Công ty mua bán nợ quốc gia sẽ có nhiều bộ ngành tham gia

16/11/2012 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

Đầu tuần này, trong phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình khẳng định, đề án thành lập AMC không phải là đề án của NHNN. Cơ quan này chỉ được Chính phủ giao soạn thảo, đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm trong và ngoài nước để đề xuất mô hình, nội dung hoạt động của công ty này.

Tuy nội dung cụ thể của đề án chưa được tiết lộ, song Thống đốc khẳng định, trong đề án có một loạt nhóm giải pháp liên quan đến sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành. Việc ai là người đưa ra các quyết định mua nợ, mua với giá nào, nguồn tài chính ra sao, có phát hành trái phiếu hay không… cũng được nêu rõ trong đề án.

Người đứng đầu NHNN cũng khẳng định, ngay sau kỳ họp Quốc hội này, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành tham gia đề án. Như vậy, có khả năng, đề án thành lập AMC sẽ được triển khai trong tháng 12 tới.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, AMC được thành lập theo mô hình N+1, tức ngoài thành viên chính là NHNN, còn có sự tham gia của nhiều bộ, ngành khác. Về cơ bản, AMC là một doanh nghiệp đặc biệt, do Thủ tướng thành lập với 100% vốn nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. 

Theo TS. Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TPHCM, trong thành phần của AMC, cần có sự tham gia của một số bộ, ngành chủ chốt như Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Công an.

Lý do là, nợ xấu hiện tập trung nhiều ở các doanh nghiệp nhà nước và lĩnh vực bất động sản, vốn thuộc lĩnh vực do Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính quản lý. Quá trình xử lý nợ chắc chắn sẽ động chạm tới vấn đề lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, sai phạm, công ty sân sau… do đó, phải có sự vào cuộc của Bộ Công an.

Ngoài ra, một số bộ, ngành có liên quan cũng cần thiết có mặt trong AMC là Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) thì cho rằng, trong AMC, ngoài các bộ ngành liên quan, cần có một cơ quan giám sát độc lập, bao gồm các thành viên của Quốc hội như Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính – Ngân sách.

Về vốn hoạt động, theo ông Nghĩa, có khả năng AMC sẽ có quy mô ban đầu khoảng 100.000 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động, AMC sẽ mua hẳn một lượng lớn nợ xấu của các ngân hàng, từ đó giúp giảm nhanh tỷ lệ nợ xấu, bước đầu khai thông tín dụng.

Trước mắt, AMC sẽ xử lý các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo, chủ yếu là bất động sản. Và cũng không loại trừ khả năng, số tiền bán nợ mà các tổ chức tín dụng nhận được có thể là trái phiếu hoặc các giấy tờ có giá khác do Chính phủ hoặc NHNN phát hành.

Theo Báo Đầu tư

 

Comments are closed.