Ai chấp nhận chuyển đổi trái phiếu SSI bằng 160% thị giá?

07/03/2011 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

SSI sẽ phải hoàn trả 2.000 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu phát hành cộng thêm lãi suất 4% nếu không có trái chủ nào chấp nhận chuyển đổi.

12 nhà đầu tư tổ chức mua trái phiếu chuyển đổi SSI giai đoạn đầu với tổng giá trị mệnh giá 2.000 tỷ đồng đang phải cân nhắc việc nhận tiền hay chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, khi mà HĐQT Công ty chính thức công bố giá chuyển đổi trái phiếu SSI là 35.639 đồng/CP.

Mặc dù còn 20 ngày nữa mới đến ngày cuối cùng đăng ký chuyển đổi trái phiếu (ngày 24/3/2011), nhưng với giá cổ phiếu SSI ngày 3/3/2011 là 22.000 đồng/CP, trái chủ nào sẽ chấp nhận chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu với mức giá bằng 160% thị giá? Đây có lẽ là một câu hỏi ngỏ bởi trong danh sách 12 nhà đầu tư tổ chức mua trái phiếu SSI có Công ty TNHH Nguyễn Duy Hưng và nhiều cổ đông, đối tác lớn của SSI…

SSI sẵn sàng phương án trả tiền

Sau khi CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) công bố kế hoạch chuyển đổi trái phiếu với giá lên tới 35.639 đồng,  một số luồng thông tin lo ngại SSI sẽ không đủ tiền thanh toán cho trái chủ. Nếu tất cả các trái chủ lựa chọn phương án nhận lại tiền thì SSI sẽ phải hoàn trả 2.000 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu phát hành cộng thêm lãi suất 4% – một khoản tiền rất lớn trong bối cảnh hiện nay.

Đặt vấn đề nghi ngại này với ông Nguyễn Hồng Nam, Phó tổng giám đốc SSI, ông cho biết, dự báo tình hình TTCK diễn biến không thuận lợi, SSI đã chuẩn bị từ trước phương án trả lại toàn bộ tiền cho trái chủ. Sau khi hoàn trả tiền, tiền và các khoản tương đương tiền tại SSI vẫn đủ để Công ty tiếp tục các hoạt động đầu tư như bình thường.

Theo tìm hiểu của phóng viên ĐTCK, SSI đã rất thận trọng trong việc sử dụng vốn phát hành trái phiếu chuyển đổi, thậm chí còn cất riêng một khoản tiền để chủ động cho việc hoàn trả cho trái chủ. Đọc báo cáo tài chính hàng quý của SSI cũng có thể thấy, khoản tiền và tương đương tiền tại Công ty khá lớn. Cụ thể, quý IV/2010, sau khi trừ khoản tiền gửi các khách hàng, SSI còn hơn 1.300 tỷ đồng tiền mặt.

Cơ hội và rủi ro khi chọn trái phiếu chuyển đổi

Cho đến nay, trên TTCK, SSI có lẽ là DN đầu tiên phát hành trái phiếu chuyển đổi mà tất cả các trái chủ sẽ đều phải cân nhắc phương án nhận lại tiền, vì những ràng buộc chặt chẽ về giá chuyển đổi trái phiếu khi Công ty phát hành, nhằm mục tiêu giảm hiện tượng pha loãng giá cổ phiếu.

Cách đây hơn 1 năm, nhiều DN lớn đã phát hành TPCĐ. Hoàng Anh Gia Lai đã thực hiện chuyển đổi trước thời hạn một lô trái phiếu cho NĐT lớn. Hòa Phát năm ngoái thực hiện chuyển đổi trái phiếu đúng thời điểm thị giá cổ phiếu ngang bằng giá chuyển đổi, nên có khoảng 30% trái chủ đã không thực hiện quyền chuyển đổi.

Nhìn chung, lợi ích của việc đầu tư TPCĐ với NĐT là quyền lựa chọn phương án chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, hoặc nhận hoàn trả tiền với lãi suất trái phiếu thỏa thuận khi hết thời hạn. Nếu so với lãi suất tiền gửi ngân hàng lúc này là 15%/năm và lãi suất trái phiếu 4% thì NĐT trái phiếu bị thiệt về tỷ lệ sinh lời đồng vốn, tuy nhiên, sự thiệt hại này còn dễ chịu hơn nhiều mức lỗ vài chục phần trăm nếu đầu tư vào cổ phiếu trong thời gian qua.

Với DN phát hành, các chuyên gia cho rằng, thời hạn 1 năm đáo hạn của TPCĐ tuy tạo sức hấp dẫn với người mua, nhưng lại là một thời hạn quá ngắn, tiềm ẩn rủi ro về thanh khoản. DN thường huy động số vốn lớn với mục đích đầu tư dự án dài hạn, nhưng nếu chọn thời hạn là 1 năm thì DN khó có thể lấy vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn.

Sẽ rất rủi ro nếu DN dự đoán sai tình hình thị trường, đem số tiền huy động được đầu tư vào tài sản có tính thanh khoản thấp, khó chuyển đổi thành tiền. Các chuyên gia cho rằng, việc phát hành trái phiếu thời hạn từ 3 năm trở lên có quy định tỷ lệ chuyển đổi theo thời gian được cho là phương án giảm rủi ro về thanh khoản cho DN khi muốn huy động vốn đầu tư dài hạn.

Thực tế là trong các năm trước, khi TTCK tăng trưởng mạnh thì người hưởng lợi chính là người được mua TPCĐ, khi đó quyền mua TPCĐ là một thứ quyền lợi dành cho những đối tượng đặc biệt. Nhưng hiện nay, tình hình thị trường đã khác, cơ hội và rủi ro luôn đi kèm với cả nhà đầu tư trái phiếu và DN phát hành.

Theo Thành Nam
ĐTCK

Comments are closed.