Cẩn trọng với “đô la hóa” tài chính

28/07/2011 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

Tiến sỹ Phạm Tiến Đạt (Chuyên gia tài chính, Học viện Ngân hàng) cho rằng, tình trạng tín dụng USD tăng mạnh so với tín dụng VND trong 6 tháng đầu năm 2011 và kéo dài đến nay đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết cho nền kinh tế.

Thưa ông, 6 tháng đầu năm, tín dụng USD tăng tới 22,21%, gấp hơn 2,4 lần so với tốc độ tăng huy động vốn, trong khi tốc độ tăng tín dụng VND chỉ ở mức 2,72%. Ông nhận định thế nào về tình trạng đó?

Bản chất của việc tăng tín dụng USD chính là “đô la hoá” tài chính, khi các tài sản và nợ bằng đồng nội tệ bị thay thế bởi các tài sản và nợ bằng ngoại tệ, cụ thể là USD. “Đô la hóa” tài chính cung cấp cho các doanh nghiệp (DN), cá nhân một công cụ tự bảo vệ chống lại lạm phát; tăng cường khả năng hội nhập quốc tế; giảm chi phí giao dịch; thúc đẩy thương mại và đầu tư; và dễ thấy là thu hẹp chênh lệch tỷ giá trên 2 thị trường chính thức và phi chính thức. Tuy vậy, nó cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết cho thị trường tiền tệ, các DN, ngân hàng và nền kinh tế nói chung.

Cụ  thể, đó là những nguy cơ gì, thưa ông?

Vay ngoại tệ gia tăng chủ yếu do tín dụng VND bị thắt chặt và lãi suất cao. Nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tung VND để hút ngoại tệ về thì lo ngại lạm phát lại gia tăng; để hút về VND, lại phải bán ra các giấy tờ có giá cho tổ chức tín dụng. Vòng quay đó có thể sẽ làm tiếp tục trầm trọng vấn đề căng thẳng tín dụng VND trong hệ thống ngân hàng.

Về phía  DN, vay ngoại tệ sẽ bị rủi ro tỷ giá khi mua USD trả nợ, rủi ro này có thể lớn hơn cả lợi ích vay USD. Mặt khác, do DN thường vay ngắn hạn, nên cuối năm đáo hạn, nhu cầu USD của DN tăng cao có thể là nhân tố buộc NHNN phải phá giá đồngVND sớm, nếu NHNN không cân đối được cung cầu ngoại tệ.

Đối với nền kinh tế, việc DN tăng vay USD sẽ ảnh hưởng đến chính sách chống đô la hóa mà NHNN đang thực hiện. Hiện DN không chỉ vay để phục vụ xuất nhập khẩu, bởi thanh toán xuất nhập khẩu phải qua ngân hàng, nên thậm chí không cần rút USD ra khỏi ngân hàng. Như thế, chủ yếu là DN vay USD để chuyển sang VND đầu tư sản xuất kinh doanh, khiến một lượng USD bị đẩy trở lại nền kinh tế, đi ngược lại nỗ lực của NHNN là hút USD ra khỏi các giao dịch kinh doanh để chống lại tình trạng đô la hóa.

Với các ngân hàng, NHNN đang dự thảo thông tư buộc các ngân hàng thương mại giữ trạng thái ngoại tệ/ tổng vốn tự có từ +/-30% xuống còn +/-20%, nhằm tăng nắm giữ USD. Nếu các ngân hàng cứ tiếp tục cho vay USD, khi NHNN thông qua dự thảo này, các ngân hàng thương mại sẽ chịu sức ép trong việc thu hồi vốn USD.

Ông đánh giá thế nào về khả năng giữ ổn định tình hình thị trường ngoại hối những tháng cuối năm?

NHNN đương nhiên phải tăng dự trữ ngoại hối để có thể chủ động trong chính sách tỷ giá, ổn định thị trường ngoại hối, song với tình hình kinh tế vĩ mô không mấy sáng sủa, vốn FDI và kiều hối đều giảm, cán cân vãng lai tiếp tục thâm hụt như hiện nay thì không dễ đạt được.

Dự báo 6 tháng cuối năm, nhiều khả năng VND sẽ phải tiếp tục mất giá để tăng cường xuất khẩu, vực dậy nền kinh tế. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào chính sách chống đô la hóa của NHNN cương quyết đến đâu, lạm phát diễn biến như thế nào.

Vậy các biện pháp nào là khả  dĩ để giảm căng thẳng thị  trường ngoại hối trong bối cảnh hiện nay?

Chắc chắn các chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, giảm dần và ổn định tỷ lệ lạm phát, giảm nhập siêu cần được tiếp tục thực hiện. Tín hiệu cực trong tháng 7/2011 là nhập siêu chỉ còn ở mức 160 triệu USD, thấp nhất trong vòng 27 tháng qua.

Các biện pháp mang tính thị trường cần được coi trọng, như giám sát thận trọng thông qua công cụ dự trữ bắt buộc, quy định về cho vay ngoại tệ, trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại, chỉ cho vay ngoại tệ ở một số hạng mục nhất định, tiến tới chấm dứt hoạt động cho vay và huy động ngoại tệ.

Ngoài ra, cần thanh tra, kiểm soát các hành vi thanh toán, giao dịch bằng đồng ngoại tệ; hạn chế việc lưu thông, sử dụng ngoại tệ; kiểm tra, xử lý nghiêm việc yết giá bằng ngoại tệ.

Theo Dautu

Comments are closed.