Tăng định hướng cho sóng giảm lãi suất

27/04/2012 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

Chỉ trong một thời gian ngắn, mặt bằng lãi suất chứng kiến sự sụt giảm mạnh và đồng loạt trên nhiều thị trường khác nhau.

Diễn biến này cho thấy với tính định hướng của các mức lãi suất chủ đạo ngày càng tăng lên, mặt bằng lãi suất sẽ dần lấy lại trạng thái vận động theo cung cầu.

Chỉ dấu thanh khoản

Số liệu phân tích từ hàng loạt các tổ chức đầu tư cho thấy, trong tuần qua, lãi suất liên ngân hàng (NH) tiếp tục giảm mạnh ở hàng loạt kỳ hạn. Trong đó lãi suất suất kỳ hạn qua đêm phổ biến ở mức 5-6%/năm, kỳ hạn 1 tuần dao động quanh 5,5-7%/năm, kỳ hạn 2 tuần khoảng 6-8% và kỳ hạn 1 tháng duy trì ở mức 9-10%/năm. Tính chung cho toàn bộ các kỳ hạn giao dịch, mặt bằng lãi suất liên NH tuần qua tiếp tục giảm khoảng 0,5-1% so với cuối tuần trước. Phần nhiều các ý kiến đánh giá đều cho rằng, thanh khoản tiền đồng của hệ thống NH đang khá dồi dào là lý do giải thích cho sự sụt giảm này. Đặc biệt khi NHTM bị hạn chế tăng trưởng tín dụng cũng như lượng khách hàng đáp ứng được điều kiện vay vốn, trong khi lượng tiền gửi có xu hướng tăng trong 3 tháng đầu năm.

Bên cạnh đó, dù thực hiện hút ròng trên thị trường mở (OMO) và bán tín phiếu NHNN lên tới 63.000 tỉ đồng, NHNN vẫn thực hiện mua vào khoảng gần 6,5 tỉ USD (tương đương với hơn 130 nghìn tỉ). Do đó theo các tính toán, lượng tiền còn dư thừa trong hệ thống cũng lên tới 67 nghìn tỉ đồng.

Song theo một tổ chức đầu tư, tình trạng thanh khoản cải thiện chủ yếu tập trung ở nhóm các NH tốt nhất và là những thành viên chính của thị trường liên NH. Trong khi đó với các NH nhỏ, gặp khó khăn trong huy động cũng như trả nợ khi vay vốn, chưa thể tham gia hoặc không là thành viên chính thức của thị trường.

Chính vì vậy, “việc lãi suất liên NH hạ cũng chưa thực sự phản ánh hiện trạng chung của hệ thống NH hay lãi suất liên NH chưa phát huy vai trò một lãi suất chỉ báo tốt trong điều hành chính sách lãi suất”, một tổ chức đầu tư nhận định. Không chỉ đích danh song tổ chức trên đưa thông tin, cho đến thời điểm hiện tại khi trần lãi suất hạ 2% từ 14% xuống 12%, một số NH vẫn có hiện tượng huy động vượt trần do những khó khăn thanh khoản.

Theo đó, bài toán về cải thiện thanh khoản sẽ cần tiếp tục được thúc đẩy tích cực trong mối liên hệ chặt chẽ với nhu cầu tái cấu trúc NHTM. Trong thời điểm hiện nay, việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, phát hành trái phiếu quốc tế và sáp nhập là 3 phương án tăng vốn phổ biến nhất cho NH hiện nay. Khi đưa nhận định này, tổ chức đầu tư nói trên cho rằng, nên có sự can thiệp của NHNN để lộ trình tái cấu trúc được minh bạch và mang tính định hướng. “Đến khi đó, các lãi suất điều hành cũng sẽ đưa đến chỉ báo tốt hơn về xu hướng thị trường, hơn là ý nghĩa mệnh lệnh hành chính”.

Củng cố xu hướng hạ lãi suất

Cùng với thanh khoản ngân hàng, diễn biến thực tế của lạm phát trong thời gian tới đây sẽ là yếu tố quan trọng tác động tới xu hướng giảm lãi suất trên thị trường. Chính vì thế, thông tin CPI tháng 4 ở mức thấp (dự báo dưới 0,16%) sẽ tiếp tục hỗ trợ cho xu hướng hạ lãi suất. Một đánh giá cho rằng, tính đến khả năng điều chỉnh tăng các yếu tố đầu vào như điện, xăng dầu và than, lạm phát sẽ không phải là vấn đề lớn của năm 2012 và khả năng sẽ hạ về mức 8-9% cuối quý II là hoàn toàn khả thi khi giá lương thực thực phẩm thế giới chưa ra khỏi chu kỳ điều chỉnh. Thêm vào đó, trên một số thị trường khác, xu hướng lãi suất thực tế cũng đang trở nên rõ ràng hơn.

Cùng với xu hướng sụt giảm của mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất trên thị trường liên NH, lãi suất tín phiếu kỳ hạn 28 ngày (1 tháng) và 91 ngày (3 tháng) trên thị trường mở cũng ghi nhận sự giảm mạnh trong tuần qua. Cụ thể, lãi suất tín phiếu kỳ hạn 1 tháng giảm 2,51%/năm từ mức 10%/năm xuống mức 7,49%/năm và lãi suất tín phiếu kỳ hạn 3 tháng cũng giảm 0,5% từ mức 10,75%/năm xuống 10,24%/năm. Đáng chú ý, dù lãi suất liên tục giảm, nhiều NH vẫn tiếp tục mua vào tín phiếu và diễn này cho thấy việc đầu tư vào trái phiếu vẫn đang được nhiều NH lựa chọn trong bối cảnh thanh khoản tiền đồng đang dồi dào và hoạt động cho vay chưa có sự cải thiện rõ rệt.

Tương tự trên thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP), lãi suất TPCP kỳ hạn 1 năm, 3 năm, 5 năm và 10 năm tuần qua giảm lần lượt 9 điểm, 32 điểm, 31 điểm và 37 điểm. Theo một đánh giá, thực tế này là kết quả rất khả quan của quá trình điều hành chính sách vĩ mô, ảnh hưởng trực tiếp đến việc điều tiết lạm phát của Chính phủ. Ngay đợt điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu ngày 20.4 vừa qua, được dự báo sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp làm tăng CPI thêm khoảng 0,3% song chưa gây áp lực lớn lên lạm phát.
Nhiều nhận định tin rằng, tình hình lạm phát trong thời gian ngắn tới đây sẽ tiếp tục giữ được sự ổn định ở mức thấp và lãi suất TPCP vì thế được kỳ vọng sẽ còn giảm nhẹ trong các tuần tới. Với một loạt các dấu hiệu tích cực trên đây, các lãi suất chủ chốt của chính sách tiền tệ được kỳ vọng sẽ phát huy vai trò định hướng với lãi suất thị trường tiền tệ, phản ánh thực chất diễn biến cung – cầu của thị trường tiền tệ và để đáp ứng tốt nhất các nhu cầu vay của DN.

Theo laodong

Comments are closed.