Chứng khoán vào cuộc tái cấu trúc

21/12/2011 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Hai năm trước, nhà đầu tư đã từng không còn chỗ chen chân ở sàn chứng khoán Đông Dương (DDS). Ở đó, vừa bước vào cửa đã cảm nhận không khí nhộn nhịp mua bán cổ phiếu. Nhưng giờ đây, không thể cầm cự hơn nữa khi thị trường ngày càng khó khăn, công ty chứng khoán này đã đóng cửa hoạt động môi giới, nhà đầu tư sẽ chuyển tài khoản sang chứng khoán Kim Eng (Việt Nam).

Anh H.T, một môi giới làm từ năm 2000 đến nay, là một trong số 60 – 70 nhân viên vừa rời khỏi công ty chứng khoán Sacombank (SBS). Theo anh, đây là đợt cắt giảm thứ hai, phần lớn gồm những nhân viên kỳ cựu và lãnh đạo, sau đợt thứ nhất hồi tháng 3 – 4 với khoảng 90 người, đa phần là cộng tác viên môi giới và nhân viên hết hạn hợp đồng mà SBS không ký tiếp.

Nhân sự tan tác

SBS đang trong quá trình tái cấu trúc, một phần do cổ đông mới, người từ ngân hàng Sacombank sang, phần do không thể gánh lượng nhân sự cồng kềnh khi đang phải chịu lỗ lớn. H.T nói, rằng anh chưa biết về đâu, bởi lựa chọn quá ít ỏi khi các công ty chứng khoán đều khó khăn, chật vật, và cũng đang thu hẹp hoạt động, cắt giảm nhân sự. “12 năm trong nghề, tôi cũng chưa biết sẽ làm gì nếu bỏ chứng khoán”, H.T nói.

Chứng khoán đang trải qua những ngày khó khăn nhất từ khi thị trường thành lập. Nhiều tháng nay, giá trị giao dịch trên hai sàn mỗi phiên chưa tới 1.000 tỉ đồng, khiến doanh thu từ môi giới của các công ty chứng khoán sụt giảm mạnh. Theo thống kê, mười công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất quý 3 năm nay đã chiếm hơn một nửa doanh số giao dịch, vì vậy, hơn 90 công ty chứng khoán còn lại phải chia nhau phần còn lại.

Như nhiều công ty chứng khoán khác, DDS đã đầu tư cho hệ thống giao dịch, bảng giao dịch trực tuyến, nhân lực… Song, thị trường ngày càng hiu hắt khiến công ty khó thể cầm cự hơn nữa, đành phải đóng cửa hoạt động môi giới. Một nhân viên DDS cho biết, hầu hết các nhân viên môi giới phải nghỉ việc, và đang tìm việc ở công ty chứng khoán khác.

Ông Lê Minh Tâm, tổng giám đốc công ty chứng khoán Kim Eng (Việt Nam), cho biết Kim Eng đang nhận đơn xin việc từ một số môi giới chứng khoán ở các công ty bạn. Ông cũng cho biết, ngoài DDS, Kim Eng đang thương thảo với hai công ty chứng khoán nữa, để nhận chuyển tiếp tài khoản của nhà đầu tư như trường hợp DDS.

Thống kê sơ bộ cho thấy, có gần 60 chi nhánh, phòng giao dịch chứng khoán bị đóng cửa từ đầu năm đến nay. Nhiều công ty chứng khoán chỉ giữ lại bộ phận cơ hữu, gọn nhẹ để duy trì và cầm cự chờ qua thời gian khó. Theo giám đốc một công ty chứng khoán, những nhân viên bị sa thải, một số sang công ty chứng khoán khác, một số tìm đến ngân hàng, một số lớn bỏ nghề, quay lại với nghề cũ của mình trước đó.

Theo chân Kim Long

Trừ một số ít công ty chứng khoán còn duy trì hoạt động tốt, đa phần trong hơn 105 công ty chứng khoán đều đang tự cấu trúc lại. SBS đang tái cấu trúc với nhân sự từ ngân hàng Sacombank sang, ngân hàng Quân đội cũng đang xây dựng lại và tìm hướng đi cho chứng khoán Thăng Long.

Theo công bố của uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, năm 2012 là năm tái cấu trúc thị trường chứng khoán. Theo đó, đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán đã làm xong và sẽ trình Chính phủ trong tháng 12 này. Đề án có bốn nội dung tái cấu trúc: công ty chứng khoán; sở Giao dịch chứng khoán; cổ phiếu và trái phiếu; cuối cùng là tái cấu trúc phát triển đầu tư.

Theo ông Nguyễn Sơn, vụ trưởng vụ Phát triển thị trường, uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, trên báo chí, hiện có ít nhất 20 công ty chứng khoán đang có vấn đề. Đến 1.4.2012 sẽ có kế hoạch rõ ràng về việc tái cấu trúc công ty chứng khoán. Việc tái cấu trúc sẽ dựa trên tiêu chí an toàn tài chính. Theo đó, sẽ đưa công ty chứng khoán vào ba nhóm: hoạt động bình thường; diện kiểm soát và kiểm soát đặc biệt.

TS Lê Đạt Chí, trưởng bộ môn tài chính, đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng, việc đa số công ty chứng khoán thua lỗ, mất khả năng thanh toán, nhiều khả năng sắp tới các công ty sẽ bị rút nghiệp vụ môi giới hoặc tự thu hẹp nghiệp vụ môi giới. Theo ông, các công ty nên mạnh tay bỏ nghiệp vụ này để giảm chi phí nuôi nhân viên môi giới, hệ thống đường truyền giao dịch… Thay vào đó, họ có thể tập trung nghiệp vụ đầu tư hoặc chuyển thành công ty tư vấn đầu tư như chứng khoán Kim Long đã làm.

VĨNH BÌNH- SGTT

Comments are closed.