Đánh thuế với vàng: Sẽ lôi kho vàng ra khỏi… “gầm giường”

31/10/2012 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng về chủ trương đánh thuế với vàng của NHNN, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho biết: Chủ trương này là hoàn toàn đúng đắn bởi khi đánh thuế vào vàng, đồng tiền Việt Nam sẽ được bảo vệ mạnh mẽ. Khi đó, vị thế đồng nội tệ sẽ tăng lên và NHNN có cơ sở để hạ nhanh lãi suất huy động.

Thời gian qua, NHNN đã truyền đi thông điệp kiến nghị chủ trương áp thuế với vàng, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Đánh thuế với vàng: Sẽ lôi kho vàng ra khỏi… “gầm giường”? (1)
Ông Nguyễn Hoàng Hải

Theo thông lệ thế giới, vàng gồm vàng miếng và vàng trang sức đều được coi là một loại hàng hóa. Trên nữa có thể coi là hàng hóa đặc biệt. Với vàng miếng, nhiều quốc gia không cho kinh doanh mà Nhà nước chỉ cung cấp cho các cơ sở kinh doanh chế tác vàng trang sức. Và thông thường nó phải chịu 2 loại thuế là thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).

Với Việt Nam, bất kỳ hàng hóa nào cũng phải chịu thuế VAT. Những loại hàng xa xỉ khác còn phải chịu thuế TTĐB. Ngay cả với những mặt hàng thiết yếu cần khuyến khích như: giáo dục, y tế, khám sức khỏe… cũng đều phải chịu thuế VAT cả. Nhưng vàng miếng đang được miễn thuế, còn vàng trang sức mức áp dụng quá thấp, chỉ bằng khoảng 0,5% trên giá bán. Coi như là không có thuế.

Tôi cho rằng, việc NHNN có kiến nghị áp thuế với vàng là hoàn toàn phù hợp với quy định trong nước và thông lệ quốc tế, đảm bảo công bằng về nghĩa vụ nộp thuế đối với mọi đối tượng. Đã mua hàng hóa đều phải nộp thuế.

Theo ông, đây có là bước đi cần thiết trong lộ trình chống vàng hóa?

Ở nước ta vàng hóa, đô la hóa bị ăn sâu từ lâu. Bản chất vàng hóa, đô la hóa vô cùng tác hại cho nền kinh tế nên Nhà nước không khuyến khích người dân cất giữ vàng, ngoại tệ.

Lịch sử từ trước đến nay cho thấy đã có nhiều cơn sốt vàng ngay cả trong điều kiện kinh tế vĩ mô bình thường mà nguyên nhân được cho là giới đầu cơ lợi dụng, tung tin. Vì vậy kinh doanh vàng được xem là nghề kinh doanh sự bất ổn, đem lại sự bất ổn. Thời gian vừa qua, giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã có lúc chênh nhau đến gần 4 triệu đồng/lượng và chúng ta đã phải cho nhập khẩu để cân bằng cung cầu trong nước. Tuy nhiên, số vàng nhập về đưa vào dự trữ ngoại hối Nhà nước thì ít, chảy vào trong dân nhiều.

Hiện nay rất khó thống kê chính xác về lượng vàng trong dân song NHNN cũng ước chừng người dân đang nắm 250 – 400 tấn. Nếu lấy con số trung bình 300 tấn thì cũng tương đương khoảng hơn 15 tỷ USD bị chôn chặt mà đáng lý ra là đưa ra nền kinh tế. Khi số vàng này để dưới “gầm giường” có nghĩa nó tạo ra dòng vốn chết không sinh sôi nảy nở, không lưu thông được.

Không những vậy, điều này còn đe dọa ổn định tỷ giá, cũng như lãi suất huy động ở mức cao. Do vậy, nếu không đánh thuế vàng thì chủ trương hạ lãi suất của NHNN cũng rất khó thực hiện. Theo tính toán của VAFI, trong điều kiện hiện nay, nếu đánh thuế vàng thì có khi chỉ cần 6 tháng sau, NHNN sẽ hạ thấp lãi suất huy động xuống.

Điều này có khả thi hay không, thưa ông?

Rất khả thi. Thực ra, NHNN cũng lo ngại việc nếu hạ lãi suất quá sâu thì dòng tiền nhàn rỗi sẽ chạy lung tung, lại đi vào vàng chẳng hạn. Rồi nó sẽ khiến cho tỷ giá bất ổn, lại ảnh hưởng đến lãi suất, rồi lạm phát. Nên nếu NHNN “khóa” được ngoại tệ, khóa được vàng thì sẽ buộc dòng tiền nhàn rỗi chảy vào hệ thống ngân hàng, hoặc đầu tư vào sản xuất, kinh doanh bất động sản, đầu tư hoặc chứng khoán.

Việc đánh thuế với vàng cũng là công cụ mà thông lệ quốc tế vẫn dùng để “đắp đập” ngăn để nắn dòng tiền nhàn rỗi chảy vào ngân hàng hoặc chứng khoán.

Chính vì vậy, nếu “khóa” được vàng, nó sẽ kích dòng vốn khổng lồ chảy vào ngân hàng. Đồng thời với việc hạ lãi suất huy động ngoại tệ thì NHNN sẽ đưa lãi suất huy động giảm.

Tuy nhiên, tâm lý của người dân vốn xem vàng là “của để dành” phòng khi bất trắc. Liệu khi áp thuế với vàng, chúng ta có “lôi” được vàng ra khỏi gầm giường hay không?

Hiện nay người dân đã thông minh hơn rất nhiều. Khi đánh thuế vào vàng, vị thế đồng nội tệ sẽ tăng lên và NHNN có cơ sở để hạ nhanh lãi suất huy động. Điều này hoàn toàn khả thi kể cả khi nợ xấu ngân hàng tăng. Cách làm này vừa giúp phá băng thị trường bất động sản, vừa xử lý được nợ xấu. Bởi lẽ khi lãi suất đầu vào xuống thấp rồi, lãi suất cho vay sẽ giảm theo, kích thích tín dụng tăng trưởng. Khi đó kinh tế sẽ phục hồi nhanh và bất động sản sẽ được phá băng. Chúng tôi cho rằng, đây có lẽ sẽ là con át chủ bài trong thời điểm hiện nay.

Tất nhiên, để làm được việc này, thông điệp NHNN đưa ra cần “mềm dẻo” hơn. Bởi cũng có thể có một bộ phận người dân mua vàng tích góp coi như tài sản dự trữ, nay lại đánh thuế, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Vì vậy, chính sách áp thuế phải đảm bảo cho người giữ vàng trước đó không bị thiệt hại.

Cách đây hơn 1 năm, chúng tôi đã đưa ra khuyến nghị: trước mắt chỉ cần áp dụng thuế VAT mức 10% với cả vàng miếng và trang sức. Nhưng ở thời điểm áp dụng chính sách thì những người đã mua vàng rồi, nếu bán thì khuyến khích bán cho NHNN. Chính sách thuế VAT chỉ áp dụng đối với người mua, không áp dụng với người bán. NHNN thu mua thông qua các đại lý hay một số TCTD được chỉ định theo mức giá quốc tế tại thời điểm bán nhưng có khấu trừ 1-2% để chi trả cho chi phí thu mua và chi phí chuyển đổi. Vì nếu NHNN giữ nhiều vàng quá cũng không có lợi mà phải chuyển đổi sang ngoại tệ.

Nếu tạm thời áp dụng chính sách này trong khoảng 10 năm, tôi tin rằng các “kho vàng” trong dân sẽ vơi dần khi họ thấy giữ vàng không có lợi. Còn mua thì sẽ ít dần và tiến tới không mua. Như vậy sẽ chẳng có người dân nào thắc mắc cả mà họ cũng cảm thấy yên tâm hơn nếu giữ vàng. Theo dòng thời gian, nếu thấy giữ vàng bất lợi thì người dân ắt sẽ chuyển hóa vàng sang loại hình khác mà thôi.

Xin cảm ơn ông!

Thời điểm nào là phù hợp?

Theo tôi, việc triển khai áp thuế với vàng càng nhanh càng tốt. Công cụ này không chỉ ngăn cản được dòng vốn vào vàng mà còn như một lực hút mạnh lượng vàng vào hệ thống ngân hàng. Nếu làm tốt, mỗi năm sẽ có khoảng 100 – 200 nghìn tỷ đồng chảy vào hệ thống ngân hàng. Điều này sẽ giúp lãi suất huy động giảm dần.

Nguyễn Hoàng Hải - Tổng Thư ký VAFI

Theo Dương Công Chiến
Thời báo ngân hàng

Comments are closed.