Góp ý xây chỉ số VN-30

29/09/2011 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Vừa qua, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đã tổ chức hội thảo giới thiệu về chỉ số giá cổ phiếu VN-30, dự định áp dụng từ đầu năm 2012. Chúng tôi ủng hộ nỗ lực này của Sở, vì nó đặt nền móng để phát triển bộ chỉ số cho TTCK Việt Nam trong thời gian tới và khắc phục những khiếm khuyết của các chỉ số đang áp dụng. Trong bài viết này, tôi mong giới thiệu được những nét cơ bản nhất về mặt lý luận, thực tiễn của các bộ chỉ số đang có ở Việt Nam và góp một số ý để việc xây dựng VN-30 tốt hơn.

Về mặt lý luận, mục tiêu cơ bản của việc xây dựng chỉ số giá nói chung là xây dựng hệ thống chỉ tiêu phản ánh sự biến động của giá theo thời gian. Chỉ số giá cổ phiếu cũng vậy, nó là chỉ tiêu phản ánh sự thay đổi của giá cổ phiếu theo thời gian.

Ý tưởng xuyên suốt trong quá trình xây dựng chỉ số giá là phải cố định phần lượng, loại bỏ mọi yếu tố ảnh hưởng về giá trị để khảo sát sự thay đổi của riêng giá. Có như vậy chỉ số giá mới phản ánh đúng sự biến động về giá. Mọi công thức, phương pháp không thực hiện được ý tưởng này đều sai với lý luận và chắc chắn chỉ số giá không phản ánh đúng sự biến động của giá.

Để thực hiện được mục tiêu và ý tưởng trên, có 3 vấn đề cần giải quyết trong quá trình xây dựng chỉ số giá cổ phiếu, đó là: chọn phương pháp; chọn rổ đại diện; tìm biện pháp trừ khử các yếu tố biến đổi về giá trị để đảm bảo chỉ số giá chỉ phản ánh sự biến động của riêng giá.

Phương pháp Passcher là phương pháp được dùng phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Đó là phương pháp là chỉ số giá bình quân gia quyền giá trị, với quyền số là số lượng chứng khoán niêm yết thời kỳ tính toán. Kết quả tính sẽ phụ thuộc vào cơ cấu quyền số thời kỳ tính toán (xem công thức).

Công thức tính chỉ số giá theo phương pháp Passcher:

qt pt

Ip = ————

qt po

Trong đó:

Ip là chỉ số giá Paascher

pt là giá thời kỳ t

po là giá thời kỳ gốc

qt là khối lượng (quyền số) thời điểm tính toán (t) hoặc cơ cấu của khối lượng thời điểm tính toán.

Hầu như tất cả các chỉ số giá chứng khoán mang đuôi Index đều dùng phương pháp này như NYS Index, Top Index (Topix), VN-Index, HNX-Index… Như vậy, phương pháp luận đã xác định và nhiệm vụ của chúng ta là tìm hiểu thấu đáo phương pháp tính toán và ứng dụng nó vào thực tiễn một cách chính xác và không quá xa rời thông lệ quốc tế.

Thực tiễn

Chúng ta đang dùng ba bộ chỉ số cho ba sàn GDCK là VN-Index, HNX-Index và UPCoM-Index. Phương pháp dùng tính cho ba bộ chỉ số này đều là phương pháp Passcher nêu trên. Tuy nhiên, qua thực tiễn sử dụng, mọi người đều nhận thấy rằng, các bộ chỉ số này đều có những khiếm khuyết là không phản ánh đúng sự biến động giá của TTCK Việt Nam.

Khiếm khuyết lớn nhất của các bộ chỉ số này là lấy quyền số theo số cổ phiếu niêm yết theo khái niệm của Việt Nam (số cổ phiếu đã phát hành), khác với thông lệ quốc tế là các cổ phiểu có thể giao dịch (free floating). Sở GDCK Hà Nội đã nhận thấy sự méo mó quá đáng của chỉ số và đã sửa theo phương pháp free floating cho 1 cổ phiếu để giải quyết vấn đề này. Trong thời gian tới, hy vọng cả 2 Sở đều áp dụng triệt để phương pháp quyền số free floating cho tất cả cổ phiếu.

Chọn rổ đại diện

Một nhiệm vụ thứ hai trong việc xây dựng chỉ số giá chứng khoán là chọn rổ đại diện. Ở Sở GDCK New York có gần 3.000 cổ phiếu niêm yết, nhưng chỉ số tổng hợp Dow Jones chỉ bao gồm 65 cổ phiếu. Trong đó, chỉ số Dow Jones công nghiệp (DJIA) bao gồm 30 cổ phiếu, Dow Jones vận tải (DJTA) bao gồm 20 cổ phiếu và Dow Jones dịch vụ (DJUA) bao gồm 15 cổ phiếu. Tuy bao gồm một số lượng cổ phiếu niêm yết rất nhỏ như vậy, nhưng các chỉ số Dow Jones vẫn trường tồn qua năm tháng, vì nó phản ánh được xu thế, động thái vận động của giá của cả thị trường. Rổ đại diện này là tiêu biểu, đại diện được cho tổng thể, vì những cổ phiếu không còn tiêu biểu sẽ được thay thế bằng cổ phiếu tiêu biểu hơn.

Ba tiêu thức quan trọng để xác định sự tiêu biểu của cổ phiếu để chọn vào rổ đại diện là số lượng cổ phiếu niêm yết (theo tiêu chí free floating), giá trị niêm yết và tỷ lệ giao dịch, mua bán chứng khoán đó trên thị trường (khối lượng và giá trị giao dịch). Chúng tôi ủng hộ phương pháp mà HOSE đã giới thiệu tại hội thảo. Chỉ với 30 cổ phiếu mà đại diện cho xấp xỉ 80% vốn hoá thị trường (theo vốn hoá free floating), 60% giá trị giao dịch thị trường.

Loại bỏ nhân tố ảnh hưởng

Trong quá trình tính toán, một số nhân tố làm thay đổi về khối lượng và giá trị của các cổ phiếu trong rổ đại diện sẽ ảnh hưởng đến tính liên tục của chỉ số. Ví dụ như phạm vi, nội dung tính toán của ngày báo cáo không đồng nhất với ngày trước đó, làm cho việc so sánh bị khập khiễng, chỉ số giá tính ra không phản ánh đúng sự biến động của riêng giá.

Cụ thể các yếu tố đó là: thêm, bớt cổ phiếu khỏi rổ đại diện, thay cổ phiếu trong rổ đại diện; nhập, tách cổ phiếu; thưởng cổ phiếu, nhận cổ tức bằng cổ phiếu, thưởng tiền, tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành cổ phiếu mới; bán chứng quyền; phát hành trái phiếu chuyển đổi; cổ phiếu trong rổ đại diện bị giảm giá trong những ngày giao dịch không có cổ tức.

Để loại bỏ ảnh hưởng của các yếu tố nêu trên, người ta dùng kỹ thuật điều chỉnh hệ số chia (cũng thường được gọi là điều chỉnh giá trị vốn hoá thị trường cơ sở). Về mặt lý luận, có thể hiểu thuật ngữ “giá trị vốn hoá thị trường ngày cơ sở” là giá trị vốn hoá thị trường theo giá ngày chỉ số lấy giá trị 100 (đối với VN-Index là ngày 28/7/2000) và đã được trừ khử tất cả yếu tố thay đổi về lượng, giá trị trong cả quá trình tính chỉ số.

Một số góp ý cho VN-30

- Nên tính tỷ lệ cổ phiếu free floating cho tất cả cổ phiếu niêm yết trên thị trường và áp dụng luôn để tính VN-Index thống nhất phương pháp với VN-30. Trong bước 1, tiêu chí lựa chọn cổ phiếu vào rổ VN-30 nên dựa vào số cổ phiếu tự do chuyển nhượng, không nên dựa vào “cổ phiếu niêm yết” kiểu Việt Nam như hội thảo đã giới thiệu.

- Không nên giới hạn cấu phần 10%, mà nên cao hơn (15%), các cổ phiếu hiện tại theo khảo sát nên giữ nguyên.

- Thời gian điều chỉnh 6 tháng là quá xa, làm cho chỉ số có thể xa rời thực tế, mà nên điều chỉnh mỗi tháng một lần.

- Nên công bố công khai chi tiết phương pháp tính, phương pháp điều chỉnh hệ số chia trong từng trường hợp cụ thể, có ví dụ minh hoạ như nhiều Sở GDCK khác trên thế giới đang làm để mọi người cùng hiểu và sử dụng.

- Nên đào tạo cho những người trực tiếp tham gia trong quy trình tính chỉ số hiểu tường tận phương pháp tính (hiểu bản chất gốc) và những kỹ thuật xử lý tình huống, tránh những sai sót đáng tiếc như việc niêm yết thêm cổ phiếu Gemadept trước đây.

Theo Tiến sĩ Tôn Tích Quý
ĐTCK

 

 

Comments are closed.