Các ngân hàng lớn của châu Âu “chê” nguồn vốn giá rẻ từ ECB

03/04/2012 // No Comment // Categories: Tin thế giới.

Một quan chức cấp cao cho biết một loạt ngân hàng lớn tại châu Âu bao gồm UniCredit của Italia, BNP Paribas của Pháp , Société Générale và La Caixa của Tây Ban Nha đang chuẩn bị hoàn lại tới 1/3 tổng số tiền họ đã vay từ ECB – ước tính từ 80-100 tỷ euro (106-133 tỷ USD) – trong vòng 12 tháng tới.

Hoạt động tái cấp vốn dài hạn (LTRO) đã được hoan nghênh rộng rãi như một biện pháp chính sách then chốt của Mario Draghi, Chủ tịch ECB, nhằm trấn an thị trường tài chính khu vực đồng euro. Cơ chế này, được đưa ra cuối tháng 12/2011 và lặp lại lần hai trong tháng 2/2012, đã giải ngân tới 1 nghìn tỷ euro từ ECB cho hàng trăm ngân hàng khắp châu Âu với lãi suất chỉ 1%.

Các khoản vay này sẽ đáo hạn vào tháng 12/2014 và tháng 2/2015. Tuy nhiên, theo quy định, các ngân hàng thương mại có quyền trả lại khoản vay sau 12 tháng đầu tiên, tức là tháng 12 năm nay.

Việc trả nợ trước hạn này đã có tiền lệ với các ngân hàng Mỹ trong năm 2009, khi họ mong hoàn lại các gói cứu trợ của chính phủ sớm nhất có thể.

LTRO được coi là đã giúp giảm nhẹ áp lực lên các ngân hàng thương mại trong khu vực đồng euro trong bối cảnh tính thanh khoản hệ thống bị đe dọa, từ đó giúp mở cửa trở lại thị trường tài trợ thương mại.

Tuy nhiên, sau tình trạng huy động phi trái phiếu kéo dài trong nửa cuối năm 2011, các ngân hàng lớn nhất của châu Âu đã bán bán ra một loạt trái phiếu trong quý đầu tiên của năm 2012, mặc dù lượng phát hành vẫn thấp hơn khối lượng trung bình.

Mặc dù nhiều lợi ích từ LTRO, một số người đã bày tỏ hoài nghi rằng cơ chế này trong ngắn hạn, sẽ làm giảm khả năng phát hành tín phiếu của các ngân hàng, khiến hệ thống này đối mặt với rủi ro tái huy động vốn sau 3 năm.

Giám đốc điều hành của một ngân hàng châu Âu cho biết: “Có hai lý do để trả nợ sớm. Trước tiên, tôi không nghĩ rằng sẽ là khôn ngoan khi chúng tôi trả tất cả cùng một lúc sau thời gian 3 năm. Thứ hai, chúng tôi cần nguồn tài chính dài hạn hơn 3 năm. Chúng tôi đã cố gắng huy động thêm nguồn vốn dài hạn trong nhiều tháng qua, bất chấp chi phí phải trả tăng hơn nhiều.”

Một số ngân hàng cũng đang tìm kiếm nguồn tài trợ thương mại dài hạn. BNP là một ví dụ, 60% trong chương trình huy động 20 tỷ euro hàng năm của ngân hàng này là thông qua các giao dịch tư, và với thời gian đáo hạn trung bình là 6 năm.

Tuy vậy, không phải tất cả các ngân hàng đều có kế hoạch trả lại tiền LTRO sớm. Deutsche Bank và Lloyds cùng một số khác, đã tuyên bố họ sẽ vẫn tiếp tục giữ nguồn vốn giá rẻ từ ECB trong vòng 3 năm tới.

Theo TTVN/FT

Comments are closed.