HSBC: Doanh nghiệp nên cân nhắc vay vốn trong năm nay

09/02/2012 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

Trong buổi chia sẻ với doanh nghiệp về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2012, do Phòng Thương mại Canada tại Việt Nam (Cancham) tổ chức ngày 7/2, chuyên gia của một số tổ chức tín dụng cho rằng lạm phát của Việt Nam trong năm nay sẽ giảm đáng kể, và tỷ giá sẽ ổn định hơn.

Theo đó, chi phí vốn vay của doanh nghiệp trong năm nay sẽ giảm. Dưới đây là phần trao đổi với ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC (Việt Nam) xoay quanh những dự báo này.

Chỉ số lạm phát của Việt Nam trong cả năm 2012 được HSBC dự báo 12%. Theo ông, dự báo này có lạc quan không khi tỷ lệ lạm phát cao được đánh giá tiếp tục là thách thức lớn cho Việt Nam trong năm 2012?

Không, tôi không nghĩ thế. Tôi thấy mức 12% là có thể thực hiện được. Tôi nghĩ Chính phủ đề ra mục tiêu lạm phát cho năm nay là một con số. Chính phủ có thể làm được điều này, nhưng rất khó.

Tôi nghĩ con số 12% là có thể chấp nhận được, khi so với các nền kinh tế như Thái Lan, Malaysia, Philippines,…. Ở các thị trường tăng trưởng nhanh, lạm phát cao là bình thường. Do đó, Việt Nam có thể hài lòng với mức 12% này.

Trong dự báo của mình, HSBC cũng cho rằng tỷ giá trong năm nay khá ổn định ở mức 21.500 đồng. Dự báo này dựa vào đâu thưa ông?

Việc ổn định tỷ giá là mục tiêu trong năm nay của Chính phủ Việt Nam. Chính phủ đã có cam kết mạnh mẽ về việc giữ ổn định tỷ giá tiền đồng. Áp lực tỷ giá thường là thâm hụt thương mại, và việc nhập khẩu nhiều vẫn đang diễn ra. Tình hình xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang tốt, và đầu tư trực tiếp nước ngoài đang đổ vào đây. Một trong những điều đúng đắn mà Việt Nam làm trong năm vừa rồi là cho phép các ngân hàng tiếp tục cho các doanh nghiệp xuất khẩu vay vốn. Việc này khuyến khích các công ty tiếp tục xuất khẩu để mang về đô la Mỹ. Chúng ta nên đưa ra nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Miễn sao xuất khẩu còn tốt thì áp lực cho tiền đồng sẽ giảm bớt.

Nhưng xuất khẩu trong năm nay có thể gặp khó khăn khi tình hình kinh tế của các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn ảm đạm? Vậy việc này sẽ gây áp lực cho tiền đồng?

Tôi biết khó khăn trong năm 2012, khi nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường đều giảm. Nhu cầu tiêu dùng nhiều nhãn hiệu thời trang hàng đầu của Mỹ, EU đều giảm. Nhưng hãy nhìn Trung Quốc, Bangladesh, Thái Lan, đây là những đối thủ cạnh tranh với Việt Nam. Việt Nam có thể vẫn có tính cạnh tranh cao so với các đối thủ này không? Chúng ta biết ở Trung Quốc hiện nay chi phí lao động trung bình đã tăng cao, trong khi đó Việt Nam vẫn còn lợi thế sản xuất giá rẻ. Do đó, tôi nghĩ đây là cơ hội. Tôi nghĩ rằng cần phải khuyến khích các công ty xuất khẩu, và đó là điều mà Chính phủ Việt Nam đang làm.

HSBC cũng dự báo rằng, việc lạm phát có thể giảm đáng kể trong năm nay sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cắt giảm lãi suất. Vậy doanh nghiệp Việt Nam có nên hy vọng sẽ dễ tiếp cận vốn vay hơn trong năm nay?

Tôi không nghĩ rằng vốn vay (tiền đồng) với lãi suất thấp có thể dễ tiếp cận trong năm nay. Tôi nghĩ rằng lãi suất vốn vay tiền đồng trong năm nay có thể còn khoảng 16-17%/năm. Tuy nhiên, mức 16-17% vẫn còn khá đắt đỏ cho việc kinh doanh của doanh nghiệp.

Do đó, chỉ vay khi các doanh nghiệp thực sự cần vay. Hãy tối đa hóa hiệu quả kinh doanh, cắt giảm bớt chi phí, đảm bảo thanh khoản.

Đừng vay vốn quá nhiều, đây không phải thời điểm tốt để vay. Doanh nghiệp hãy cẩn thận trong năm nay, vì có thể có những thay đổi trên quy mô toàn cầu và nó ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của bạn trong năm nay. Do đó hãy đầu tư vào những gì chắc chắn và có thể thu hồi vốn nhanh.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn TBKTSG

Comments are closed.