“Đủ điều kiện giảm lãi suất từ tháng 9″

01/09/2011 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

VnExpress dẫn lời PGS-TS. Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng trường Đại học kinh tế TPHCM cho biết, hiện có đủ các tiền đề để giảm lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh xuống 17 – 19%/năm từ giữa tháng 9. Cụ thể:

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng thấp nhất từ đầu năm, cho thấy lạm phát đang có chiều hướng ổn định.

Từ 1/9, lượng tín dụng sẽ được cung ra thị trường nhiều hơn khi số tiền mà các ngân hàng được phép cho doanh nghiệp vay sẽ không còn bị giới hạn bởi tỷ lệ 80% vốn huy động.

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm từ 22% xuống còn 12%, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện, lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế đã được hút về. Do đó, ngân hàng có cơ sở để giảm lãi suất tiền gửi, qua đó giảm lãi suất cho vay mà không gây lạm phát trở lại.

Các công cụ tái cấp vốn và thị trường mở sẽ được áp dụng một cách linh hoạt hơn, đặc biệt với các ngân hàng nhỏ. Các giải pháp này đảm bảo các ngân hàng thương mại không phải huy động vốn bằng mọi giá trên thị trường 1 (từ dân cư và tổ chức kinh tế) nhằm đảm bảo thanh khoản.

Dư địa tín dụng và cung tiền những tháng còn lại của năm 2011 khá lớn. Tổng phương tiện thanh toán cho các tháng cuối năm còn gần 300.000 tỷ đồng khiến nguồn vốn cung ứng cho các doanh nghiệp dồi dào hơn.

Ngoài ra, theo ông Ngân, nếu các ngân hàng thực thi một cách nghiêm túc quy định về trần lãi suất huy động 14% thì đầu ra 17% cho kinh doanh sản xuất là hợp lý. Còn các khoản vay khác như tiêu dùng thì sẽ ở mức cao hơn nhằm kiềm hãm tăng chỉ số giá tiêu dùng.

Để đảm bảo các ngân hàng không vi phạm trần lãi suất, ông Ngân cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần phải xử lý mạnh các ngân hàng thương mại vi phạm bằng cách sáp nhập, giải thể nếu cần thiết. Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của tổ chức tín dụng, trước mắt tập trung thanh tra các ngân hàng có tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao.

Nguồn Vnexpress

 

Comments are closed.