“Dở dang” nợ xấu, tái cấu trúc ngân hàng

26/12/2012 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

Lạm phát xuống thấp, ổn định tỷ giá được cho là những “cái được” của hoạt động ngân hàng trong năm qua. Tuy nhiên, nợ xấu, tái cơ cấu NHTM diễn ra chậm vẫn là những “món nợ dở dang” của ngành.

Lạm phát giảm do đâu?

Đánh giá lại hoạt động điều hành của Ngân hàng nhà nước năm qua, trong báo cáo “ Hoạt động ngân hàng Việt Nam: Bức tranh toàn cảnh 2012 và khuyến nghị chính sách 2013”, do Học viện Ngân hàng tổ chức tổ chức lấy ý kiến chuyên gia ngày 25/12 đã đưa ra những điểm sáng như: lạm phát được kiềm chế thành công ở mức 6,81%; tỷ giá ổn định trên cả thị trường chính thức và tự do, dữ trữ ngoại hối tăng; mặt bằng lãi suất cho vay giảm đáng kể; thực hiện nghiêm túc chống đô la hóa, vàng hóa nền kinh tế….

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nếu như năm 2011 vấn đề thanh khoản là mối nguy cho tất cả các ngân hàng thương mại thì đến nay, toàn hệ thống có thể yên tâm về vấn đề này.

“Dù lòng tin của nhà đầu tư suy giảm mạnh, nhưng trong thời gian ngắn Ngân hàng nhà nước vẫn hoàn thành được mục tiêu chủ chốt thì đây là một thành công đáng kể”, ông Nghĩa bày tỏ.

Dù vậy, với nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ông Nghĩa cho rằng, một phần “công sức” thuộc về điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước, nhưng phần nhiều là nhờ may mắn vì do giá lương thực đã giảm mạnh trong năm nay. Theo đó, giá lương thực giảm từ tháng 1 đến tháng 9, giá thực phẩm giảm từ tháng 3 đến tháng 9. Hai mặt hàng này chiếm 40% trong tỷ trọng rổ chỉ số giá tiêu dùng nên chắc chắn kéo lạm phát thấp.

“Nếu tính lạm phát cơ bản mà loại bỏ lương thực thực phẩm và xăng dầu – thì lạm phát năm 2012 vẫn xấp xỉ 11%. Đây cũng là cảnh báo nếu không cẩn thận năm 2013 giá lương thực thực phẩm sẽ tăng trở lại thì việc kiểm soát lạm phát còn khó khăn hơn”, ông Nghĩa cho hay.

Xử lý nợ xấu, tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng đang là “món nợ dở dang” trong năm 2012 của ngành ngân hàng. Ảnh minh họa: T.Tâm

Đồng tình quan điểm này, TS. Vũ Đình Ánh cũng thẳng thắn, không nên “quy” thành công thuộc về Ngân hàng nhà nước khi lạm phát năm nay được kiềm ở mức một con số.

Ông Ánh cho rằng: “Tuy lạm phát năm nay hao hao giống năm 2009 nhưng tính bình quân cả năm là 9,21%. Con số này tốt là tốt với mục tiêu kế hoạch đề ra trước đó, chứ về bản chấ, tôi cho rằng chưa ổn, vì mức đó vẫn là khá cao”.

Về tỷ giá hối đoái, ông Ánh thừa nhận, đây là “cái được” nhất của điều hành chính sách tiền tệ, nhưng không hẳn là thành công thuộc về Ngân hàng nhà nước. Bởi, theo ông Ánh, năm 2012 là năm cực kỳ đặc biệt- một năm có nhiều chỉ số biến động kỳ lạ, không giống bất cứ năm nào. Năm 2011, thâm hụt thương mại tới tận 10 tỷ USD, năm nay hồi tháng 10 tháng 11 còn công bố vẫn âm 1 tỷ USD.

“Tự dưng, mới đây lại công bố Việt Nam là nước xuất siêu trên 280 triệu USD (mà tôi không hiểu tại sao?), khiến dự trữ ngoại hối tăng vọt khoảng 20 tỷ USD. Chính những điều này giúp ổn định cán cân thanh toán. Rõ ràng tỷ giá ổn định là do nguyên nhân khách quan chứ không hẳn do chính sách điều hành tiền tệ”, ông Ánh khẳng định.

Còn đó những nhiệm vụ dang dở

Xử lý nợ xấu, tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng…vẫn sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2013 khi những vấn đề này hiện vẫn đang dậm chân tại chỗ.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2 mà Ngân hàng nhà nước đã hoạch định trong chương trình tái cấu trúc của mình chính là làm thế nào để phục hồi năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại; làm thế nào để doanh nghiệp dễ dàng hơn tiếp cận vốn ngân hàng; và cần xử lý nhanh chóng hơn 5-7 ngân hàng yếu kém đang gây nhiều rắc rối cho thị trường tiền tệ như ổn định lãi suất, thanh khoản.

“Cách tốt nhất, nếu yếu kém quá, tự họ không làm được thì gom lại thành một ngân hàng quốc hữu hóa để họ thực thi chính sách tiền tệ một cách ổn định trong giai đoạn đang tái cơ cấu. Sau này khi ngân hàng đó phát triển có thể lại tư nhân hóa hoặc cổ phần hóa”, ông Nghĩa cho biết.

Ngoài ra, liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu thì câu chuyện phục hồi cho bằng được thị trường bất động sản cũng được chuyên gia nhấn mạnh, nếu không việc xử lý nợ xấu sẽ khó khăn và tốn kém nhiều chi phí. Trong đó, vấn đề cải cách thủ tục hành chính, thuế khóa sẽ là mấu chốt để ngân hàng dễ dàng hơn khi cho doanh nghiệp vay vốn.

Còn theo TS. Vũ Đình Ánh, năm 2012, vấn đề cơ cấu lại hệ thống ngân hàng diễn ra chậm trễ ngoài vỏn vẹn một trường hợp sáp nhập của SHB và Habubank. Đây chính là nguyên nhân mà đến nay chúng ta chưa thể bỏ được trần lãi suất huy động. Ngoài ra, món nợ của năm nay để dành sang năm 2013 vẫn là món nợ xấu. Tuy tốc độ gia tăng giảm nhưng quy mô nợ xấu rất lớn trong suốt năm qua.

“Hiện chúng ta chưa có biện pháp gì để xử lý được xấu nên đây là nhiệm vụ của năm 2013 mà chúng ta phải làm”, ông Ánh nói.

Ông Ánh cũng cho rằng, năm 3013 dự báo kinh tế còn khó khăn không kém năm 2012, do đó, điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt hơn để có thể hỗ trợ chống lại suy giảm kinh tế chính là yêu cầu đặt ra cho Ngân hàng nhà nước./.

Theo Thành Tâm
Báo Tổ quốc

 

Comments are closed.