi sự chậm trễ đều có thể dẫn đến những mức giá rất đắt trong tương lai”.

Triển vọng thị trường chứng khoán và các yếu tố vĩ mô

Ngoài việc bàn luận các vấn đề có tính chất “kinh điển” trong nền kinh tế các chuyên gia tại Hội thảo còn đưa ra một số dự báo đối với kinh tế và thị trường tài chính trong thời gian tới.

TS. Lê Xuân Nghĩa – Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia đưa ra nhận định khá lạc quan về triển vọng của thị trường ngoại tệ. Theo TS. Nghĩa năm 2011 cán cân thanh toán có thể thặng dư 1 tỷ USD, thấp hơn mức dự báo của NHNN là 2.5 tỷ USD. Cơ sở để ông đưa ra dự báo này là Khoản mục sai sót trong Bảng cân đối cán cân thanh toán giảm mạnh so với 2 năm trước; nhập siêu sẽ không tăng quá mạnh do chính sách tài khóa thặt chặt; nguồn kiều hối và dòng ngoại tệ bị ảnh hưởng không đáng kể bởi chính sách đối với ngoại tệ mới được ban hành.

Không lạc quan như TS. Nghĩa, TS. Phạm Đỗ Chí cho rằng cán cân thanh toán năm 2011 có thể tiếp tục thâm hụt 3 tỷ USD. TS. Chí dự báo nguồn kiều hối sẽ chỉ còn khoảng 6 tỷ USD do việc áp đặt trần lãi suất huy động ngoại tệ chỉ còn 3%, thấp mức trên 8 tỷ USD của năm 2010.

Chủ đề nóng được quan tâm khác là vấn đề lạm phát của năm 2011, Theo TS. Võ Trí Thành thì lạm phát năm 2011 vẫn có thể quanh mức 12-13%, nếu không có cú sốc quá lớn từ bên ngoài. Tuy nhiên, ở một cách nhìn khác TS. Chí lại nhận định lạm phát có thể lên tới đỉnh điểm 18-19% vào tháng 7 và tháng 8, sau đó có thể giảm về mức 16-17% vào cuối năm nếu Chính phủ không tích cực hơn nữa trong việc giảm đầu tư công.

Đối với thị trường bất động sản các ý kiến đều cho rằng Việt Nam vẫn chưa thể vỡ bong bóng bất động sản mà chỉ “xì hơi”. Hiện nay, Việt Nam chưa hội đủ điều kiện đề làm vỡ tung bong bóng bất động sản dù giá nhà đất vẫn đang ở mức rất cao. Phân khúc giá nhà cao cấp sẽ tiếp tục giảm để “phù hợp hơn với thực tế”.

Về thị trường chứng khoán, TS. Nghĩa bày tỏ lạc quan là thị trường có thể phục hồi vào quý 3/2011. Nguyên nhân do các chính sách vĩ mô sẽ có hiệu quả và dòng vốn nước ngoài sẽ đổ vào mạnh để “thu lượm” cổ phiếu giá rẻ. TS. Thành cũng tin tường thị trường sẽ phục hồi mạnh vào năm 2012.

 

Comments are closed.