Ông Đinh Nho Bảng: Giá vàng sẽ tiếp tục nóng trong năm 2012

01/02/2012 // No Comment // Categories: Vàng.

Giá vàng trong nước cũng s biến đng theo giá vàng thế gii, song mc chênh lch ph thuc chính sách điu hành ca cơ quan qun lý.

Giá vàng, chứng khoán mở hàng năm Nhâm Thìn bằng biến động kịch tinh. Những yếu tố nào sẽ tác động đến giá vàng, chứng khoán trong năm 2012 và người có tiền nhàn rỗi nên tiếp tục bỏ vốn vào đầu tư?

Ông Đinh Nho Bảng – tổng thư ký kiêm phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN – dự báo giá vàng thế giới tiếp tục nóng trong năm 2012. Giá vàng trong nước cũng sẽ biến động theo giá vàng thế giới, song mức chênh lệch phụ thuộc chính sách điều hành của cơ quan quản lý.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đinh Nho Bảng nhận định: Trong năm nay người dân, nhà đầu tư, quỹ đầu tư, thậm chí cả ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ tìm đến kênh đầu tư vàng khi kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn. Nhà đầu tư sẽ cơ cấu lại tài sản của mình nên mua vàng hay giữ tiền. Nếu giữ bằng tiền thì tỉ trọng dự trữ đồng euro, USD hay yen… là bao nhiêu? Song xu hướng tiền mất giá theo vàng chứ vàng không mất giá, vì tiền lạm phát chứ vàng không lạm phát. Nên hầu hết các nước có tỉ lệ dự trữ vàng thấp đang có xu hướng mua vào.

Ngày 31-1, Ngân hàng Nhà nước cho biết dự thảo đề án huy động vàng trong dân cơ bản đã hoàn thành. Theo kế hoạch, ngay trong đầu tháng 2, cơ quan này sẽ trình Chính phủ dự thảo đề án nói trên.

* Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa quyết định giữ ổn định lãi suất cơ bản USD mức 0-0,25% từ nay đến năm 2014. Việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá vàng?

- Quyết định này đưa ra trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang gặp nhiều khó khăn. Khi đồng USD mất giá thì vàng sẽ tăng vì giá vàng được tính bằng USD. Song nếu nền kinh tế Mỹ phục hồi thì giá vàng sẽ không tăng nhiều.

Một nguyên nhân nữa tác động đến giá vàng là do khủng hoảng nợ công tại châu Âu chưa được xử lý. Việc cứu vớt bằng chính sách phát hành tiền càng làm tăng lạm phát, làm đồng tiền mất giá, khả năng phục hồi kinh tế càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế dự báo giá dầu thế giới sẽ tăng 20-30% so với năm 2011 nếu chiến tranh Iran xảy ra. Như vậy, nhiên liệu tăng kéo theo giá cả hàng loạt mặt hàng khác đều tăng, trong đó có giá vàng.

Theo ông, giá vàng thế giới năm nay sẽ tăng đến mức nào?

- Tôi có tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia, kể cả các đoàn chuyên gia của ngân hàng kinh doanh vàng nước ngoài, dự đoán giá vàng năm 2012 bình quân khoảng 1.800 USD/ounce.

Hiện giá vàng thế giới đang quanh mức 1.674 USD, nên trước mắt có thể lên 1.700 USD/ ounce. Thường giá vàng tăng mạnh rồi giảm ngay sau khi các quỹ đầu tư bán chốt lời. Dù giá có lên có xuống nhưng theo tôi, xu hướng dưới 1.500 USD/ounce hay thậm chí dưới 1.600 USD/ounce là hơi khó.

* Thế còn giá vàng trong nước?

- Giá vàng trong nước bao giờ cũng phụ thuộc giá thế giới, và năm 2012 cũng trong xu hướng tăng giá. Tuy nhiên, mức giá vàng trong nước là bao nhiêu phụ thuộc chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Chính sách thông thoáng, liên kết được với thị trường nước ngoài thì chênh lệch giá sẽ thấp, ngược lại sẽ cao. Giá vàng trong nước có lúc cao hơn giá vàng thế giới trên 2 triệu đồng/lượng. Song hi vọng mức chênh lệch này sẽ không nhiều, khoảng 400.000 đồng/lượng, như tuyên bố trước đây của thống đốc NHNN.

* Ông đánh giá như thế nào về việc sắp tới NHNN sẽ trình Chính phủ đề án huy động vàng trong dân?

- Thực tế không có thị trường vàng nào mà giao dịch hoàn toàn bằng vàng miếng như ở VN. Vừa rủi ro, vừa tốn kém, phiền toái cho nhà đầu tư. Những thông tin ban đầu là NHNN huy động vàng trong dân qua hệ thống ngân hàng thương mại là rất tốt. Vì ngân hàng thương mại mới là đơn vị trực tiếp giao dịch với dân thông qua mạng lưới của ngân hàng. Để làm được việc này tất nhiên cần đổi mới chính sách về quản lý thị trường vàng.

* Theo ông, chính sách quản lý như thế nào để hạn chế giao dịch vàng miếng?

- NHNN phải thiết kế được cơ chế huy động vốn kinh doanh vàng vật chất và mở rộng kinh doanh vàng trên tài khoản. Việc huy động là tốt nhưng phải biến thành nguồn vốn đưa vào nền kinh tế phục vụ sản xuất, phải có công cụ phái sinh hạn chế rủi ro. Nếu đã huy động thì phải trả lãi cho người gửi vàng.

Đồng thời huy động rồi phải phát hành chứng chỉ bằng vàng. Cơ quan quản lý phải thiết kế thị trường thứ cấp để giao dịch các chứng từ có giá trị bằng vàng. Người ta có thể kinh doanh các chứng chỉ này. Thông lệ quốc tế cũng như vậy. Thêm nữa, việc biến vốn huy động vàng thành tiền để đầu tư cho phát triển phải được tính toán rất kỹ.

* Tức là khi gửi vàng sẽ được hưởng lãi, nhận được chứng chỉ bằng vàng và có thể mua bán?

- Tất nhiên số vàng miếng gửi trong ngân hàng sẽ được hưởng lãi. Và chứng chỉ bằng vàng phải được giao dịch, cầm cố, thế chấp. Tôi bán chứng chỉ giống như tôi bán vàng. Khi giá quốc tế lên thì đương nhiên chứng chỉ đó cũng lên chứ. Hôm nay anh A mua chứng chỉ vàng của anh B, được tính theo giá vàng thế giới 45 triệu đồng/lượng. Đồng thời chứng chỉ đó có nghĩa là tôi cũng có thể thế chấp để vay tiền, thậm chí chuyển nhượng cho người khác… Như thế sẽ hạn chế rủi ro mức thấp nhất.

Nếu lãi suất vàng thấp quá người ta cũng không gửi. Chính sách lãi suất phải hợp lý, theo tôi là cần tương xứng với lãi suất tiền đồng và lãi suất ngoại tệ để người dân có vàng gửi vào ngân hàng không bị thiệt.

* Dự báo diễn biến giá vàng thế giới và trong nước có nhiều biến động trong năm 2012. Theo ông, các nhà đầu tư nên đầu tư vào đâu?

- Tôi khuyên nếu ai có tiền thì tốt nhất nên gửi tiết kiệm, trong bối cảnh lạm phát lên cao, giá vàng “nhấp nhổm”. Nhà đầu tư nên gửi tiết kiệm vì đã đầu tư cái gì lãi suất cao sẽ rủi ro lớn. Riêng đầu tư vàng, nói chung là rủi ro. Được thì rất lớn, rất nhanh nhưng không cẩn thận thì mất cũng rất nhiều.

Theo Lê Thanh – Phạm Phương
Tuổi trẻ

Comments are closed.