Vì sao dòng tiền ngắn hạn vẫn đổ vào chứng khoán

09/05/2012 // No Comment // Categories: Tin tiêu điểm, Vinafins Workshop.

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê, Bộ KHĐT thì tổng số doanh nghiệp đã thực hiện việc giải thể và dừng hoat động tiếp tục tăng nhanh chóng lên 17.735 doanh nghiệp, tăng 9,5% so cùng kỳ năm 2011. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh có 5.822 doanh nghiệp với 808 doanh nghiệp đã giải thể, 5.014 doanh nghiệp dừng hoạt động. Hà Nội có 3.538 doanh nghiệp với 319 doanh nghiệp đã giải thể, 3.219 doanh nghiệp dừng hoạt động.

Như vậy, tính đến hết ngày 30/4/2012, trong tổng số 647.627 doanh nghiệp đã được thành lập, cả nước còn 463.802 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm tỉ lệ 71,6%, có 81.929 doanh nghiệp đã giải thể, 16.075 doanh nghiệp đã đăng ký dừng hoạt động và 85.821 doanh nghiệp dừng hoạt động nhưng không đăng ký. Mức 71,6% doanh nghiệp còn hoạt động trên tổng số đã thành lập từ khi đổi mới kinh tế cho đến nay, theo Bộ KHĐT là tỷ lệ chấp nhận được ở mức trung bình so với thế giới.

Tình hình trên cho thấy các doanh nghiệp Việt nam đang phải đối mặt với tình hình vĩ mô và thị trường trong nước, nước ngoài hết sức khó khăn. Đây là cái giá phải trả cho năm 2011 thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt.

Các chính sách tiền tệ và tài chính gần đây của chính phủ cho thấy chủ trương giải cứu các doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng hiện nay. Có làm được điều này thì chính phủ mới đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 5% đề ra.

Về mặt chính sách tiền tệ, tâm điểm vẫn là việc hạ mặt bằng lãi suất để làm sao đưa được dòng vốn giá rẻ đến với doanh nghiệp. Việc khống chế trần lãi suất huy động và tiếp theo là khống chế trần lãi suất  cho vay là nhằm mục tiêu này. Về cơ bản nhiệm vụ hạ mặt bằng lãi suất xuống là đã thực hiện được. Tuy nhiên dòng vốn giá rẻ có đến được doanh nghiệp hay không, các NH có tăng trưởng được tín dụng hay không vẫn là câu hỏi được bỏ ngỏ, sẽ được trả lời trong những tháng tiếp theo đây.

Về chính sách tài khóa, Bộ tài chính đang đưa ra các gói hỗ trợ kích thích kinh tế. Đây mới là những gói mang tính phụ trợ ở vòng ngoài mà chưa “ đánh” thẳng vào doanh nghiệp. Bằng cách giảm thuế, giãn thuế, ra hạ các khoản nợ vay của chính phủ… mua lại các khoản nợ xấu của các doanh nghiệp đang ở giai đoạn mới bắt đầu.

Như vậy có thể thấy rằng, để dòng vốn giá rẻ đến doanh nghiệp, cần thêm một vài tháng nữa để doanh nghiệp có đủ sức khỏe tiếp nhận dòng vốn này. Hay nói cách khách chính phủ cần có thêm các gói tài chính hỗ trợ trực tiếp để các doanh nghiệp ốm yếu có thể tiếp nhận dòng vốn một cách có hiệu quả. Một cơ thể yếu muốn vực dậy cần được các thuốc hỗ trợ trực tiếp đủ để có thể trạng tiếp nhận các nguồn dinh dưỡng phục hồi sức khỏe.

Rõ ràng rằng, lãi suất hạ nhanh không tương xứng với tình hình tiếp nhận vốn của doanh nghiệp. Hệ thống Ngân hàng sẽ gặp khó khăn cho vay đầu ra trong thời gian ít nhất là 2 tháng tới. Nếu không có giải pháp kịp thời, Ngân hàng sẽ lại rơi vào tình trạng cho vay rủi ro để giải tỏa nguồn vốn giá rẻ. Và như vậy, hệ thống NH sẽ còn càng trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên kịch bản này cũng không quá cao, vì hiện tại nợ xấu trong các NH còn đang rất cao. Nên việc cho vay vốn giá rẻ sẽ có tác dụng trước hết là cho vay đảo nợ, giãn nợ… mà chủ yếu để cứu bảng cân đối tài sản của NH.

Trong khi doanh nghiệp chưa thể hấp thụ ngay được nguồn vốn, và trong khi NH chưa sẵn sàng cho các doanh nghiệp ốm yếu vay, thì dòng tiền khả năng cao sẽ được đổ vào lĩnh vực chứng khoán. Có một số lý do để có thể khẳng định chắc chắn điều này:

Thứ nhất, dù trong bối cảnh nào, chứng khoán vẫn là những tài sản có khả năng thanh khoản cao hơn các tài sản hữu hình khác. Việc quản lý đối với NH cũng sẽ đơn giản hơn về mặt qui trình. Việc định giá cho vay cũng thuận lợi hơn và nhanh chóng hơn. Đó là lý do mà Ngân hàng sẽ dễ chấp nhận tài sản này để thực hiện các hợp đồng cho vay.

Thứ hai, Chứng khoán vẫn là kênh gián tiếp dẫn đến doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng thích qua kênh này để đưa vốn vào doanh nghiệp một cách nhanh chóng hơn mà không phải qua hệ thống hàng rào kỹ thuật trước khi cho vay của Ngân hàng.

Thứ ba, như phần trên đã đề cập, với xu hướng lãi suất hạ nhanh, các Ngân hàng sẽ chịu áp lực về việc phải cho vay ngay nếu không lãi suất tiếp tục hạ, thì lãi suất đầu ra ( cho vay sẽ còn phải hạ nữa) nên nhu cầu cho vay của NH ngày càng trở nên bức thiết. Dựa trên các nguyên nhân (1) và (2) nêu trên, NH nhiều khả năng sẽ nhanh chóng cung ứng vốn ra thị trường qua kênh tài trợ đầu tư chứng khoán dưới nhiều hình thức lách luật khác nhau. Hoạt động này của Ngân hàng nếu có xảy ra thì cũng hoàn toàn  phù hợp với lợi ích chung của doanh nghiệp, của nhà đầu tư và dẫn đến lợi ích chung của toàn xã hội.

Trên cơ sở đánh giá như trên, nhóm nghiên cứu của Vinafins tiếp tục khẳng định và giữ quan điểm, chứng khoán sẽ còn tiếp tục lên trong vòng 1 – 2 tháng tới nhờ dòng tiền ngắn hạn tiếp tục đổ vàochứng khoán từ hệ thống ngân hàng bất chấp tình trạng doanh nghiệp phá sản, đình đốn, tạm dừng sản xuất vẫn có chiều hướng gia tăng. Chính dòng tiền qua kênh chứng khoán đến với doanh nghiệp là một trong những cứu cánh giúp doanh nghiệp khôi phục và phục hồi nhanh nhất có thể.

Theo Vinafins

Comments are closed.