CP ngành khoáng sản: “Dao hai lưỡi”

28/05/2012 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

TGĐ ln Ch tch HĐQT Cty CP Khai thác và chế biến KS Bc Giang (BGM) b các Cty CK bán gii chp c phiếu.

Vậy thực hư chuyện này thế nào và vì sao lãnh đạo các DN lại tham gia lướt sóng chính CP của Cty mình, phải chăng CP của ngành này mang lại những khoản lợi nhuận kếch xù hơn cả nguồn thu từ DN?

Bị giải chấp

Sở GDCK Hose cho biết ông Vũ Văn Thảo – Chủ tịch HĐQT BGM đã bán 765.000 CP mà không thông báo với cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Huy Quang – TGĐ BGM cũng đã “bị” bán giải chấp bắt buộc 156.000 CP. Theo ông Thảo và ông Quang thì việc bán cổ phiếu BGM không phải là do bản thân mà là do Cty CK Beta đã bán ra để giải chấp cổ phiếu BGM, các ông không biết và không kiểm soát được.

Điều này cho thấy, Chủ tịch và TGĐ BGM đã mang cầm cố cổ phiếu BGM, một hành động không phải lạ trên TTCK VN, nhưng lại khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào Cty. Vậy vì sao các vị lãnh đạo các DN thuộc ngành khoáng sản lại tham gia mua cổ phiếu của chính Cty mình để rồi bị các Cty CK bán giải chấp? Qua tìm hiểu của chúng tôi, các vị lãnh đạo đã nói ở trên đều mở tài khoản và mượn tiền của các Cty CK để mua CP của chính Cty mình để lướt sóng. Khi CP ngành khoáng sản được các “đội lái” đánh lên và không kịp thoát hàng, các Cty CK đã tự bán giải chấp số CP đó để bảo đảm an toàn vốn vay.

Thời gian qua, lực mua mạnh đổ vào nhóm CP khoáng sản khi BMC (Khoáng sản Bình Định) đã có 18 phiên tăng giá, trong đó có 11 phiên tăng trần liên tiếp. Dòng vốn đầu cơ làm mưa làm gió trên thị trường và tạo ra những mức lợi nhuận không tưởng vào CP khoáng sản. Các mã khác như: KSA (KS Bình Thuận Hamico), KSB (KS và Xây dựng Bình Dương), KSH (KS Hamico), KTB (KSTây Bắc) đều tăng trần liên tiếp… Có thể nói nhờ ăn theo mà nhóm CP khoáng sản đã được đẩy lên vùng giá cao của thị trường. Vì thế, sức hút rất mạnh của cổ phiếu nhóm này đã làm không ít nhà đầu tư tiếp tục mạo hiểm, dù nhiều cảnh báo rủi ro đã được đưa ra.

Điều này cho thấy, rất đông đầu tư sau khi không đua giá được ở những CP khác đã quay sang các CP cùng ngành khác để hi vọng một “sóng ngành” nổi lên. Tuy nhiên, sóng đó chỉ là những sóng ảo do “đội lái” tung tiền vào làm giá. Những mã cổ phiếu còn lại vẫn phụ thuộc vào tâm lý thị trường chung và rất khó có thể lội ngược dòng , nhà đầu tư chậm chân bị kẹt lại trong cái “bẫy” xả hàng.

Cẩn trọng đòn bẩy margin

Câu chuyện trên cho thấy những năm gần đây, giao dịch ký quỹ (margin trading) không còn xa lạ với các nhà đầu tư. Và đầu năm 2012 khi thị trường hồi phục đánh dấu sự trở lại của hoạt động margin, khi mà doanh thu quí I/2012 của nhiều Cty CK tăng đột biến. Đáng chú ý là khoản doanh thu tăng đột biến đó thường đến từ khoản mục doanh thu khác. Theo nhiều chuyên gia, khoản lãi ngoài phí giao dịch trong mảng môi giới thì lãi chính của các Cty CK từ các hợp đồng margin như ứng trước tiền bán CK, repo, uỷ thác. Điều này chứng tỏ có một khoản rất lớn CP được mua bằng margin, với tỉ lệ đòn bẩy phổ biến từ 50:50 đến 20:80, tuỳ theo loại cổ phiếu và khả năng của từng Cty CK.

Tuy nhiên, từ giữa tháng 5 trở lại đây , TTCK VN đã có phen tụt dốc khiến cổ phiếu rơi tự do, các hành động bán tháo diễn ra liên tiếp trong 10 phiên qua, cho thấy các tài khoản sử dụng margin đang có nguy cơ bị các Cty CK giải chấp.

Trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư phàn nàn liên tục nhận được thông báo nộp thêm tiền, nếu không sẽ bị giải chấp. Nếu nhà đầu tư “bỏ của chạy lấy phiếu người” thì các Cty CK sẽ phải ôm trọn khoản lỗ này. Với các cổ phiếu còn thanh khoản, Cty CK sẽ cố giải chấp để thu hồi vốn. Với những cổ phiếu mất thanh khoản, Cty CK có lẽ buộc phải treo tài khoản margin chờ thị trường phục hồi hay kéo dài thời hạn hợp đồng, thuyết phục nhà đầu tư quay lại nộp thêm tiền hoặc Cty CK sẽ chủ động chuyển sang tài khoản tự doanh…

Rõ ràng, lực hút từ dòng tiền của CP ngành KS rất mạnh, tạo ra những khoản lợi nhuận không nhỏ, kích thích lòng tham của không ít nhà đầu tư nói chung và lãnh đạo các DN thuộc ngành KS nói riêng. Tuy nhiên, việc cổ phiếu được mua bằng đòn bẩy margin như “dao hai lưỡi”, nhà đầu tư là thiệt thòi nhất, CP bị bán, lãi vay phải trả và quan trọng hơn uy tín CP của chính DN bị hạ thấp.

Theo Phương Hà
Diễn đàn doanh nghiệp

 

Comments are closed.