Rắc rối như điều chỉnh hồi tố

04/04/2013 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Điều chỉnh hồi tố là một nghiệp vụ kế toán để điều chỉnh lại một số khoản mục trên báo cáo tài chính tại những kỳ trước đây.

Thực tế, đây là một nghiệp vụ khá đơn giản nhưng lại có thể trở thành phức tạp bởi những lý do “ngoài chuyên môn”.

Mới đây, Vinaconex (VCG) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất 2012 đã được kiểm toán bởi Deloitte. Trong đó, đáng chú ý là thuyết minh báo cáo tài chính số 5 với nội dung điều chỉnh hồi tố và phân loại lại một loạt các khoản mục từ doanh thu, chi phí, lợi nhuận đến tài sản, nguồn vốn…

Gần 2 tuần trước, Vinalink (VNL) cũng đã giải trình với Sở GDCK Tp.HCM và Ủy ban Chứng khoán về việc điều chỉnh hồi tố chi phí thuê đất phải nộp bổ sung năm 2011 dẫn đến lợi nhuận trước thuế năm 2013 tăng 3,7 tỷ đồng.

Tại sao và… tại sao

Điều chỉnh hồi tố, hiểu cách đơn giản là khoản mục nào cần điều chỉnh, ở năm nào thì điều chỉnh vào năm đó. Nhưng những khoản mục trên bảng cân đối kế toán lại có liên quan qua từng năm và liên quan với nhau, chẳng hạn chi phí tăng thì lợi nhuận giảm và ngược lại nên có thể sinh ra những rắc rối, khó hiểu đối với người đọc báo cáo tài chính. Cũng phải nói thêm rằng công tác kế toán vốn dĩ phức tạp, sai sót là điều khó tránh khỏi, cũng vì vậy mới có nghiệp vụ hồi tố.

Một nhà đầu tư, cổ đông bình thường, nếu có điều kiện thì có thể củng cố kiến thức kế toán để hiểu hơn về hồi tố, nhưng nếu không hiểu thì cũng không sao vì đây không phải là trách nhiệm của họ. Chẳng hạn như trường hợp của VNL chỉ liên quan đến chi phí, lợi nhuận, còn khá dễ hiểu.

Còn của VCG, thuyết minh cả trang giấy, hơn chục khoản mục và vài chục con số, không đơn giản chút nào. Nhưng không hiểu rõ nên cũng có thể dẫn đến việc khó xác định doanh nghiệp có minh bạch hay không, hoặc nghi ngờ về mức độ chính xác của công tác kế toán.

Nói cách đơn giản thì nhà đầu tư có thể đặt câu hỏi: Tại sao doanh nghiệp khác họ không hồi tố, chỉnh sửa gì mà doanh nghiệp anh lại hồi tố? Nếu làm đúng, làm đủ và cẩn trọng từ những năm trước thì giờ có phải mất công hồi tố hay không? Câu trả lời thuộc về các doanh nghiệp.

Chìa khóa giải trình

Một trường hợp cũng liên quan đến việc điều chỉnh các khoản mục trên báo cáo tài chính là của Nhiệt điện Phả Lại (PPC). Sau kiểm toán, lợi nhuận của công ty đã giảm gần 115 tỷ đồng với nguyên nhân được Công ty giải trình là hạch toán hoàn nhập tài sản thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại theo kiến nghị của kiểm toán Nhà nước vào năm 2010 trên báo cáo kết quả kinh doanh của năm 2012.

Đây là một nghiệp vụ điều chỉnh khoản mục kế toán trong quá khứ, có phần giống với hồi tố, nhưng tại sao không thực hiện trên báo cáo tài chính của những năm trước theo như quy trình mà lại đẩy vào năm 2012? Nếu không phải là hồi tố thì đây là nghiệp vụ gì?

Những năm trước, báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán/soát xét của VCG thường xuất hiện những chênh lệch, có khi là rất lớn. Báo cáo tài chính năm 2012 của Vinaconex có thể xem là ổn nhất khi không có những sự chênh lệch “khủng”. Liệu đây có phải là lần cuối cùng VCG hồi tố hay không?

Thực ra, đòi hỏi “lần cuối” điều chỉnh là điều không khả thi. Nhưng ở đây, nhiều người kỳ vọng về lần điều chỉnh các khoản mục của VCG sẽ là cơ sở để “dứt điểm” những sai sót, chênh lệch vẫn thường xảy ra trước kia. Trong trường hợp hồi tố hay những chênh lệch vẫn còn lặp đi lặp lại thì chẳng khác nào đòn… hồi mã thương các nhà đầu tư, cổ đông.

“Việc điều chỉnh này (hồi tố – PV) làm chỉ tiêu lợi nhuận kế toán trước thuế năm 2012 tăng 3,7 tỷ đồng, đồng thời làm giảm lợi nhuận kế toán trước thuế năm 2011 một khoản tương ứng. Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của công ty cả 2 năm không thay đổi”, đây là những dòng chốt lại trong giải trình của VNL.

Một cổ đông bình thường, đọc cả bản giải trình không hiểu, nhưng đọc dòng cuối vẫn có thể yên tâm hơn vì sẽ có cảm giác, lợi ích của công ty và cũng là của mình, nhìn chung không bị ảnh hưởng gì. Trong khi đó, đọc thuyết minh của VCG, có lẽ chỉ dân kế toán – kiểm toán chuyên nghiệp mới có thể “ngấm”, người còn lại rất khó biết.

Thiết nghĩ, nếu VCG hay PPC có thêm những giải thích, dù đây là điều không bắt buộc, sẽ tốt hơn rất nhiều, chẳng hạn: Những khoản mục nào quan trọng, được hồi tố ra sao, có ảnh hưởng hay không? Ảnh hưởng như thế nào… Vấn đề ở đây nằm ở cách làm, doanh nghiệp phải làm sao để trấn an cho các cổ đông cảm thấy yên tâm dường như điều này vẫn cần thêm thời gian để củng cố.

Theo Khiêm An

Thời báo kinh doanh

 

Comments are closed.