“Dư nợ bất động sản 235.000 tỷ đồng gây bất ổn lãi suất

31/05/2011 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

Tính đến cuối tháng 5/2011, tổng khối lượng tín dụng tăng ròng 135.800 tỷ đồng, trong đó phần lớn là số tiền đảo nợ vốn vay bất động sản.

Doanh nghiệp bất động sản đảo nợ khiến dư nợ cho vay tăng

Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, dư nợ cho vay bất động sản tồn đọng từ năm 2008 đến nay là yếu tố gây bất ổn về lãi suất và điều hành chính sách tiền tệ.

Hiện nay, dư nợ cho vay bất động sản khoảng 235.000 tỉ đồng. Doanh nghiệp bất động sản không trả được nợ nên phải đảo nợ, tiền lãi đắp vào vốn hợp đồng vay mới, làm dư nợ cho vay tăng lên.

Do đó, theo ông Chính phủ cần thành lập ban xử lý nợ bất động sản. Ban này sẽ đề nghị NHNN cho vay tái thế chấp những hợp đồng tín dụng tốt. Ngân hàng  mất trên 50% vốn tự có từ việc cho vay bất động sản thì cần tiến hành xử lý (sáp nhập, đóng cửa, kiểm soát đặc biệt…).

Áp tỷ lệ dự trữ bắt buộc cao nếu tỷ trọng dư nợ phi sản xuất lớn

Về việc có nên thả nổi lãi suất thời điểm này hay không, TS Trần Hoàng Ngân cho rằng trước mắt, NHNN vẫn cần duy trì  trần lãi suất đầu vào. Đồng thời, phải bảo đảm cung ứng đủ vốn cho các ngân hàng thông qua nghiệp vụ thị trường mở, đặc biệt là kênh tái cấp vốn.

Không nên quy định trần lãi suất cho vay vì tùy theo đối tương vay, mức độ rủi ro…, các ngân hàng sẽ đưa ra mức lãi suất cho vay khác nhau.

NHNN không nên cào bằng trần tăng trưởng tín dụng 20% và tỉ trọng cho vay phi sản xuất 16% vào cuối năm 2011, bởi chiến lược kinh doanh các ngân hàng luôn khác nhau.

Ngân hàng nào có tỉ trọng  dư nợ phi sản xuất lớn thì áp tỉ lệ dự trữ bắt buộc cao, làm tăng chi phí đầu vào của ngân hàng đó khiến lãi suất cho vay phi sản xuất tăng cao, sẽ hạn chế tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Ngược lại, ngân hàng nào có dư nợ cho vay sản xuất kinh doanh đạt trên 80%/tổng dư nợ cho vay thì giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc.

Tính thêm lạm phát cơ bản để làm cơ sở điều hành chính sách tiền tệ

Theo ông Ngân, cơ chế lãi suất dương ở Việt Nam tức là lãi suất phải cao hơn lạm phát. Nhưng nhiều quốc gia trên thế giới thường ám chỉ lãi suất dương là lãi suất cho vay chứ không phải là lãi suất tiền gửi.

Nếu để lãi suất cho vay thấp hơn lạm phát sẽ kích thích doanh nghiệp vay tiền nhiều, đầu cơ tích trữ hàng hóa gây ra lạm phát cao.

Bên cạnh lạm phát chung, Chính phủ cần tính thêm lạm phát cơ bản để làm cơ sở điều hành chính sách tiền tệ, ông cho biết.

Nguồn Người lao động

Comments are closed.