Đến 20/6, tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 2,37%

28/06/2011 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

Trong 10 ngày (10-20/6), tỷ lệ n xấu giảm từ 2,72% xuống 2,37%. Tuy nhiên, thời gian tới n xấu nguy cơ gia tăng do thị trường BĐS biến động thất thường.

Thông tin trên được đưa ra trong báo cáo tham luận của Phó Thống đốc Nguyễn Văn Bình về điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2011 và định hướng trong thời gian tới.

Theo đó, đến ngày 20/6, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,45% so với cuối năm 2010. Tín dụng tăng 7,13%, trong đó tín dụng VND tăng 2,67%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 23,4%.

Đáng chú ý, dư nợ để đầu tư bất động sản tính đến 20/6 là 220.787 tỷ đồng, giảm 6,16% so với cuối năm 2010, chiếm 9,4% dư nợ tín dụng toàn hệ thống.

Tỷ lệ nợ xấu là 2,37%, giảm so với mức 2,72% vừa được Thống đốc Nguyễn Văn Giàu công bố ngày 10/6.

Lãi suất huy động VND bình quân 15,15%, tăng 3% so với cuối năm 2010. Các tổ chức tín dụng cạnh tranh bằng công cụ lãi suất để giữ thị phần huy động thông qua việc thỏa thuận trả thêm chi phí cho người gửi tiền.

Lãi suất cho vay VND bình quân 18,6%, tăng 3,2%/năm so với cuối năm 2010, lãi suất cho vay đối với lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa ở mức thấp hơn.

Lãi suất thị trường liên ngân hàng ở mức khá cao trong 4 tháng đầu năm, nhưng từ đầu tháng 5 đến nay đã giảm, hiện lãi suất qua đêm khoảng 13%/năm. Lãi suất huy động USD bình quân khoảng 1,81%/năm, lãi suất cho vay USD bình quân 6,4%/năm.

Với thị trường ngoại hối, chênh lệch tỷ giá thị trường chính thức và thị trường tự do ngày càng thu hẹp, thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng cải thiện, các NHTM cân đối được nguồn cung ngoại tệ từ tổ chức kinh tế và dân cư, thực hiện bán ngoại tệ cho NHNN để tăng dự trữ ngoại hối. Đến ngày 27/6, bình quân liên ngân hàng ở 20.618 đồng/USD, tăng 8,91%, tỷ giá mua bình quân của NHTM ở 20.642 đồng/USD, tăng 5,88% so với cuối năm 2010.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng chỉ ra một số những rủi ro phát sinh trên thị trường tiền tệ.

Cụ thể, dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm tỷ trọng khá lớn, tới 77%, trong khi vốn huy động của cá tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn, nên có thể phát sinh rủi ro thanh khoản.

Dư nợ cho vay xây dựng, mua nhà, sửa chữa nhà để bán chiếm 45%, khả năng thu hồi nợ cho vay đối với nhu cầu vốn này gặp khó khăn do giá nhà ở đang vượt quá khả năng thu nhập của đại đa số người có nhu cầu mua nhà để ở, nên khả năng tiêu thụ nhà ở đang có xu hướng chậm lại.

Nguy cơ rủi ro tín dụng và nợ xấu có xu hướng gia tăng do thị trường bất động sản biến động thất thường, tình trạng đầu cơ còn phổ biến, lãi suất vay tổ chức tín dụng tăng cao.

Lãi suất huy động, cho vay VND ở mức cao, cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn. Thanh khoản của NHTM dù được cải thiện nhưng vẫn khó do huy động vốn tăng chậm hơn tín dụng.

Thị trường ngoại hối và tỷ giá còn tiềm ẩn rủi ro do nhập siêu gia tăng.

Comments are closed.