‘Dòng tiền vào chứng khoán không còn sợ hãi’

11/01/2013 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Chứng kiến phiên tăng mạnh hơn 11 điểm chiều 10/1 trên sàn TP HCM, nhiều chuyên gia cho rằng, dòng tiền đang chủ động đổ vào thị trường, nhưng vẫn còn tâm lý e ngại về mức tăng nóng trong thời gian quá ngắn.

Đóng cửa phiên ngày 10/1, Vn-Index đột ngột đảo chiều tăng hơn 11 điểm vào đợt giao dịch cuối cùng. Tại rổ VN30, ngoại trừ PNJ bị giảm 300 đồng, VIC và VSH đứng giá tham chiếu, toàn bộ mã khác đều tăng giá hoặc kịch trần. Trong đó, MSN tăng mạnh nhất tới 5.000 đồng một cổ phiếu, đạt hết biên độ giá. Các nhà đầu tư mạnh tay gom blue-chip ngay tại giá trần, tuy nhiên, bảng điện tử lại hầu như không xuất hiện dư bán ở các cổ phiếu kịch trần.

 

80% cổ phiếu trong danh sách VN30 được khối ngoại mua, bao gồm 1 triệu cổ phiếu CTG, 1 triệu cổ phiếu MBB, ITA cũng được mua hơn 700.000 cổ phiếu… Trước đó, hầu hết những mã này đều giao dịch dưới mốc tham chiếu.

 

Đây là đợt tăng mạnh thứ 2 của Vn-Index trong vòng 12 phiên liên tiếp. Đồng thời, giá trị giao dịch cũng cao thứ 2, với hơn 1.500 tỷ đồng, chỉ kém phiên ngày 9/1 (gần 1.800 tỷ đồng). Trước đó, phiên ngày 8/1, Vn-Index từng tăng tới 12,97 điểm, từ 434,3 điểm lên 447,2 điểm.

 

Theo chuyên gia chứng khoán Phan Dũng Khánh tại TP HCM, việc Vn-Index tăng đột ngột 11 điểm như hôm nay đã khiến nhiều người bất ngờ, chủ yếu là những nhà đầu tư cá nhân. Tín hiệu này có thể giúp họ tích cực trở lại thị trường hơn sau khi đã bán nhiều cổ phiếu trước đó. Dù vậy, “các nhà đầu tư vẫn nên thận trọng, tăng giá một cách gấp gáp như vậy thì khả năng rớt xuống cũng rất nhanh chóng, lịch sử vẫn luôn chứng minh quy luật đó”, ông Khánh nói thêm.

 

Đồng thời, vị chuyên gia này cũng nhận định, những yếu tố có thể khiến Vn-Index tăng mạnh như vậy chủ yếu bắt nguồn từ các chính sách mới chuẩn bị áp dụng ngay tháng 1. Trong đó, biên độ giá tại sàn TP HCM sẽ tăng thêm 2%, sàn Hà Nội cũng tăng thêm 3%, ngoài ra, room cho nhà đầu tư nước ngoài cũng đang được xem xét tăng, các chính sách kích cầu của chính phủ cho thấy sự quyết tâm đưa kinh tế vĩ mô vào ổn định và tăng trường, ông Khánh phân tích.

 

Còn theo phó giám đốc khối môi giới tại một công ty chứng khoán có trụ sở ở Hà Nội, việc Vn-Index tăng điểm đột ngột như hôm qua không gây bất ngờ nhiều do hiện tại thị trường vẫn được nhận nhiều tín hiệu tích cực từ các thông tin vĩ mô, hơn nữa Vn-Index cũng đã tăng 12 phiên liên tiếp trước đó. Đợt đảo chiều tăng giá trong suốt thời gian qua còn bắt nguồn từ lực cầu mạnh mẽ của khối ngoại.

 

Ngoài ra, ông lưu ý, đây được xem là thời điểm thích hợp cho những nhà đầu tư dài hạn cân nhắc trở lại thị trường, tín hiệu tích cực có khả năng kéo dài trong năm tới. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, các nhà đầu tư nhỏ lẻ không nên vội vã với những giao dịch cổ phiếu, thị trường đã tăng 12 phiên liên tiếp, trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục xuất hiện điều chỉnh.

 

Ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Phân tích Quỹ Sài Gòn – Hà Nội (SHF) lại cho rằng, việc tăng điểm hiện giờ vẫn đang trong chu kỳ tăng liên tục của thị trường từ đầu tháng 12. Sáng nay, thị trường cũng vừa qua một phiên điều chỉnh nhẹ, tuy nhiên đây chỉ là tâm lý nhất thời, hiện tại, dòng tiền vẫn sẵn sàng đổ vào thị trường.

 

“Phiên tăng 11 điểm 10/1 không hẳn gắn với những thông tin vĩ mô tốt. Bởi thông tin vĩ mô tốt nó đã phản ánh trong cả chu kỳ từ đầu tháng 12. Hiện, nhà đầu tư trong nước cũng đang đẩy tiền vào chứng khoán do thấy nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh quá”, ông Đức phân tích.

 

Với đà tăng, cộng thêm tâm lý như vậy, ông Đức nhận định có thể sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về dài hạn, tâm lý tốt có thể vẫn khiến chứng khoán tiếp tục đi lên. “Thực ra nhìn về số điểm thì mức tăng chưa hẳn là mạnh, nhưng nhìn về sức mạnh của thị trường, đây lại là mức tăng mạnh nhất từ năm 2001 đến giờ. Dòng tiền hiện tại là chủ động sẵn sàng, không còn sợ hãi nữa”, ông Đức nói thêm.

 

Giám đốc một công ty chứng khoán tại Hà Nội cũng chia sẻ: “Tôi nghĩ thị trường tăng liên tục thế này sẽ không lâu, nó phải có điều chỉnh, phải bám sát thực tế niêm yết của các doanh nghiệp. Ngoài ra, phải chờ khi có kết quả kinh doanh quý IV/2012, nếu tình hình ổn, giá cổ phiếu các công ty sẽ có sự phân hóa. Hơn nữa, giá cổ phiếu hiện cũng quá thấp rồi, bây giờ điều chỉnh một chút cũng là điều dễ hiểu.”

 

Theo Tường Vi – Hàn Phi

VnExpress

Comments are closed.