“Kinh tế Việt Nam đang vật vã đi lên”

29/09/2014 // No Comment // Categories: Tin tiêu điểm.

Kinh tế Việt Nam đã đến đáy từ 2013 và đang vật vã đi lên, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhận định tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu vừa khai mạc sáng 27/9 tại Ninh Bình.

Đăng đàn đầu tiên là TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương. Đây cũng là nét mới đầu tiên của diễn đàn lần này. Các diễn đàn trước, người trình bày tổng quan luôn là Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TS. Trần Đình Thiên.

“Tôi không chỉ vui mà thực sự xúc động được trình bày đề dẫn”, ông Thành bày tỏ. 30 phút là thời gian vị diễn giả đầu tiên dành để chuyển tải thông điệp gập ghềnh phục hồi, thách thức cải cách của cả kinh tế thế giới và Việt Nam.

Với Việt Nam, ông Thành nhìn nhận ổn định vĩ mô còn khá mong manh dù sản xuất kinh doanh có chỉ số được cải thiện.

Và hai rủi ro lớn nhất là khó khăn ngân sách và nợ công. “Bánh” nợ tăng rất nhanh, dòng tiền trả nợ bắt đầu có vấn đề, ông Thành quan ngại.

Liên quan đến tái cơ cấu ba trọng tâm là đầu tư công, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhà nước, ông Thành kể 3 tháng gần đây ông đã tiếp xúc trên dưới 20 đại sứ quán và tập đoàn tài chính, họ đều hỏi Việt Nam cải cách doanh nghiệp nhà nước có thật không?

Với dự báo cho năm sau, ông Thành quả quyết là chắc chắn kế hoạch 5 năm không đạt được.

Còn tăng trưởng của 2014 thì theo đánh giá mới nhất của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nhiều khả năng đạt 5,7 – 5,8%. Với 2015 dự báo được đưa ra là GDP tăng 6 – 6,2%, còn lạm phát khoảng 7%.

Bàn về những vấn đề chính sách chủ chốt, TS.Võ Trí Thành nhấn mạnh điểm nghẽn lớn nhất của khơi thông tín dụng là nợ xấu, khi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thiếu cả pháp lực, nguồn lực và năng lực.

Chính sách tiền tệ, theo phân tích của ông Thành, đang phải gánh nặng hỗ trợ phục hồi, các gói hỗ trợ sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu, “trợ lực” trái phiếu Chính phủ dẫn đến méo mó, tăng rủi ro nợ xấu tương lai.

Nhấn mạnh sai lầm của chính sách tiền lương hiện nay, ông Thành cho rằng chính sách tiền lương phải dựa vào công năng, vào năng suất lao động chứ không chịu áp lực xã hội.

Nhìn tổng thể, ông Thành khái quát đây là thời điểm trọng đại của nền kinh tế Việt Nam, lợi thế tiềm năng không nhỏ, tham vọng quá lớn (ổn định, cải cách…) song đối mặt với nhiều thách thức. Và có thực hiện được tham vọng không, câu trả lời là “tôi không biết”, ông Thành kết thúc phần đề dẫn diễn đàn.

Tham gia thảo luận, chuyên gia Trương Đình Tuyển nhắc lại dự báo trước đây của một chuyên gia là Việt Nam sẽ thoát khỏi khủng hoảng theo mô hình chữ V.  “Lúc đó tôi cho rằng không thể theo chữ V mà là theo mô hình Parabol, xuống từ từ đến đáy, rồi ngóc lên chậm chạp. Theo tôi Kinh tế Viêt Nam đã đến đáy từ 2013 và đang vật vã đi lên”, ông Tuyển nói.

Tại sao lại vật vã như vậy, trả lời câu hỏi này ông Tuyển nhắc đến sự lúng túng và luẩn quẩn trong giải quyết nợ xấu, dẫn đến doanh nghiệp rất khó khăn khi tiếp cận vốn.

“Một số ý kiến coi VAMC là một sáng kiến, tôi không nghĩ thế giới ngu dốt đến mức không tìm được sáng kiến này mà họ biết mô hình đó rất khó giải quyết được nợ xấu. Nợ xấu luẩn quẩn, VAMC thiếu cả quyền lực tài chính và quyền lực pháp lý. Nhưng lỗi không phải do họ”, ông Tuyển phân tích.

Về GDP 2014, ông Tuyển nhận định rất khó đạt 5,8%. Nhưng thông tin ông nhận được đêm qua là GDP 9 tháng đã đạt 5,62% và như thế có thể nhận định của ông là sai lầm.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng với cách thức ở Việt Nam thì tăng thêm vài phần trăm GDP không khó, quan trọng là cách thức tạo ra tăng trưởng còn quan trọng hơn nhiều.

Đó là chưa nói đến một thực tế như năm 2013 là tăng trưởng không những không làm tiềm lực đất nước mạnh lên mà còn làm doanh nghiệp trong nước yếu đi, vấn đề này theo ông rất cần phải được nghiên cứu xem liệu rằng chúng ta có thể chấp nhận một thực tế như vậy hay không.

Bên cạnh các ý kiến tham gia thảo luận, tham luận gửi tới diễn đàn cũng đưa ra các khuyến nghị và dự báo đáng chú ý khác về kinh tế vĩ mô.

Theo TS. Trần Thọ Đạt, TS Nguyễn Việt Hùng và TS. Hà Quỳnh Hoa thì áp lực lạm phát đối với nền kinh tế là không đáng lo ngại cho năm 2014 và Chính phủ có thể nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, các tác giả Bùi Trinh và Nguyễn Trí Dũng lại cho rằng mọi can thiệp vào phía các nhân tố của cầu không làm tăng thu nhập từ sản xuất mà chỉ tăng thâm hụt thương mại và rủi ro về lạm phát.

Theo Vneconomy

Comments are closed.