Lãi suất và kế hoạch tái cấu trúc ngân hàng

27/02/2012 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

Nếu lãi suất huy động bị đè nén hơn nữa, dưới sự hỗ trợ của lạm phát thấp, các NH sẽ tận dụng để có thêm nguồn lực bù đắp rủi ro trong hoạt động, thay vì ưu tiên hạ lãi suất cho vay.

Nếu không bỏ trần lãi suất huy động

Trong năm nay, thanh khoản vẫn là vấn đề nan giải đối với toàn hệ thống ngân hàng thương mại, do viễn cảnh của thị trường tài chính và môi trường kinh doanh vẫn chứa đựng nhiều bất trắc cùng những thông số không dự báo được. Nợ xấu trong hệ thống, gốc rễ của vấn đề thanh khoản, không dễ dàng giải quyết tính theo đơn vị quý, chừng nào các thị trường tài sản chưa tan băng để hỗ trợ việc giải chấp, khiến tốc độ lưu thông vốn trong nền kinh tế sẽ thấp hơn mức bình thường.

Trong khi đó, nguồn cung thanh khoản trực tiếp từ ngân hàng Nhà nước chỉ mang tính sự vụ, không thể giải quyết dứt điểm vấn đề này. Ngay cả khi ngân hàng Nhà nước có ý định cung ứng một lượng lớn thanh khoản ở kỳ hạn dài, thì bất ổn vĩ mô sẽ nhanh chóng trở lại do lạm phát sẽ bùng lên như cái giá cho nỗ lực cải thiện thanh khoản tạm thời. Điều này sẽ xoá tan mọi nỗ lực bình ổn vĩ mô trong hơn một năm qua, và cùng với nó là những tiền đề cho cải cách.

Cũng vì vậy, diễn biến của lãi suất có thể sẽ không đơn giản là giảm theo kỳ vọng lạm phát, vì theo kinh nghiệm các nước đang phát triển sau khủng hoảng (như Mỹ Latinh), lãi suất thực bị kìm giữ ở mức cao sau nhiều năm do sức ép của những rủi ro trong nền kinh tế vẫn hiện hữu. Cụ thể, xét từ góc độ của hệ thống ngân hàng thương mại, chi phí cho các khoản nợ xấu và nhu cầu dự trữ thanh khoản sẽ đẩy khoảng cách giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay ra lên cao. Do đó, trong bối cảnh này, việc kìm nén lãi suất tiền gửi (như chính sách trần lãi suất tiền gửi) có thể không phát huy được tác dụng làm giảm lãi suất cho vay ra.

Nếu lãi suất huy động bị đè nén hơn nữa, dưới sự hỗ trợ của lạm phát thấp, thì các ngân hàng sẽ lợi dụng cơ hội này để có thêm nguồn lực bù đắp cho những rủi ro trong hoạt động ngân hàng, thay vì đặt ưu tiên hạ lãi suất cho vay lên hàng đầu. Theo nghĩa đó, người gửi tiền bị cưỡng bức chia sẻ chi phí tái cấu trúc các khoản nợ cùng với ngân hàng.

Giới hạn của việc “giải cứu”

Trong chuyện giải quyết thiếu hụt thanh khoản ở từng ngân hàng thương mại, ngân hàng nhà nước (NHNN) nếu dừng lại ở mức hỗ trợ thì là việc bình thường. Vì đây là nơi mà từng ngân hàng thương mại có thể vay nhằm giải quyết thiếu hụt thanh khoản của mình, đồng thời với việc họ sử dụng nhiều cách thức khác trong quản lý tài sản cũng như quản lý nợ để giải quyết vấn đề thanh khoản. Tuy nhiên, thiếu hụt thanh khoản có thể trở thành khủng hoảng vì mang tính dây chuyền và các ngân hàng tốt vẫn có thể bị “liên luỵ” từ đó ảnh hưởng cả thị trường. Đó là lý do để NHNN không phải chỉ hỗ trợ mà là “giải cứu”.

Tình trạng này xảy ra có thể có lý do khách quan, bất khả kháng ví dụ như một sự cố tiêu cực lớn ở một ngân hàng nào đó dẫn đến ảnh hưởng đến cả hệ thống (rút tiền ồ ạt), hoặc khủng hoảng tài chính xuất phát từ khủng hoảng của một vài ngành công nghiệp nào đó mà ngân hàng đầu tư, cho vay nhiều (ví dụ như ngành bất động sản, dầu khí…)

Nếu loại trừ các yếu tố khách quan, khủng hoảng thanh khoản có thể xuất phát từ việc quản lý thanh khoản yếu kém của các ngân hàng thương mại: dùng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn và nghiêm trọng hơn là cho vay cẩu thả làm gia tăng rủi ro tín dụng. Tổn thất tín dụng, nợ xấu sẽ làm ngân hàng mất khả năng thanh khoản, mất vốn. Khủng hoảng thanh khoản hiện nay mang yếu tố chủ quan.

Chưa bàn đến các chính sách tiền tệ, ví dụ lãi suất có hạn chế hiệu quả quản lý thanh khoản của ngân hàng thương mại hay không, câu hỏi vẫn có thể đặt ra ở góc độ các ngân hàng này. Đó là chiến lược và khả năng quản trị thanh khoản ở các ngân hàng thương mại trong điều kiện hiện nay? Bởi vì nếu bản thân các ngân hàng không nâng cao năng lực quản trị trong đó có quản trị thanh khoản thì cái gốc của vấn đề có thể khó giải quyết được.

Hơn nữa, việc “giải cứu” của NHNN nếu không đi kèm với một yêu cầu nào đối với ngân hàng thương mại hoặc quan trọng hơn là nếu không đi kèm với việc tăng cường giám sát các chỉ tiêu quản lý thanh khoản ở các ngân hàng thương mại, thì việc giải cứu sẽ khó mang lại hiệu quả; chưa kể việc giải cứu này còn có thể làm phát sinh tâm lý ỷ lại, hay rủi ro đạo đức trong hệ thống ngân hàng thương mại, khiến các ngân hàng thương mại cho vay bất chấp rủi ro. Vấn đề này sẽ càng nghiêm trọng nếu mầm mống của khủng hoảng thanh khoản không phải từ các ngân hàng thương mại nhỏ mà từ các ngân hàng lớn vì tâm lý luôn chắc chắn có NHNN bảo trợ phía sau.

Theo Nguyễn Đức Thành – Lê Vĩnh Triển

SGTT

Comments are closed.