Nhiều cơ sở để tỷ giá ổn định

25/06/2012 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

Đã hơn 4 tháng tỷ giá bình quân liên ngân hàng USD/VND do NHNN công bố không đổi ở mức 20.828 đồng/USD. Đây được xem là thành công trong việc giữ ổn định tỷ giá của NHNN. Nếu so với mức công bố từ đầu năm của NHNN là trong năm 2012 tỷ giá sẽ tăng 2-3% thì có thể thành công này còn vượt qua mong đợi.

Tuy vậy, đã có thời điểm tỷ giá cũng gợn sóng, đặc biệt trong thời điểm ngày đầu tháng 6/2012. Cụ thể, từ ngày 6 đến ngày 11/6, giá bán USD niêm yết tại NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã lên mức 21.036 đồng/USD. Khi tỷ giá lên trên mức 21.000 đồng/USD đã khiến nhiều người lo ngại tỷ giá tăng trở lại.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, sở dĩ USD có biến động là vào thời điểm trên Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) dừng hoạt động để bảo dưỡng. Khi nhà máy này dừng hoạt động cũng đồng nghĩa với việc giảm đi 30% nguồn xăng, dầu cung cấp cho thị trường trong nước. Do đó, có một lượng USD được “gom” lại để nhập khẩu xăng dầu khiến cầu USD có tăng. Bên cạnh đó, ngày 11/6 NHNN ban hành văn bản giảm lãi suất huy động VND chỉ còn 9%/năm với kỳ hạn dưới 12 tháng, khiến cho thị trường bị “sang chấn” tâm lý và giá bán USD được đẩy lên vượt 21.000 đồng.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, sự tăng giá đồng USD ở thời điểm trên chỉ là cơn gió thoảng qua. Và nhìn vào trung hạn hoặc ít nhất từ nay đến cuối năm tỷ giá USD/VND vẫn ổn định. Lý do mà tỷ giá cơ bản ổn định trong thời gian vừa qua và thời gian tới trước hết là do cầu về nhập khẩu không lớn. 5 tháng đầu năm nhập siêu chỉ 6,22 triệu USD, chiếm 1,45% kim ngạch xuất khẩu. Theo dự báo nhiều khả năng kết thúc tháng 6/2012 sẽ xuất siêu. Thứ hai, là hàng loạt các nhu cầu tiêu dùng liên quan đến ngoại tệ như đi du lịch, du học gần đây cũng giảm do người dân thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh kinh tế khó khăn khiến cho áp lực cầu ngoại tệ trong nền kinh tế chững lại. Thứ ba, lãi suất tiền gửi VND tuy điều chỉnh giảm nhưng so với lãi suất tiền gửi USD vẫn còn chênh lệch lớn. Có nghĩa nắm giữ VND vẫn có lợi hơn nhất là trong bối cảnh tỷ giá ổn định. Chính vì vậy nhiều người dân có xu hướng bán USD lấy VND để gửi ngân hàng.

Ngoài các nguyên nhân trên, theo PGS-TS. Phan Duy Minh – Học viện Tài chính còn một số nguyên nhân tiếp sức cho tỷ giá ổn định là do, giá vàng không biến động quá nhiều, thậm chí từ đầu năm đến nay giá của kim loại quý này còn giảm, nhu cầu nhập khẩu vàng ít hỗ trợ tốt cho tỷ giá. “Hiện nay giá vàng trong nước chỉ dao động từ 41 – 42 triệu đồng/lượng làm cho độ quan tâm của xã hội bị “trơ” và tâm lý găm giữ vàng và ngoại tệ giảm mạnh”, ông Minh chia sẻ.

Bên cạnh đó, lạm phát từ đầu năm đến nay được kiềm chế khá tốt giảm tốc độ, không còn  tăng vùn vụt như năm 2011, cũng góp phần gia tăng lòng tin của người dân vàoVND. Việc người dân ít nắm giữ vàng, ngoại tệ, giảm cầu “giả tạo” về ngoại tệ làm cho tỷ giá ổn định.

PGS – TS. Phan Duy Minh cho rằng, cũng phải xét thêm nữa là hiện nay đồng USD cũng ổn định so với đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới, thậm chí xu hướng đồng USD mạnh trở lại thì tỷ giá ổn định là hợp lý. Nhưng xét về dài hạn thì tỷ giá ngoại tệ USD/VND hoặc là ổn định, hoặc là tăng chứ giảm thì rất khó. Tuy nhiên, có thể nói hiện nay tỷ giá đang đi ngang và đó là sự nỗ lực của NHNN và đi ngang sẽ là xu hướng từ nay đến cuối năm.

Đức Nghiêm

THỜI BÁO NGÂN HÀNG

Comments are closed.