Nên chăng cứ sốt giá là lại nhập vàng?

28/09/2011 // No Comment // Categories: Vàng.

Ngay khi về đến Việt Nam, số vàng được NHNN cấp phép nhập cuối tháng 8 đã lỗ hơn 150 USD/ounce khi giá thế giới lao dốc xuống 1.650 USD/ounce.

3 lần cấp phép trong 2 tháng

Cấp phép nhập vàng là công cụ mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 3 lần sử dụng trong chưa đầy 2 tháng vừa qua khi thị trường vàng trong nước diễn bất thường.

Trong tháng 8, để bình ổn thị trường vàng, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, làm giá, NHNN đã hai lần can thiệp vào thị trường vàng miếng bằng cách sử dụng công cụ này.

Lần thứ nhất, NHNN đã cấp phép nhập khẩu 5 tấn vàng khi đợt sốt giá diễn ra trong hai ngày 8/8 và 9/8. Đỉnh điểm vào trưa ngày 9/8, giá vàng bất ngờ lên 46,2 triệu đồng/lượng, tăng 6,2 triệu đồng/lượng so với mức giá 40 triệu đồng/lượng một tuần trước đó.

Ngay sau khi thông tin trên được công bố, giá vàng trong nước đã đổ dốc, mất 1 triệu đồng/lượng chỉ trong buổi chiều hôm đó xuống còn 45,2 triệu đồng/lượng.

Đợt sốt giá thứ 2 diễn ra trong hơn 1 tuần sau đó khi  giá vàng liên tục phá những mốc kỷ lục 46, 47, 48 và 49 triệu đồng/lượng trong thời gian từ 15/8 – 23/8. Giá vàng đã lập kỉ lục 49,2 triệu đồng/lượng vào trưa ngày 23/8 bất chấp thông tin NHNN đã cấp phép nhập vàng lần thứ 2 chỉ một ngày trước đó.

Thực tế, ngay từ chiều ngày 22/8, trước khi giá vàng lên đỉnh 49,2 triệu đồng/lượng, trong buổi làm việc với công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC, lãnh đạo NHNN cho biết sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trong đó công ty SJC làm chủ lực, tham gia can thiệp thị trường vàng nhằm kéo giá vàng trong nước từ mức cao hơn 1 triệu đồng/lượng về ngang với giá thế giới.

Giá vàng trong nước sau đó giảm mạnh trong ba phiên liên tiếp đến ngày 25/8 xuống còn 45 triệu đồng/lượng, giảm 4,2 triệu đồng/lượng so với đỉnh điểm 49,2 triệu đồng/lượng.

Tới ngày 26/9, thị trường vàng một lần nữa hỗn loạn khi giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới tới 4 triệu đồng/lượng và biến động trong biên độ rất lớn, lên tới gần 5 triệu đồng thì NHNN một lần nữa quay trở lại với công cụ cấp phép nhập khẩu vàng.

Đầu giờ chiều 26/9, giá vàng trong nước bán ra phổ biến quanh mức 44 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng thế giới quy đổi ở thời điểm tương ứng chỉ 40,2 triệu đồng/lượng (tính theo giá vàng giao ngay trên sàn Kitco ở 1.567 USD/ounce và tỷ giá USD tự do là 21.300 đồng/USD).

Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại là ngày 28/9, NHNN vẫn chưa chính thức cấp quota nhập khẩu vàng cho bất kì doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc nào và mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao là 3,5 triệu đồng/lượng.

Có nên tiếp tục cấp phép nhập khi sốt giá?

Lý giải cho việc giá vàng trong nước luôn cao hơn hẳn so với giá thế giới, các doanh nghiệp cho biết sau khi NHNN cấp hạn ngạch nhập khẩu lần thứ 2, các doanh nghiệp đã chốt giá vàng nhập khẩu trên mức 1.800 USD/ounce.

Khi số vàng nhập khẩu đó về đến Việt Nam thì giá vàng thế giới đột ngột lao dốc giảm đến trên 150 USD/ounce, khiến lượng vàng nhập khẩu đó bị lỗ. Các doanh nghiệp đã “đồng lòng” giữ giá vàng trong nước ở mức giá cao để giải phóng hàng tồn kho giá cao, “chuyển lỗ” cho người mua.

Điều này cho thấy công cụ cấp phép nhập khẩu vàng đã không thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn của các nhà lãnh đạo vì thị trường vẫn trong tình trạng bất ổn. Không những thế, việc cấp phép nhập khẩu liên tục còn gia tăng áp lực lên thị trường ngoại tệ khi các doanh nghiệp phải gom USD để nhập khẩu vàng.

Báo Tuổi trẻ dẫn nguồn tin cho biết, trong 1 tháng qua, các công ty vàng đã phải chi khoảng 1,5 tỷ USD (30.000 tỷ đồng) để nhập khẩu khoảng 20 tấn vàng. Tại những lúc cao điểm, giá USD trên thị trường tự do lên tới 21.300 đồng, cao hơn khoảng 22% so với giá trần quy định 20.834 đồng/USD của NHNN.

 

Nhận định về chính sách điều hành của Nhà nước sau cơn sốt vàng, ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ nhận định Nhà nước đã hành động kịp thời để ổn định thị trường vàng, nhưng các chính sách này vẫn bị động và “chỉ mang tính tình thế”.

Vậy, nên chăng cứ sốt giá là lại nhập vàng?

Theo Tuoitre

Comments are closed.