Giao dịch ký quỹ: CTCK phải đảm bảo tỷ lệ an toàn tài chính

04/03/2011 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Thị trường càng phát triển thì càng cần phải có các nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, nghiệp vụ mới nào được áp dụng cũng có những lợi ích và rủi ro nhất định.

Ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, để triển khai nghiệp vụ giao dịch ký quỹ, ngoài việc cơ quan quản lý phải hoàn chỉnh văn bản pháp quy hướng dẫn nghiệp vụ này, các CTCK còn phải đảm bảo tỷ lệ an toàn tài chính theo quy định.

Trên thế giới, nghiệp vụ giao dịch ký quỹ đã được các thị trường phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hồng Kông, các thị trường mới nổi như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc và nhiều thị trường trong khu vực ASEAN như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippine áp dụng với tỷ lệ cho vay thông thường trong khoảng 35 – 50% giá trị khoản đầu tư.

Trong hoạt động cung cấp dịch vụ chứng khoán, CTCK có thể cung cấp nhiều loại sản phẩm tài chính, nhưng tùy theo từng thị trường, để đảm bảo sự an toàn, phát triển bền vững của TTCK, nhiều nước cho phép áp dụng từng loại sản phẩm với các mức độ quản lý khác nhau.

Tại Việt Nam, tính đến nay, đã có 105 CTCK được cấp phép hoạt động với tổng vốn điều lệ trên 33.000 tỷ đồng và đang cung cấp dịch vụ chứng khoán cho gần 1,1 triệu nhà đầu tư. Thị trường càng phát triển thì càng cần phải có các nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu của thị trường, trong đó có giao dịch ký quỹ. Tuy nhiên, nghiệp vụ mới nào được áp dụng cũng có những lợi ích và rủi ro nhất định.

Hiện nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang dự thảo quy định hướng dẫn về nghiệp vụ cho vay mua chứng khoán ký quỹ. Tại dự thảo, chúng tôi  đưa ra tỷ lệ giao dịch ký quỹ là 30:70 (khách hàng phải có 70% thì CTCK cho vay 30%), yêu cầu quan trọng đối với nghiệp vụ giao dịch ký quỹ là khả năng kiểm soát rủi ro tại các CTCK, ngay cả nhà đầu tư cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi sử dụng nghiệp vụ này.

Để triển khai nghiệp vụ giao dịch ký quỹ, ngoài việc cơ quan quản lý phải hoàn chỉnh văn bản pháp quy hướng dẫn nghiệp vụ này, các CTCK còn phải đảm bảo tỷ lệ an toàn tài chính theo quy định, xây dựng hệ thống quản lý rủi ro đối với hoạt động cho vay như quy trình kiểm soát nội bộ, quy trình nghiệp vụ, thiết lập bộ phận chuyên trách quản lý các tài khoản giao dịch ký quỹ và thẩm định năng lực tín dụng, định mức tín nhiệm của khách hàng, đồng thời xây dựng phần mềm quản lý hoạt động giao dịch ký quỹ.

Theo Hải Vân
ĐTCK

Comments are closed.