Standard Chartered: VND sẽ gặp khó khăn?

03/11/2011 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

Trước những diễn biến “nóng” về tỷ giá tại thị trường Việt Nam, ông Tai Hui – Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế Đông Nam Á của Standard Chartered Bank chia sẻ dự báo của ông về tỷ giá VND/USD cùng Doanh nhân.

- Thưa ông, các nhà phân tích kinh tế thế giới có đưa ra nhận định, đồng USD đang ngày càng trở nên có giá. Vậy, tỷ giá USD/VND sẽ diễn biến thế nào từ nay đến cuối năm và trong năm 2012?

Chúng tôi dự đoán rằng USD sẽ dần mất giá so với tiền tệ của hầu hết các nước châu Á trong năm 2012, nhưng Việt Nam sẽ là một ngoại lệ. Kỳ vọng của chúng tôi với tỷ giá USD/VND vào cuối năm 2012 là 22.000 đồng/ USD.

- Có quan điểm, việc các nhà đầu tư nước ngoài bán ra mạnh cổ phiếu thời gian gần đây có thể báo hiệu một làn sóng vốn đầu tư gián tiếp (FII) rút ra khỏi Việt Nam trong thời gian tới góp phần làm gia tăng áp lực tỷ giá cuối năm. Ông nhìn nhận nguy cơ này như thế nào?

Dựa trên số liệu thống kê thực tế từ đầu năm 2011 đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn thực hiện nhiều giao dịch mua hơn là giao dịch bán trên sàn chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh. Hơn nữa, chúng tôi tin rằng các nhà đầu tư trong nước có ảnh hưởng lên tỷ giá USD/VND nhiều hơn là các nhà đầu tư nước ngoài. Vì thế, tôi theo dõi động thái của các nhà đầu tư trong nước để đánh giá áp lực về tỷ giá hối đoái cuối năm nay.

Mặc dù đã điều chỉnh giá trị tiền Đồng trong những năm gần đây, Việt Nam vẫn đang ở trong tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai. Trong khi đó, mức dự trữ ngoại tệ thấp cho thấy nguy cơ của việc tiền tệ sẽ còn mất giá.

- Với góc nhìn từ một ngân hàng có nhiều kinh nghiệm, ông có thể tư vấn giải pháp cả vĩ mô (cơ chế điều hành) và vi mô (nghiệp vụ, kỹ thuật) để giải quyết hoặc giảm thiểu áp lực cho tỷ giá?

Người gửi tiền sẽ chọn cho mình hình thức gửi (USD, VND hay vàng) tùy theo kỳ vọng vào lạm phát và tỷ giá USD/VND. Do đó, lãi suất huy động VND cần được giữ ở mức hấp dẫn cho những nhà đầu tư đang nắm giữ VND để bảo vệ họ khỏi khả năng lạm phát cao và mất giá VND.

Hoặc là các ngân hàng đưa ra mức lãi suất cao để bù đắp lại mức lạm phát cho các nhà đầu tư, hoặc là họ phải được thuyết phục bằng một mức lạm phát thấp. Một trong hai phương thức này sẽ giúp ổn định tiền tệ và chúng tôi tin rằng cách thứ hai sẽ giúp nền kinh tế bền vững hơn rất nhiều.

- Nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực về sự mất giá của đồng nội tệ, thì sự mất giá của VND trong thời gian tới sẽ có mức độ tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp?

Việc này sẽ giúp đẩy mạnh xuất khẩu nhưng tôi nghĩ, sự thu hẹp dần của thâm hụt thương mại là một hiệu ứng của việc VND mất giá. Nhưng nó lại ảnh hưởng tiêu cực lên lạm phát và do đó sự mất giá tiền tệ có tác động như một con dao hai lưỡi. Đối với các doanh nghiệp, trong khi việc VND bị suy yếu giúp họ tăng lợi nhuận thì tình trạng lạm phát cao và thâm hụt USD khiến cho môi trường kinh doanh khó khăn hơn.

- Nếu như NHNN Việt Nam buộc phải điều chỉnh tỷ giá trong thời gian tới, thì mức độ điều chỉnh bao nhiêu là cần thiết và hợp lý, thưa ông?

Nếu NHNN bị bắt buộc phải điều chỉnh, tôi nghĩ rằng họ sẽ có rất ít sự chọn lựa mà sẽ phải điều chỉnh sao cho phù hợp với kỳ vọng của thị trường. Do đó, NHNN sẽ cần phải quản lý kỳ vọng để tránh một cuộc điều chỉnh tỷ giá quy mô lớn và giữ được sự ổn định tiền tệ nói chung.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Lưu Hương

Doanh nhân

 

Comments are closed.