IPO doanh nghiệp Nhà nước có hấp dẫn quỹ ngoại?

14/07/2014 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Nửa đầu năm nay, chỉ số VN-Index của Việt Nam đã tăng 14,6%, xếp thứ 9 trong số 74 chỉ số chứng khoán trên toàn cầu hiện được Bespoke Investment Group (Mỹ) theo dõi. Chính lực đẩy này đang góp phần thúc đẩy nhanh hơn tiến trình IPO các doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian tới. Ðây còn được ví như cơ hội lớn thứ 2 dành cho các quỹ đầu tư ngoại kể từ thời điểm Việt Nam gia nhập WTO hồi năm 2007.

Trời lại sáng

Dấu hiệu tích cực đối với hoạt động của các quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày càng được ghi nhận rõ nét với tổng giá trị tài sản ròng (Net Asset Value – NAV) đạt mức tăng trưởng mạnh trong năm 2013.

Báo cáo của LCF Rothschild (Anh), một tổ chức tài chính chuyên thống kê hoạt động của hơn 100 quỹ đầu tư trên toàn cầu cho thấy,mức tăng trưởng NAV trung bình của 16 quỹ ngoại chuyên đầu tư chứng khoán trong năm 2013 là 28,1% , cao hơn so với mức tăng 20,5% của VN-Index.

Tương tự, một chỉ số khác cũng có thể nói lên tính hiệu quả của các quỹ đầu tư ngoại tại Việt Nam là DD/P (Diluted Discount/Premium). Đây là chỉ số thể hiện sự chênh lệch giữa giá trị thực của một chứng chỉ quỹ (tức giá trị tài sản ròng hay NAV bình quân của một chứng chỉ quỹ) với thị giá khi nó được giao dịch trên thị trường. Khi chỉ số này bé hơn 0 có nghĩa thị giá đang được giao dịch dưới giá trị thực của chứng chỉ quỹ. điều đó cho thấy khi chỉ số DD/P càng thấp thì quỹ đầu tư càng có tiềm năng trong tương lai.

Theo LCF Rothschild, DD/P trung bình của các quỹ đầu tư chứng khoán tại thời điểm ngày 7.7.2014 là -18,6% và của 5 quỹ đầu tư bất động sản là -25,9%.

Năm qua, Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) của VinaCapital đạt mức tăng trưởng NAV trên mỗi cổ phiếu quỹ khoảng 15% do hiệu quả từ danh mục đầu tư của mình.

Tiêu biểu là mức giá cổ phiếu Vinamilk (khoản đầu tư chiếm 15,4% NAV của VOF) đã tăng tới 132%. Tại thời điểm tháng 2.2014, Vinamilk vẫn tiếp tục là khoản đầu tư lớn nhất, chiếm 13,2% NAV của quỹ này.

Năm qua cũng ghi nhận việc thoái vốn thành công của VOF khỏi Prime Group, Transimex Sài Gòn, Cofico, Nước Thủ Đức, Nước Gia Định, Savico, Thủy điện Cần Đơn. Riêng khoản thoái vốn Prime Group đã giúp VOF kiếm được 17,6 triệu USD, với tỉ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) lên đến 38%.

Tình hình hoạt động của các quỹ đầu tư cổ phần tư nhân (Private Equity) tại Việt Nam cũng khá tích cực, tiêu biểu là Mekong Capital. Theo đó, 2 quỹ trực thuộc là Mekong Enterprise Fund (MEF) và Mekong Enterprise II (MEF II) đã thoái vốn toàn bộ khỏi MK Smart, DigiWorld, Ngô Han và thoái một phần khỏi Thế Giới Di Động. Việc bán ra 6,7% trong tổng vốn sở hữu 32,5% ở Thế Giới Di Động sau hơn 5 năm đã giúp Mekong Capital lãi gấp 11 lần so với vốn đầu tư ban đầu.

Thông tin từ Mekong Capital cho hay, quỹ MEF II dự kiến sẽ bán tiếp một phần vốn ở Thế Giới Di Động trong năm nay, nhưng vẫn giữ vai trò cổ đông quan trọng tại đây. Thậm chí, trước thời điểm cổ phiếu này sắp lên sàn chỉ trong vài ngày tới, giới phân tích còn đánh giá, Mekong Capital có thể đạt mức lãi cao hơn nhiều sau khi hơn 62,7 triệu cổ phiếu Thế Giới Di Động được niêm yết.

Có mặn mà?

Đó là câu hỏi được đặt ra đối với các quỹ đầu tư ngoại khi làn sóng IPO Doanh nghiệp Nhà nước đang diễn ra mạnh mẽ. Thực tế cho thấy, hiện các con bò sữa như Vinamilk, FPT, Dược Hậu Giang, Cơ điện lạnh REE, Kinh Đô đều đã hết room dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, dòng tiền ngoại có thể đang đặt kỳ vọng vào việc Vietnam Airlines, Vinatex, MobiFone… sắp chào bán cổ phần ra công chúng.

“Trong số hàng hóa này, cổ phần MobiFone là hấp dẫn hơn cả. Nhưng quan trọng nhất là mức giá và tỉ lệ chào bán ra công chúng”, ông Louis Nguyễn, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Saigon Asset Management (SAM) nói. Mối quan tâm của vị này là hoàn toàn có cơ sở.

Năm 2013, MobiFone chiếm 21,4% thị phần di động cả nước, chỉ xếp sau Viettel (40,5%) với tổng doanh thu 41.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 6.000 tỉ đồng, đóng góp tới 65% lợi nhuận của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Nhà mạng này dự kiến sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn tất đề án cổ phần hóa ngay trong năm nay.

Vấn đề được nhà đầu tư gồm cả các quỹ ngoại quan tâm nhất lúc này là mức định giá MobiFone, tiếp theo là việc chọn nhà đầu tư chiến lược trước khi công bố tỉ lệ chào bán ra công chúng.

Mới đây, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) đã đưa ra kết quả định giá MobiFone ở mức 3,4 tỉ USD, khoảng 72.000 tỉ đồng. Kết quả này dựa trên phương pháp định giá so sánh P/E. Theo đó, HSC đã giả định P/E là 12 lần và dựa trên lợi nhuận 6.000 tỉ đồng (2013) của MobiFone. Nếu lợi nhuận của nhà mạng này tăng trưởng tốt trong năm nay và các năm tới, trước khi IPO chính thức, mức định giá công ty có thể tăng lên 4 tỉ USD.

Như vậy, trong số các đợt IPO doanh nghiệp Nhà nước tới đây, mức độ hấp dẫn của MobiFone có thể nói là lớn nhất. Một trong những tập đoàn viễn thông lớn của thế giới là Orange France Telecom (OFT) đã và đang theo đuổi mục tiêu trở thành cổ đông chiến lược của mạng di động này trong hơn 15 năm qua.

Không chỉ có OFT, Orascom Telecom Holding (Ai Cập) và Etisalat (Ả Rập Saudi) cũng đang đặt kỳ vọng sẽ trở thành cổ đông chiến lược của MobiFone. Orascom và Etisalat đang xếp thứ 11 và 14 trên thế giới về số lượng thuê bao di động.

Dự kiến, mức giá cổ phần của MobiFone được đấu tại phiên IPO tới đây sẽ khá cao. “Tuy tỉ lệ chào bán ra công chúng chưa được công bố nhưng tôi tin chắc các nhà đầu tư ngoại sẽ phải cạnh tranh kịch liệt để có thể sở hữu cổ phiếu MobiFone”, Giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài (không nêu tên) khẳng định.

Trường hợp tiếp theo là Vietnam Airlines với thông tin giá chào bán tại IPO sẽ được đấu từ mức 22.300 đồng/cổ phần, nhưng chỉ có 3,46% vốn điều lệ dự kiến được chào bán ra công chúng. Vì vậy, phản hồi ban đầu từ một số quỹ đầu tư ngoại được NCĐT khảo sát là không mấy mặn mà.

Trước tiên, bản chất của hàng không là ngành vốn có tỉ suất lợi nhuận thấp, cạnh tranh cao. Tiếp đến, “tỉ lệ bán ra công chúng quá thấp thì chúng tôi không thể can thiệp sâu vào chiến lược kinh doanh của hãng được”, ông Louis Nguyễn thuộc Quỹ SAM khẳng định.

Ngày 22.7 tới, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng sẽ chính thức IPO với giá khởi điểm 11.000 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, phải 3 năm nữa, Tập đoàn mới tiến hành niêm yết trên sàn giao dịch có tổ chức nên các nhà đầu tư khi quyết định nắm giữ cổ phần Vinatex cần phải xác định mục tiêu đầu tư trung và dài hạn.

Lý do cần tới 3 năm trước khi lên sàn được ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng Giám đốc Vinatex chia sẻ là để tái cấu trúc triệt để và chuyển dịch sang sản xuất trọn gói kèm thiết kế (ODM).

Cụ thể, sau khi IPO, cơ cấu cổ đông Vinatex sẽ gồm 51% vốn nhà nước, 24% cho 3 nhà đầu tư chiến lược, 0,6% cho nội bộ và 24,4% chào bán công khai.

Tuy nhiên, chính thông tin chậm lên sàn của Vinatex đã khiến không ít nhà đầu tư bị hụt hẫng. Nếu Việt Nam thành công trong đàm phán gia nhập Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), dệt may sẽ là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất. “Nhưng nếu phải nắm giữ cổ phiếu Vinatex tới 3 năm sau IPO, thậm chí dài hơn là quá rủi ro cho kế hoạch của chúng tôi”, vị này nói.

Theo Vĩnh Bảo – Nhịp cầu đầu tư

Comments are closed.