Ngân hàng 2012: Kỳ vọng mảng đầu tư

30/03/2012 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

Thống đốc NHNN cho biết trong tháng 9 tới sẽ “chốt” làm việc với 9 TCTD yếu kém. Theo đó, nếu TCTD nào không trình phương án hợp nhất, sáp nhập khả thi, NHNN sẽ tiến tới bắt buộc hợp nhất, sáp nhập.

Ưu tiên chứng khoán nợ

Hôm qua 28-3, tại ĐHCĐ của NH Bản Việt (VietCapital Bank – VCCB), ông Đỗ Duy Hưng, Tổng giám đốc VCCB, cho biết năm 2012 VCCB sẽ tăng trưởng tín dụng tối đa 17% so với năm trước, tương đương dư nợ đạt 5.125 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, VCCB có kế hoạch gửi vốn có kỳ hạn trên thị trường liên NH tăng 119% so với năm trước, tương đương 8.000 tỷ đồng (năm ngoái ở mảng kinh doanh này NH gửi 3.660 tỷ đồng, tăng 121% so với năm 2010, với lãi suất gửi vốn bình quân 12,36%/năm).

Đây là khoản kinh doanh ngắn hạn từ nguồn vốn nhàn rỗi với mục đích tăng thêm lợi nhuận. Đặc biệt, với mảng đầu tư, kinh doanh chứng khoán năm nay VCCB có kế hoạch tăng đến 133%, tương đương 13.628 tỷ đồng (năm ngoái tăng 301%, tương đương 5.859 tỷ đồng).

Trong đó, dự kiến chứng khoán vốn chiếm 1,3%, chứng khoán nợ chiếm 98,7%. Theo ông Hưng, ngoài hoạt động cho vay các khoản đầu tư dài hạn, trái phiếu chính phủ (TPCP) đã được thực hiện trong năm 2011, năm nay NH sẽ tìm kiếm đối tác có tiềm năng để đầu tư chứng khoán nợ bằng nguồn vốn huy động và nguồn vốn tự có với mục đích đa dạng tài sản có sinh lời, đồng thời tối đa hóa hiệu quả vốn huy động.

Trước đây, để lách hạn mức tăng trưởng tín dụng, nhiều NHTM đã đổ vốn vào lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp. Năm nay trái phiếu doanh nghiệp được tính vào hạn mức dư nợ tín dụng buộc các NHTM sẽ phải ưu tiên vốn vào lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán.

Theo một chuyên gia NH, mảng đầu tư, kinh doanh chứng khoán năm nay vẫn có cơ hội tăng trưởng, nhất là với chứng khoán nợ bao gồm TPCP, tín phiếu của NHNN… Bởi lẽ lãi suất huy động từ nay đến cuối năm sẽ giảm xuống 10%/năm theo lộ trình của NHNN, nên mua TPCP, tín phiếu lãi suất 11-12%/năm các NHTM không chỉ lợi về lãi suất mà còn dễ dàng thế chấp vay vốn trên thị trường mở để giải quyết nhu cầu thanh khoản khi cần.

Đặc biệt, trước tình hình dư tiền hiện nay tại các NHTM lớn, NHNN phát hành tín phiếu với lãi suất hấp dẫn nhằm hút lượng vốn khả dụng này, sau đó điều hòa trở lại cho các NHTM nhỏ thiếu thanh khoản qua biện pháp tái cấp vốn. Điều này sẽ giúp các NHTM nhỏ không phải huy động bằng mọi giá, đồng thời cũng không phải vay trên thị trường liên NH.

Đầu tư vào NH bằng hợp nhất, sáp nhập

Bên cạnh đẩy mạnh mảng đầu tư, năm nay có một điểm mới trong ĐHCĐ của các NHTM là mở cửa cho ý đồ hợp nhất, sáp nhập. Cụ thể, ĐHCĐ vừa qua của Maritime Bank, bên cạnh trình kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 8.000 tỷ đồng lên 9.000 tỷ đồng bằng việc phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ nguồn thặng dư vốn cổ phần, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận để lại, Maritime Bank còn trình ĐHCĐ việc ủy quyền cho HĐQT quyết định phương án góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng (TCTD) khác có giá trị từ 20% vốn điều lệ của NH này.

VCCB cũng trình cổ đông ủy quyền cho HĐQT lựa chọn và tiến hành thực hiện các nội dung liên quan đến hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức pháp lý NH trên cơ sở có lợi nhất cho cổ đông và NH.

Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, cho biết trong ĐHCĐ ngày 30-3 tới đây, DongA Bank sẽ xin ý kiến chủ trương về việc chủ động tìm kiếm các cơ hội phát triển thông qua hợp tác, sáp nhập song song với chiến lược phát triển bằng nguồn nội lực của mình.
Tuy nhiên, ông Bình cho biết DongA Bank chỉ tiến hành hợp nhất, sáp nhập sau khi đã bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài.

Mới đây Thống đốc NHNN cho biết trong tháng 9 tới sẽ “chốt” làm việc với 9 TCTD yếu kém. Theo đó, nếu TCTD nào không trình phương án hợp nhất, sáp nhập khả thi, NHNN sẽ tiến tới bắt buộc hợp nhất, sáp nhập. Trước đó, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 06 về cơ chế cho vay đặc biệt của NHNN, TCTD với các TCTD yếu kém, trong đó mở cơ chế cho các TCTD có thể góp vốn trở thành cổ đông thông qua cơ chế cho vay đặc biệt.

Theo một chuyên gia NH, cơ chế, hành lang pháp lý để góp vốn, mua bán, hợp nhất đã có, nên năm nay sẽ là thời điểm để các NHTM có vốn lớn tham gia vào quá trình tái cơ cấu các NHTM yếu kém. Dù hoạt động này có thể chưa đem lại lợi nhuận trước mắt cho các NHTM, nhưng về dài hạn đây là cơ hội lớn để các NHTM khẳng định tầm vóc và sức mạnh của mình trên thị trường tài chính.

Một lãnh đạo NH cổ phần thừa nhận đầu tư vào lĩnh vực NH trong bối cảnh hiện nay vẫn an toàn và không rủi ro, bởi lẽ bên cạnh các NHTM tham gia góp vốn còn có sự giám sát chặt chẽ của NHNN.
Vì thế, các NHTM nào không chủ động đẩy mạnh củng cố quy mô, thị phần thì với áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, khả năng sau năm 2015 sẽ bị các NHTM khác thâu tóm, sáp nhập là điều không tránh khỏi.
Theo Thanh Thiên Sài gòn đầu tư

Comments are closed.