TTCK: Cơ hội mong manh cho tháng 4

10/04/2013 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Thị trường chứng khoán (TTCK) kết thúc tuần đầu quý II/2013 với một sự hứng khởi đáng kể khi lấy lại mốc 500 điểm, kèm theo là một loạt thông tin tích cực như lãi suất có thể giảm xuống sâu hơn nữa và thị trường vàng đã bắt đầu đi vào hoạt động đấu thầu suôn sẻ…

Nhưng, khuyến nghị chung của nhiều Cty CK, ngược lại, vẫn là nhà đầu tư cần cẩn trọng.

Quý I – Kết đẹp chưa trọn

Mặc dù TTCK quý I đã có những diễn biến khá hợp lý, thậm chí nếu nhìn xuyên suốt thì mức tăng đến 18,7% tương đương 77,3 điểm của VN-Index, và 3,16 điểm cộng tương đương 5,5% của HNX-Index là một dấu son đáng ghi nhận trong giao dịch, nhưng chứng khoán quý I vẫn có nhiều điểm trừ đáng quan ngại.

Điểm trừ thứ nhất lại chính là nguyên nhân cho điểm cộng, tăng điểm của hai sàn: Nhà đầu tư không còn bán tháo mạnh, do dòng tiền đầu cơ đứng ngoài thị trường và tỉ lệ sử dụng đòn bẩy khá thấp - nguồn: Bộ phận phân tích CK Bản Việt.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhà đầu tư đang khá thận trọng với thị trường và họ chưa tìm ra động lực để có thể tham gia thị trường một cách hứng khởi, thoát khỏi tình trạng vừa chơi vừa dè chừng kiểu chân trọng chân ngoài như hiện tại. Và vì không còn áp lực bán nên thị trường đã nhích dần lên.

Có lẽ vì nguyên do đó mà chứng khoán tuy bình lặng, nhưng giao dịch lại tẻ nhạt và dẫn đến điểm trừ thứ hai: La liệt các mã cổ phiếu không có giao dịch liên tục trong một thời gian dài. Khi thị trường yên lặng, thường có hai xu hướng xảy ra: Một là nhà đầu tư cẩn trọng (như đã nói ở trên). Hai là thị trường đang tiềm ẩn các rủi ro và khả năng bật dậy theo nguyên lý lò xo sẽ là rất thấp (vì độ nén của thị giá cổ phiếu không đủ đạt kỳ vọng).

Với xu hướng này, chứng khoán VN đang biểu hiện các dấu hiệu chưa thực sự tốt: Thị trường sẽ lình xình hoặc tiếp tục đi ngang và khó có mức tăng đột biến nếu không có đủ thông tin tích cực và mạnh mẽ giải phóng được tâm lý nhà đầu tư cũng như khơi thông dòng tiền.

Điều đáng ngạc nhiên là trái ngược với diễn biến chung của hoạt động giao dịch trong nước, khối ngoại trong quý I/2013 vẫn tiếp tục mua ròng. Đây hẳn là một trong những lực đỡ quan trọng khiến chứng khoán tăng điểm thời gian qua.

Có lợi từ dòng tiền nhàn rỗi?

Một thông tin tích cực nhất đến từ cuối quý I/2013 và có ý nghĩa hỗ trợ cho TTCK, là tin giảm lãi suất huy động theo quyết định của Ngân hàng NNN. Cơ quan quản lý này thậm chí còn hé mở khả năng sẽ giảm tiếp lãi suất trong thời gian sau, nếu chỉ số CPI cho thấy lạm phát đang rất đẹp.

Với lãi suất tiết kiệm chỉ được hưởng 7,5%, nhiều người có tiền gửi ngân hàng đã bắt đầu cân nhắc đến các kênh đầu tư khác. Nhưng vàng đã gần như bịt kín mọi lối đầu tư (trừ vàng chỉ, vàng trang sức và 2 sản phẩm vàng này lại đặc biệt đang khá rủi ro do giá vàng thế giới trồi sụt).

Còn bất động sản thì đang có quá nhiều tác động chính sách mà gần như vẫn chưa lay chuyển được sức ỳ lớn của thị trường và xu thế có thể giảm tiếp đang khiến nhà đầu tư muốn kéo dài thời gian chờ đợi. Chứng khoán trở thành kênh được hưởng lợi.

Trên thực tế, dòng tiền nhàn rỗi từ kênh tiết kiệm có chảy qua chứng khoán hay không, nói như một chuyên gia môi giới tại MBS, thì chỉ “có trời mới biết”. Vì thanh khoản TTCK vẫn chưa cải thiện mạnh và hơn thế, thông tin từ nhiều Cty CK cũng cho hay, nhiều tài khoản đã mở vẫn đang trống không và chưa có động thái cho thấy tiền vào tài khoản, hay tiền từ tài khoản nhỏ lẻ rục rịch qua thị trường. Nhà đầu tư vẫn đang “ngắm” thị trường và chưa thực sự sốt ruột.

Những tin đồn bất ngờ (ví dụ như việc Chủ tịch BIDV bị bắt – PV) hoặc việc hủy niêm yết hàng loạt các DN gần đây trong khi thông báo trước chỉ 1-2 ngày làm NĐT không phản ứng kịp khiến họ sẽ tranh thủ giảm bớt những cổ phiếu nào có khả năng hủy niêm yết để giảm bớt rủi ro, qua đó thanh khoản thị trường cũng phần nào sụt giảm.

Giá xăng dầu tăng bất ngờ trong khi nhiều NĐT đoán sẽ khó tăng vì giá thế giới xuống… cũng tác động tiêu cực tới TTCK. Do đó, nếu thời gian tới những thông tin bất ngờ dạng này vẫn có, giao dịch của các NĐT sẽ cẩn trọng nhiều hơn nữa…”, ông Phan Dũng Khánh – Trưởng phòng phân tích – tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng, phân tích.

Phân hóa dòng tiền

Đồng thuận quan điểm trên, Bộ phận phân tích CTCK Rồng Việt đánh giá: Tháng tư sẽ tiếp tục là giai đoạn thị trường bị ảnh hưởng bởi những thông tin trái chiều, song sẽ không có thông tin đủ mạnh để giúp thị trường xác định xu hướng. Thông tin bị xem là tiêu cực nhất là trong giai đoạn trống thông tin, những bất ổn mới của thế giới có thể sẽ là yếu tố làm tăng sự thận trọng của NĐT.

Trong khi đó, triển vọng kinh tế vĩ mô 2013 hứa hẹn sẽ mang nhiều gam màu sáng hơn và KQKD quý I/2013 của DN niêm yết đang bắt đầu được hé lộ, sẽ là những yếu tố có thể làm phân hóa dòng tiền.

Bộ phận phân tích đầu tư của Chứng khoán Rồng Việt cũng dự báo: “Những DN có nền tảng cơ bản tốt và triển vọng kinh doanh khả quan hầu hết là những DN có cổ phiếu có khả năng chi phối chỉ số thị trường, điển hình như GAS, VNM và MSN. Chúng tôi kỳ vọng nhóm cổ phiếu này sẽ tiếp tục được ưa thích trong tháng Tư và sẽ là lực đỡ cho VN-Index. Một yếu tố cần quan tâm khác, là khả năng thông qua Đề án xử lý nợ xấu vào cuối tháng tư, có thể sẽ là một động lực giúp thị trường xác định xu hướng rõ ràng hơn vào cuối tháng”.

Có thể nói, đây cũng sẽ là lý do chính khiến dòng tiền vào thị trường trong quý II sẽ bắt đầu đi theo một đường phân hóa rõ dần. Một số các động thái đầu tư mới đây đã tập trung vào những DN có kế hoạch kinh doanh tốt.

Điển hình là trường hợp Cty Đầu tư Bất động sản SSI rót tiền vào BBC (Bibica), hay Mutual Fund Elite xuống tiền và trở thành cổ đông lớn ở một loạt các doanh nghiệp có tiềm năng đầu ngành: LIX (Bột giặt Lix), VPK (Bao bì Dầu thực vật), TTF (Gỗ Trường Thành), EBS (Sách Giáo dục Hà Nội)…

Tương tự nhưng ở chiều ngược lại, một loạt các DN bị rơi vào danh sách cổ phiếu bị cảnh báo, không chỉ bị các ETF loại ra ngoài danh mục (gần đây nhất là SJS) mà cũng bị các NĐT cá nhân cho “ra rìa” và theo nhiều chuyên gia, nếu các mã cổ phiếu này có giao dịch thì phần lớn là chính nội bộ giao dịch với nhau để tránh trường hợp bị liệt vào danh sách những cổ phiếu thiếu giao dịch.

“Tuy nhiên, do quy định của thị trường là cổ phiếu chỉ bị hủy niêm yết nếu liên tục 12 tháng không có giao dịch nên thậm chí nhiều DN cũng… chán chuyện mua đi bán lại vài trăm cổ phiếu làm vui”, một chuyên gia nhận xét.

Chính trong sự phân hóa, những DN tốt sẽ ló rạng, được NĐT sàng lọc kỹ càng hơn và cơ hội kiếm lời của NĐT cũng chắc chắn hơn hơn. Tất nhiên, cơ hội chỉ đến với những NĐT biết đi trước đón đầu, thay vì chỉ chờ khi xung quanh đã phân hóa dòng tiền và chảy đến những mã cổ phiếu hấp dẫn xong xuôi, mới lên quyết định mua bán.

Khi đã quá lâu thị trường không được chứng kiến những cú giương sừng đi lên oai dũng của bò tót và cơ hội vớt vát những cổ phiếu dưới đáy của thị trường con gấu cũng trở nên rất mong manh, thì NĐT có thể sẽ quên mất những bulltrap (bẫy tăng trưởng). Và do đó, hẳn các chuyên gia cũng có lý do để cẩn trọng tránh đưa ra các dự báo dài hạn với NĐT, nhất là khi các biến động vĩ mô chưa thực sự nói lên điều gì!

* Ông Phan Dũng Khánh – Trưởng phòng phân tích – tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng:

Trong quý II, dự kiến dòng vốn nước ngoài có giảm, nhưng vẫn tiếp tục duy trì ở mức vừa phải đặc biệt là các Quỹ ETF và quan trọng hơn là việc “ăn theo” nó của các NĐT khác. Các thông tin chính sách hiện nay chủ yếu là thông tin cũ nên đã phản ánh phần nào vào giá, việc triển khai thực hiện như thế nào và hiệu quả của nó là điều các NĐT mong đợi.

Việc giảm lãi suất cũng như thế khi lãi suất giảm nhưng lãi suất thực vẫn giảm ít nhưng quan trọng hơn là DN quá khó khăn, việc họ chưa thể trả được các khoản nợ cũ và nợ xấu vẫn còn nhiều thì khó lòng mà có thể tiếp cận những khoản vay mới dù lãi suất đang hạ. Cổ phiếu BCs (blue-chip) sẽ dẫn dắt thị trường và nằm trong danh mục ETF sẽ được quan tâm nhiều nhất, những ngành trong danh mục của các quỹ này sẽ nhận được sự chào đón của các NĐT khác.

Theo Lê Mỹ

Diễn đàn doanh nghiệp

 

Comments are closed.