NHNN đã thay đổi cách “giao tiếp” với thị trường

30/03/2012 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

Trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng, Giáo sư – Tiến sĩ Andreas Hauskrecht đưa ra những nhận định rất khả quan về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2012. Ông cũng cho rằng, với sự thay đổi trong cách “giao tiếp” với thị trường, thời gian qua NHNN đã lấy lại uy tín của mình rất đáng kể.

Lãi suất sẽ còn giảm

Một cách khái quát, ông nhận định như thế nào về điều hành chính sách tiền tệ  (CSTT) của NHNN thời gian qua?

Một điểm mới trong điều hành CSTT thời gian qua, đó là NHNN có xu hướng điều hành theo thực tế thị trường; thông báo trước về các chính sách và thể hiện sự cam kết đối với chiến lược mình đã đưa ra. Đây cũng đang là xu hướng điều hành của các NHTW trên toàn thế giới.

Ví dụ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong những năm vừa qua cũng rất nỗ lực để thay đổi cách họ “giao tiếp” với thị trường, hoàn toàn khác hẳn so với cách của những năm 90. Mục tiêu cuối cùng của các NHTW là để cho các chính sách trở nên minh bạch hơn, và cũng để tăng tính khả đoán của thị trường đối với CSTT. NHNN Việt Nam cũng vậy, điều này giúp NHNN tăng uy tín; và giúp cho phản ứng của thị trường không quá đột ngột. Tôi hoàn toàn khuyến khích cách làm này. Nếu quan sát những động thái gần đây của NHNN Việt Nam ta thấy đều rất nhất quán với những mục tiêu họ đặt ra là giữ tỷ giá ổn định, đồng thời giảm lạm phát và chống đô la hóa (ĐLH). Vì thế, tôi nghĩ rằng trong thời gian qua NHNN đã lấy lại được uy tín của mình rất đáng kể.

Vậy theo Giáo sư lãi suất có tiếp tục giảm trong dài hạn?

Chính sách lãi suất mà NHNN Việt Nam theo đuổi hướng đến mục tiêu giảm lạm phát. Trong những tháng vừa qua chúng ta có thể thấy lạm phát đã có mức giảm đáng kể. Tôi kỳ vọng xu hướng này sẽ còn tiếp tục cho đến hết năm 2012. Xu hướng giảm của lạm phát có thể thấy cũng đang diễn ra ở Mỹ, châu Âu và cả Trung Quốc. Tại thời điểm này, chỉ có một yếu tố duy nhất khó dự đoán đó là giá dầu – vốn đang bị ảnh hưởng rất lớn từ những diễn biến chính trị trên thế giới. Vì thế, rất khó để đưa ra dự đoán về mức giá cả trên thế giới trong năm 2012.

Tuy nhiên, đối với Ngân hàng Trung ương thì chỉ số CPI lõi (không bao gồm giá lương thực, thực phẩm và năng lượng), là một chỉ số rất quan trọng. Và tôi cho rằng chỉ số này của Việt Nam trong năm 2012 sẽ giảm mạnh so với năm trước đó. Tóm lại, mọi việc đang diễn biến theo chiều hướng tốt đẹp, và điều này có sự đóng góp rất lớn của việc tỷ giá giữa đồng VND và USD ổn định. Nhưng, đối với  CSTT thì lạm phát kỳ vọng cũng quan trọng không kém. Mức lạm phát kỳ vọng ở Việt Nam hiện vẫn còn khá cao, thể hiện ở nhiều yếu tố; trong đó có yếu tố tăng trưởng tiền gửi những tháng vừa qua vẫn còn khá thấp. Song, tôi rất tin tưởng, trong những tháng tới mức lạm phát thực tế cũng như lạm phát kỳ vọng sẽ giảm hơn nữa, dẫn tới lãi suất sẽ còn giảm.

3%: “điểm vàng” để điều chỉnh tỷ giá

Thống đốc NHNN cho biết, từ nay đến cuối năm nếu có, tỷ giá VND/USD sẽ chỉ được điều chỉnh trong biên độ 3%. Ông nghĩ sao về con số này?

Theo tôi, biên độ này nhỏ, không gây ra xáo trộn quá lớn trên thị trường. Ngay cả dưới chế độ bản vị vàng cổ điển thì tỷ giá cũng có thể biến động trong một phạm vi nhất định, mà người ta gọi là “điểm vàng”. Phạm vi 3% là hoàn toàn hợp lý đối với một nền kinh tế như Việt Nam.

Trong chính sách ngoại hối, việc ổn định tỷ giá danh nghĩa là điều vô cùng quan trọng. Tôi hoàn toàn phản đối bất cứ ý tưởng nào sử dụng tỷ giá như một công cụ chính sách trong bối cảnh hiện nay; hơn nữa, trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, điều này cũng không cần thiết. Kết quả xuất khẩu của Việt Nam năm 2011 rất tuyệt vời, và tôi cũng kỳ vọng năm 2012 cũng sẽ diễn biến tốt. Việc phá giá đồng Việt Nam trong quá khứ đã tác động mạnh lên lạm phát và gây ra những vấn đề không nhỏ cho hệ thống tài chính và cả những người đi vay ròng bằng USD. Một tỷ giá danh nghĩa ổn định cũng là yếu tố quan trọng trong chiến lược chống ĐLH. Khi đã chống ĐLH thành công, chúng ta có thể bàn đến các phương án khác.

Thưa ông, chống ĐLH trong nền kinh tế là việc Việt Nam đã, đang làm nhiều năm nay. Với kinh nghiệm của mình, ông có lời khuyên gì?

Tôi biết, chính phủ và NHNN Việt Nam đang đặt ra mục tiêu chống ĐLH cũng như hạn chế tiền tệ hóa việc sử dụng vàng. Điều này rất quan trọng đối với CSTT, nó sẽ cho phép Việt Nam có thêm nhiều lựa chọn hơn trong CSTT và tỷ giá.

Các yếu tố quan trọng nhất trong việc giảm tình trạng ĐLH ở Việt Nam, theo tôi, thứ nhất: củng cố vị thế và ổn định được giá trị đối nội và đối ngoại của VND. Có nghĩa là phải giảm được lạm phát kỳ vọng và ổn định tỷ giá danh nghĩa giữa VND và USD. Đây được coi là xuất phát điểm cơ bản cho các yếu tố khác. Nếu đạt được điều này thì tình trạng cho vay bằng ngoại tệ hoặc vàng cũng sẽ giảm đáng kể. Tôi thấy NHNN đã có những động thái hướng đến mục tiêu này, đặc biệt qua những văn bản về quản lý ngoại tệ vừa ban hành. Thay vì cho vay ngoại tệ, chúng ta sẽ chuyển sang mua bán ngoại tệ. Ngoài ra, lãi suất huy động vàng và đô la cũng phải được giảm hơn nữa, mục đích cuối cùng là giảm về bằng 0. Tuy nhiên, cũng phải chú ý rằng, mục tiêu chống ĐLH và chống tiền tệ hóa vàng sẽ không thể đạt được trong thời gian ngắn. Chúng ta cần có kế hoạch, chiến lược cho một quãng thời gian dài hơi. Nhưng tôi khá  lạc quan và tin tưởng NHNN sẽ cam kết mạnh mẽ để theo đuổi mục tiêu này. Trên thế giới có Brazil trước đây vốn là một quốc gia có đồng nội tệ cũng như hệ thống ngân hàng rất yếu kém, song đến nay họ đã đẩy lùi được tình trạng ĐLH và đang có một đồng nội tệ rất mạnh. Điều này đưa tôi đến yếu tố thứ hai, đó là củng cố hệ thống ngân hàng. Nếu một nước có hệ thống ngân hàng khỏe mạnh và ổn định thì người dân sẵn sàng đem tiền gửi vào ngân hàng. Và một khi tiết kiệm bằng đồng nội tệ hấp dẫn, họ sẽ chuyển từ đô la, vàng sang đồng tiền nội tệ. Như vậy cơ bản là chính thị trường sẽ có lợi trong quá trình này. Tôi hy vọng trong những năm tới Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo con đường này.

Một hệ thống ngân hàng khỏe mạnh, ổn định chính là mục tiêu hướng đến của Đề án cơ cấu lại hệ thống ngân hàng vừa được Chính phủ thông qua, thưa ông?

Tôi có biết đề án này. Có nhiều lý do dẫn đến việc chúng ta phải cải tổ hệ thống ngân hàng Việt Nam. Vì một số lượng khá lớn các ngân hàng quy mô nhỏ sẽ dẫn đến bất cập trong việc thanh tra giám sát các ngân hàng. Bên cạnh đó, chương trình hỗ trợ lãi suất 4% hồi năm 2009 đã tạo ra tăng trưởng tín dụng nóng và những bong bóng tài sản trên thị trường chứng khoán cũng như bất động sản, đã tác động tiêu cực đến hệ thống ngân hàng. Vì vậy, theo tôi chương trình tái cấu trúc ngân hàng và các TCTD cần chú ý đến ba trụ cột chính: Thứ nhất đó là hợp nhất, củng cố các ngân hàng. Cụ thể là phải bắt đầu ngay một quá trình sáp nhập, mua bán các ngân hàng để giảm số lượng các ngân hàng quá nhỏ. Thứ hai, cung cấp đủ thanh khoản cho hệ thống thông qua các công cụ của CSTT, để hệ thống có đủ thanh khoản và lượng thanh khoản này được lưu thông suôn sẻ. Thứ ba, xây dựng mô hình giải quyết vấn đề nợ xấu, bao gồm thành lập một tổ chức xử lý nợ mang tính chất tập trung và phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa NHNN và Bộ Tài chính.

Theo tôi, việc đề án yêu cầu tỷ lệ nợ xấu của các NHTM nhà nước ở mức dưới 3% là một con số tuyệt vời. Nhưng vấn đề là khi đã đạt được rồi thì phải làm thế nào để giữ được tỷ lệ này. Trong thời gian qua, GIZ đã  tư vấn cho NHNN ban hành một số văn bản quy định về kiểm soát, kiểm toán nội bộ của TCTD. Với sự tư vấn, hỗ trợ của GIZ, sắp tới NHNN sẽ ban hành quy chế về các yêu cầu tối thiểu về quản trị rủi ro. Tất cả những quy chế chính sách này đều đóng vai trò vô cùng quan trọng để bảo đảm an toàn và sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng.

Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho chúng tôi!

Giáo sư – Tiến sĩ Hauskrecht là chuyên gia điều phối chuyên môn của Hợp phần “phát triển hệ thống tài chính” trong Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô của GIZ tại Việt Nam. Nhiều năm qua, với các nghiên cứu chuyên sâu, Giáo sư đã tư vấn và đóng góp nhiều ý kiến cho lãnh đạo Đảng và Chính phủ, NHNN, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia… Cùng với các chuyên gia của GIZ, Giáo sư đã có đóng góp tích cực vào cải cách hệ thống ngân hàng nói riêng và xây dựng thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, trái phiếu của Việt Nam nói chung.

Song Ngân thực hiện

THỜI BÁO NGÂN HÀNG

Comments are closed.