Thị trường chứng khoán đã hết mang tiếng là “sòng bạc”?

11/07/2012 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Tháng 7-2000 chỉ 2 công ty niêm yết, đến nay TTCK Việt Nam đã thu hút trên 800 công ty niêm yết và đăng ký giao dịch. Với con số huy động vốn qua TTCK khoảng 700.000 tỷ đồng, TTCK đã và đang là kênh huy động vốn trung và dài hạn đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn theo ông Vũ Bằng (ảnh), Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) điều này đã giúp TTCK khỏi bị mang tiếng là “sòng bạc”.

Kênh dẫn vốn quan trọng

* Phóng viên: Đã không ít ý kiến trong xã hội coi đầu tư trên TTCK như một kiểu đánh bạc, ông nghĩ gì về điều này?

* Ông VŨ BẰNG: Có thể nói kết quả TTCK qua 12 năm đã xua đi điều tiếng với một ngành non trẻ nhưng hết sức quan trọng. Đó là, mặc dù diễn biến kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước có nhiều biến động nhưng TTCK Việt Nam đã đạt được thành tích hết sức đáng khích lệ.

TTCK thực sự trở thành kênh dẫn vốn dài hạn cho nền kinh tế, với con số khoảng 700.000 tỷ đồng. Quy mô và thanh khoản thị trường đã có nhiều cải thiện, với khối lượng giao dịch tăng 30 – 40 lần so với năm đầu tiên. Số lượng tài khoản nhà đầu tư cũng ngày một gia tăng, khi mới có TTCK chỉ có khoảng 3.000 tài khoản nhưng đến hiện nay đã có 1,2 triệu tài khoản. Lượng vốn huy động qua thị trường, đặc biệt từ khối nhà đầu tư nước ngoài đến nay danh mục khối này khoảng 8 tỷ USD.

Tuy nhiên, TTCK sau 12 năm vẫn còn bộc lộ những tồn tại. Cụ thể, hàng hóa tuy nhiều nhưng vẫn chưa phải những công ty thực sự lớn niêm yết, chất lượng hàng hóa còn những hạn chế, hiệu quả sử dụng vốn còn thấp; sự đa dạng của sản phẩm còn hạn chế; khả năng quản trị rủi ro về an toàn tài chính, quản trị doanh nghiệp hạn chế – đặc biệt khi thị trường sụt giảm thì nợ xấu tăng lên và bộc lộ những rủi ro tác động chung đến tính an toàn.

Hoạt động của các Sở GDCK và Trung tâm Lưu ký có bước phát triển nhưng các sở phải tái cấu trúc lại, đặc biệt với một quy mô thị trường như của Việt Nam thì việc hình thành 2 Sở GDCK dẫn đến chia cắt thị trường, hiệu quả hoạt động chưa cao.

Cùng với việc tái cấu trúc nền kinh tế, TTCK cũng phải thay đổi để bước vào giai đoạn phát triển mới hơn, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế, doanh nghiệp. UBCKNN đang làm gì để hiện thực hóa các yêu cầu này, thưa ông?

* Bộ Tài chính, UBCKNN đã xây dựng đề án tái cấu trúc TTCK và doanh nghiệp bảo hiểm, trình Bộ Chính trị, Chính phủ và sắp tới sẽ ban hành. Định hướng dài hạn thời gian tới là tập trung vào tái cấu trúc 4 trụ cột.

Thứ nhất, hàng hóa sẽ nâng cao tiêu chuẩn phát hành, niêm yết, tăng cường quản trị, công bố thông tin đối với doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn. Cùng với đó là đa dạng hơn các sản phẩm, tiếp tục thúc đẩy cổ phần hóa gắn với niêm yết để đưa hàng hóa chất lượng cao vào thị trường. Thứ hai, nhà đầu tư, củng cố và nâng cao tỷ trọng các nhà đầu tư có tổ chức.

Thứ ba, sẽ đẩy mạnh tái cấu trúc công ty chứng khoán với mục tiêu đến ngoài 2015 nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức này, đặc biệt trong các vấn đề quản trị rủi ro và quản lý an toàn tài chính, đồng thời từng bước giảm dần số lượng các tổ chức này để làm sao số lượng giảm nhưng chất lượng, quy mô phải tăng lên. Thứ tư, tái cấu trúc các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký với việc sẽ sáp nhập 2 Sở GDCK.

* Vấn đề được dư luận rất quan tâm, sáp nhập 2 Sở GDCK. Điều này luôn được coi là nhạy cảm vì liên quan đến tổ chức, sắp xếp nhân sự, bộ máy, hạ tầng công nghệ… UBCKNN đang xây dựng quy trình này ra sao để không gây xáo trộn thị trường?

* Chúng tôi đang xây dựng đề án tái cấu trúc Sở GDCK và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Sở GDCK Việt Nam. Quan điểm của việc sáp nhập này, ban đầu có thể ra một cơ cấu tổ chức, hình thành ban lãnh đạo ở trên, giữ nguyên các phòng, ban hai đầu Hà Nội và TPHCM như hiện nay để làm sao không gây xáo động và sau đó dịch chuyển dần dần.

TTCK vẫn đối mặt nhiều khó khăn

* Thưa ông, trên bình diện vĩ mô, các điểm sáng về kinh tế như giải quyết lạm phát, lãi suất giảm… cho thấy những triển vọng tích cực. Song TTCK Việt Nam vẫn theo xu hướng giảm với cầu yếu và thanh khoản thấp. UBCKNN sẽ có những giải pháp gì để hỗ trợ thị trường?

* Trong 5 tháng đầu năm, TTCK đã có sự hồi phục với khoảng 20%, tuy nhiên, thời gian gần đây thị trường hoạt động tương đối cầm chừng, thanh khoản sụt giảm. Mặc dù kinh tế vĩ mô đã có nhiều cải thiện nhưng có thể nói còn rất nhiều khó khăn. Diễn biến thị trường phụ thuộc rất lớn vào thực trạng hoạt động của doanh nghiệp và dòng tiền. Song thực trạng doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là vấn đề hàng tồn kho, nợ xấu… Lãi suất tuy giảm nhưng doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng vẫn khó khăn, tín dụng 6 tháng đầu năm ở mức thấp nên dòng tiền cho thị trường cũng còn những điểm hạn chế.

Bên cạnh đó, tình hình quốc tế cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đầu năm nợ châu Âu rất căng thẳng và đến tháng 6 này tiếp tục căng thẳng. Bên cạnh đó, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng giảm; các chỉ số niềm tin, sản xuất tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều sụt giảm… Diễn biến đó làm dòng tiền có sự điều chỉnh. Dòng tiền đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 6 tháng qua thấp hơn nhiều nếu so với con số của năm 2011.

* Thưa ông, liên quan đến cung cầu, bên cạnh những lý do khác, một trong những lý do khiến TTCK vẫn chưa thực sự thu hút nhiều nhà đầu tư tổ chức, cá nhân là nhiều hàng hóa trên TTCK còn kém chất lượng?

* Tái cấu trúc hàng hóa dựa trên dự thảo nghị định đã trình lên Chính phủ và sẽ được ban hành trong thời gian tới. Chúng tôi đã dự thảo các thông tư hướng dẫn. Với hàng hóa, vấn đề đầu tiên sẽ nâng tiêu chuẩn niêm yết, như nâng tiêu chuẩn thấp nhất hiện nay là 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng tại sàn Hà Nội; tại sàn TPHCM từ 80 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng; các chỉ tiêu về sinh lời cũng tăng lên… Mặt khác, để TTCK hấp dẫn, cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động cổ phần hóa gắn với niêm yết trên TTCK, đặc biệt các doanh nghiệp lớn có uy tín, thương hiệu, đồng thời cũng gắn với đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước

Tính đến thời điểm hiện tại có tổng cộng 1.690 công ty đại chúng, trong đó có 704 công ty đã niêm yết trên 2 Sở GDCK, 130 công ty đăng ký giao dịch trên UPCoM. 6 tháng đầu năm 2012, tổng mức huy động trên thị trường chứng khoán thông qua phát hành cổ phiếu, đấu giá cổ phần hóa và đấu thầu trái phiếu chính phủ đạt 84.000 tỷ đồng (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2011). Tuy nhiên vốn huy động qua phát hành cổ phiếu đã giảm mạnh (khoảng 50% so với cùng kỳ).

Theo Ngọc Quang
Sài gòn giải phóng

Comments are closed.