Đường sắt cao tốc Trung Quốc: Thua lỗ vẫn bành trướng

27/01/2011 // No Comment // Categories: Tin khu vực.

Cuộc di dân thường niên vĩ đại nhất của nhân loại chính là hành trình về quê ăn tết nguyên đán của người dân Trung Quốc. Cơ quan hỏa xa Trung Quốc cho biết khoảng 230 triệu người Trung Quốc sẽ đi lại dịp này bằng tàu hỏa, tăng 12,5% so với Tết năm trước. Nhưng bao nhiêu người sẽ mua vé tàu lửa cao tốc?

Tàu cao tốc ế, xe buýt lên ngôi

Với 8.358 km, Trung Quốc hiện có hệ thống đường sắt cao tốc dài nhất thế giới. Nhưng càng mở nhiều dịch vụ thì tàu cao tốc càng ít có hành khách thường xuyên và lại càng ít những chuyến tàu giá rẻ. Đặc biệt trong mùa thiên di năm nay, kéo dài từ 19.1 đến 27.2, những hành khách có ý thức tiết kiệm luôn tránh xa tàu cao tốc.

Tàu cao tốc chỉ thành công trong việc lấy mất hành khách của hãng hàng không quốc gia, còn thường dân Trung Quốc vẫn thích tiết kiệm tiền hơn tiết kiệm thời gian. Giá vé rẻ nhất của tàu cao tốc tuyến Bắc Kinh-Thiên tân là 58 tệ, bằng 3/4 lương công nhật của một công nhân.

Khi các tuyến tàu chậm giảm xuống để nhường cho tàu cao tốc phát triển, xe buýt đường dài lại trở thành phương tiện thiên di chính trong mùa này. Trong khi bộ Hỏa xa tỏ vẻ lạc quan với con số 230 triệu người sẽ đi tàu hỏa, bộ Giao thông cùng thời điểm này công bố có tới 2,6 tỷ chuyến xe buýt sẽ xuôi ngược Trung Quốc trong cùng thời điểm trước và sau Tết, tăng 11.6% so với cùng kỳ năm trước.

Dự án chính trị

Những tuyến đường sắt cao tốc chưa bao giờ chạy hết công suất hành khách vì giá vé cao. Với phí tổn đầu tư 21.55 tỷ nhân dân tệ, tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Thiên Tân là tuyến đầu tiên được xây dựng.

Hoạt động từ 2008, tuyến đường sắt cao tốc này không biết bao giờ có đủ số hành khách để hòa vốn chứ đừng nói đến có lãi. Tuyến Thạch Gia Trang-Thái Nguyên hoạt động từ tháng 4.2009, trong năm đầu tiên đã thua lỗ 800 triệu tệ và năm kế tiếp không dưới 900 triệu tệ.

Ước tính phải ít nhất 20 năm nữa các tuyến đường sắt cao tốc ở Trung Quốc hiện thời mới hòa vốn, nếu không phát triển thêm. Chiến lược phát triển đường sắt cao tốc đã biến bộ Hỏa xa nước này thành con nợ khổng lồ của chính phủ.

Năm 2010, Ngân hàng Thế giới cho biết 10% số nợ đáo hạn của Trung Quốc thuộc về bộ Hỏa xa. Tính đến quý III, 2010, bộ này đã nợ tới 1,1 tỷ tỷ nhân dân tệ vì các khoản vay phát triển đường sắt cao tốc.

Các chương trình kích thích kinh tế của Trung Quốc vẫn đang thúc đẩy nhanh việc phát triển đường sắt cao tốc. Theo kế hoạch, đến năm 2012, nước này sẽ có 13.000km đường sắt cao tốc và đến 2020 sẽ tăng lên đến 16.000km.

Hoàn thành trước thời hạn vào cuối năm 2010 và sẽ hoạt động vào tháng 6 tới, tuyến đường sắt cao tốc 1300km Bắc Kinh-Thượng Hải là dự án kinh tế lớn nhất lịch sử Trung Quốc. Với vốn đầu tư 221 tỷ nhân dân tệ, huy động hơn 120.000 công nhân, dự án này đã vượt qua Đập Tam Hiệp, dự án thủy điện lớn nhất thế giới với vốn đầu tư 203,9 tỷ nhân dân tệ.

Chưa hoạt động nhưng mọi người đều tiên đoán tuyến đường này cũng sẽ lâm vào cảnh thua lỗ như các tuyến đường sắt cao tốc khác. Chiến lược bành trướng đường sắt cao tốc dường như chỉ nhằm tạo thêm việc làm để ổn định xã hội đối với trong nước và gia tăng uy tín đối với thế giới. Ông Zhao Jian, giáo sư Đại học giao thông Bắc Kinh cho rằng: “Đường sắt cao tốc là một dự án chính trị ít có giá trị kinh tế.”

Nguồn SGTT

Comments are closed.