Công bố thông tin nhìn từ trường hợp của ACB

28/09/2012 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

Không một NĐT nào có thể ước lượng được những tổn thất tiềm tàng mà ACB có thể gặp phải, và hàng loạt câu hỏi cần phải đặt ra. Đây là lúc cơ quan quản lý cần nhập cuộc để bảo vệ quyền lợi NĐT?

Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB) vừa công bố BCTC hợp nhất đã soát xét giữa niên độ cho kỳ 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2012.

Trong đó, đơn vị kiểm toán PricewaterhouseCoopers Việt Nam (PwC) lưu ý ACB có số dư với 6 công ty được kiểm soát bởi một cổ đông của ngân hàng. Cổ đông này đã bị bắt giữ vào ngày 20/08/2012. Mặc dù không nêu tên nhưng có thể suy luận đây là những công ty được kiểm soát bởi Bầu Kiên.

Theo công ty kiểm toán, các số dư liên quan bao gồm: các khoản cho vay khách hàng, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và các khoản phải thu khác.

Các số dư này được đảm bảo bằng tài sản thế chấp dưới hình thức chủ yếu là thư bảo lãnh ngân hàng, cổ phiếu, tiền gửi và bất động sản.

Hàng loạt câu hỏi về tổn thất tiềm tàng

Tuy vậy, không hề có thêm thông tin, số liệu cụ thể được công bố. Với các thông tin hiện tại, không một nhà đầu tư nào có thể ước lượng được những tổn thất tiềm tàng mà ACB có thể gặp phải, và hàng loạt câu hỏi cần phải đặt ra.

(1) 6 doanh nghiệp có số dư liên quan này là những doanh nghiệp nào? Hoạt động kinh doanh của các công ty này có bị đình trệ khi Bầu Kiên đã bị bắt giữ? Và liệu điều này có ảnh hưởng đến khả năng thanh toán các khoản vay tại ACB?

(2) Các số dư cụ thể là bao nhiêu? Như đề cập ở trên, các số dư liên quan bao gồm các khoản cho vay khách hàng, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và các khoản phải thu khác. Theo BCTC soát xét, tính đến hết cuối quý 2/2012:

Tổng dư nợ cho vay khách hàng của ACB là 103,812 tỷ đồng; trong đó, dư nợ cho vay CTCP, công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân là 64,843 tỷ đồng. Tổng dự phòng rủi ro tín dụng cho vay khách hàng gần 1,298 tỷ đồng.

Chứng khoán nợ do tổ chức kinh tế trong nước phát hành là 6,715 tỷ đồng.

Các khoản phải thu khác có tổng giá trị 49,016 tỷ đồng. Trong đó, một số khoản mục đáng chú ý gồm:

(i) Phải thu từ các đối tác trong nước có liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng là 3,380 tỷ đồng, được đảm bảo bằng tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi ký quỹ, tiền gửi có kỳ hạn, cổ phiếu và thư bảo lãnh của ngân hàng;

(ii) Khoản ký quỹ cho các đối tác trong nước đảm bảo việc thực hiện giao dịch hợp đồng vàng kỳ hạn là 23,295 tỷ đồng, được đảm bảo bằng tiền gửi của khách hàng và các khoản đảm bảo khác.

(3) Tài sản đảm bảo cho các số dư ở trên chính xác là những gì và tổng giá trị tài sản là bao nhiêu, đặc biệt liên quan đến giá cổ phiếu và bất động sản – vốn đang bị tụt dốc và thanh khoản kém? Ngoài ra, các ngân hàng đứng ra bảo lãnh thanh toán là những ngân hàng nào, liệu trong bối cảnh hiện nay có khả năng từ chối bảo lãnh hay không?

Cơ quan quản lý cần nhập cuộc để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư?

Giá cổ phiếu ACB đã dao động rất mạnh trong thời gian vừa qua, trước các thông tin nhạy cảm. Một khi các thông tin cụ thể chưa được ACB công bố thì nhiều khả năng nhà đầu tư/cổ đông, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ, có khả năng sẽ chịu thiệt hại khi mức độ tiếp cận thông tin bị hạn chế.

Thông tư 52 về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, tại Điều 9 quy định UBCKNN và Sở GDCK có quyền yêu cầu doanh nghiệp công bố thông tin trong vòng 24 giờ:

• Khi xảy ra các sự kiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

• Có thông tin liên quan ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán và cần phải xác nhận thông tin đó.

Như vậy, nên chăng UBCKNN và Sở GDCK Hà Nội (cơ quan quản lý niêm yết ACB) sớm yêu cầu ACB công bố thêm các thông tin cụ thể để giới đầu tư có thể đánh giá các tổn thất tiềm tàng?

Duy Nam (Vietstock)

 

Comments are closed.