Trần nợ công là bao nhiêu?

26/10/2011 // No Comment // Categories: Tin tiêu điểm.

Với lạm phát cao, dự trữ ngoại hối mỏng… thì tỉ lệ nợ công 54,5% GDP và dự kiến trong vài năm tới lên đến 60-65% ẩn chứa nhiều rủi ro.

Dù đã có nhiều cảnh báo về nguy cơ gia tăng nợ công với tỉ lệ dư nợ công/GDP đến cuối năm 2011 đã ở mức 54,5% GDP, song báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra vẫn khẳng định nợ công của Việt Nam vẫn ở ngưỡng an toàn và trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lưu ý, phải xét trong bối cảnh Việt Nam hiện tại với lạm phát cao nhất khu vực, dự trữ ngoại hối mỏng… thì tỉ lệ nợ công nêu trên và dự kiến trong vài năm tới lên đến 60-65% ẩn chứa nhiều rủi ro.

Cần công khai các khoản trả nợ

Theo báo cáo của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, năm 2011 Việt Nam phải trả nợ nước ngoài 86.000 tỉ đồng, chiếm 12,5% nguồn thu ngân sách. Năm 2012, dự kiến ngân sách sẽ dành 100.000 tỉ đồng để trả nợ, nhưng số này chưa bao gồm các khoản nhà nước cho doanh nghiệp phát hành thêm trái phiếu, đảo nợ, dãn nợ…

Theo quy định của Luật Quản lý nợ công hiện hành, hiện nợ của DNNN không được Chính phủ bảo lãnh thì không được tính là nợ công. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp vay lại các khoản từ Chính phủ do Chính phủ đứng ra vay, nhưng vì lý do nào đó đổ vỡ, như trường hợp của Vinashin thì Chính phủ sẽ phải có trách nhiệm trả nợ thay.

Theo đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, các khoản nợ không được nhà nước công khai bảo lãnh, nhưng được ngầm định là Chính phủ trả nợ thay, nếu mất khả năng thanh toán thì sẽ ảnh hưởng ngay lập tức đến hệ thống ngân hàng, cuối cùng Chính phủ cũng là người đứng ra gánh chịu.

Vấn đề nữa được IMF khuyến cáo là ngưỡng nợ trên dưới 50% GDP có vẻ là ngưỡng an toàn, phù hợp với thông lệ các nước, nhưng tỉ lệ nợ này sẽ không nói lên điều gì nếu không lưu ý đến cơ cấu nợ và phải có dự phòng cho ngưỡng này. “Hiện với thị trường mới nổi như Việt Nam, Chính phủ đang muốn tỉ lệ nợ chỉ đạt mức trung bình khoảng từ 35-40% để có dự phòng rủi ro. Đặc biệt, trong 10-20 năm tới đây, Việt Nam sẽ thuộc những quốc gia được hưởng những nguồn vốn ưu đãi nữa mà phải vay thương mại nhiều hơn” – ông này cho biết.

Siết chặt quản lý nợ công

Theo TS Lê Xuân Nghĩa – Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: “Khả năng thanh toán nợ của Việt Nam đang giảm rất nhanh kể từ năm 2008 xét trên chỉ tiêu nợ công/GDP. Điều này cho thấy, còn tình trạng thâm hụt ngân sách do chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư toàn xã hội, Việt Nam càng tăng các khoản bù đắp từ bên ngoài với hệ quả tất yếu là tỉ lệ nợ trong nước, nợ nước ngoài và nợ công tăng nhanh.

Năm 2011, tỉ lệ thâm hụt ngân sách giảm xuống mức 4,9%, nhưng nhiều ý kiến của các ĐBQH cho rằng, mức này có thể phải giảm xuống nữa. Một trong những nguyên tắc đặt ra là cắt giảm chi tiêu công, đình hoãn, dãn tiến độ các công trình dự án kém hiệu quả, tập trung vốn cho các công trình dự án cấp bách, có khả năng hoàn thành trong năm để tăng nguồn lực đầu tư.

Tuy nhiên, cũng theo Ủy ban Tài chính – Ngân sách, mức chi ngân sách trong năm 2011 vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Tổng số chi đến hết tháng 9/2011 đã vượt dự toán tới 70.400 tỉ đồng (khoảng 9,7% tổng chi NSNN). Theo các tính toán cho năm 2012, mức bội chi ngân sách nếu tính cả trái phiếu chính phủ lên tới 6,3%, thì đến 2015, bội chi vẫn ở mức 5,5% GDP. Dư nợ công ước cho năm 2012 là 58,4%, vì vậy, theo ông Nghĩa, lộ trình giảm bội chi phải quyết liệt hơn nữa, nếu Việt Nam không muốn bị ghi tên vào mức báo động nguy hiểm về xếp hạng tín dụng nợ công.

Theo ông Nghĩa, nếu như năm 2007, dự trữ ngoại hối của Việt Nam gấp 100 lần so với tổng dư nợ ngắn hạn thì năm 2008 chỉ còn 28 lần; năm 2009 còn 3 lần; năm 2010 chỉ còn 2 lần. Đây là mức thấp kỷ lục của giai đoạn 5 năm qua. Trong khi đó, trong vòng 3 năm tới, đến kỳ đáo hạn các khoản nợ nội địa (như phát hành trái phiếu chính phủ) tương đương 36% dự toán thu ngân sách nhà nước năm nay và khoảng 20% thu ngân sách nhà nước năm 2014.

Nguồn Lao động

Comments are closed.