Năm 2013, NHNN quyết tâm giảm nợ xấu còn dưới 4%

02/01/2013 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

Thành lập công ty quản lý tài sản để xử lý nợ xấu là một trong những nội dung quan trọng mà Chính phủ đã thảo luận và ra nghị quyết chỉ đạo sau phiên họp thường kỳ tháng 12 năm 2012.

Theo đó, Chính phủ đã cho ý kiến về Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án thành lập công ty quản lý tài sản do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình.

Cụ thể, giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp thu  ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện hai Đề án trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trước khi trình Bộ Chính trị.

Đối với Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, cần làm rõ phạm vi xử lý nợ xấu, nêu rõ và phân tích các phương án xử lý có tính khả thi, phù hợp tình hình trực tế trong nước và có tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới; xác định rõ những nguyên tắc, chủ trương cần xin ý kiến; cơ chế, chính sách cần triển khai thực hiện và thẩm quyền quyết định.

Đáng chú ý, Chính phủ cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương xây dựng Nghị định về Công ty quản lý tải sản, trình Chính phủ xem xét ban hành.

Giảm tỷ lệ nợ xấu còn 3-4%

Tại buổi gặp gỡ giữa NHNN với các báo chí tổ chức chiều ngày 27/12, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra, Cơ quan thanh tra giám sát NHNN cho biết: “Sau 11 tháng, NHNN đã xử lý nợ xấu đạt con số 39.000 tỉ đồng. Tốc độ gia tăng nợ xấu giảm, chỉ còn bình quân 3%/tháng, so với mức bình quân 8-9%/tháng của 4 tháng đầu năm; đặc biệt, tháng 10 nợ xấu đã giảm 0,95%”.

Về xử lý nợ xấu, NHNN tạo điều kiện cho TCTD dùng dự phòng rủi ro để tự xử lý nợ xấu, cơ cấu lại nợ, xử lý tài sản đảm bảo thu hồi. Ngân hàng nào không trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, năm 2012 sẽ không được chia cổ tức, phải đánh giá lại tài sản bảo đảm để trích lập hợp lý hơn.

Hiện NHNN đã xây dựng xong 2 bộ quy chế thay thế Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng và dự thảo quy chế mới về tỷ lệ an toàn để sau khi tái cơ cấu, ngân hàng hoạt động trên chuẩn mực an toàn hơn.

Trong năm 2013, NHNN coi xử lý nợ xấu là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của hệ thống ngân hàng. NHNN đặt mục tiêu bằng các biện pháp trực tiếp, có thể giải quyết được 4-5% nợ xấu (trong tổng số khoảng 8%) của hệ thống ngân hàng tương đương với khoảng 40 – 50 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, trong hệ thống có 9 ngân hàng phải xử lý ngay và NHNN đã thành lập tổ giám sát, ban chỉ đạo tái cấu trúc bám sát theo Đề án 254 về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. NHNN đã chọn các công ty kiểm toán độc lập của quốc tế đánh giá các ngân hàng này.

Đến nay, 9 ngân hàng yếu kém đang thực hiện tái cơ cấu tích cực theo các hình thức hợp nhất, sáp nhập, tự tái cơ cấu… Sau khi thực hiện, sáp nhập, hợp nhất và tự tái cơ cấu, khả năng chi trả của các ngân hàng, đến nay đã được đảm bảo, do đó không có hiện tượng rút tiền lớn.

NHNN đánh giá điều này có đóng góp không nhỏ của hoạt động thông tin tuyên truyền, mang lại tâm lý hoàn toàn yên tâm cho người gửi tiền.
Trang Thu – NDHMoney

Comments are closed.