2013: Thách thức và cơ hội

25/01/2013 // No Comment // Categories: Tin tiêu điểm.

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, để phát triển đất nước, chúng ta phải thực hiện cải tổ nền kinh tế,mà để làm được điều này cần có một cái nhìn mới về quy hoạch phát triển…

TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội: “Người làm chính sách vĩ mô phải biết lắng nghe những phản ứng của người dân, xã hội”

2013: Thách thức và cơ hội (1)
TS. Nguyễn Đức Kiên

Chúng ta vừa đi qua năm 2012 – một năm rất đặc thù đối với nền kinh tế đất nước kể từ “Đổi mới” 1986 đến nay. Đây là năm tổng đầu tư toàn xã hội vẫn giữ khoảng 33,5% GDP, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 5,03%, thấp hơn năm trước. Trong khi đó, lạm phát hạ rất nhanh từ 18,13% của năm 2011 xuống 6,81% cả năm 2012. Như vậy, đứng về mặt con số vĩ mô thì thành công là 50% và không thành công cũng là 50%.

Từ thách thức:

Nhưng ổn định xã hội vẫn giữ được vì có chỗ dựa là sản xuất nông nghiệp. Trong năm 2012 xuất khẩu từ nông nghiệp sáng sủa nhất sau 26 năm “Đổi mới” (xuất khẩu gần 8 triệu tấn gạo). Mặc dù sản xuất tôm đối mặt khó khăn dịch bệnh, xuất khẩu cá tra gặp rào cản kỹ thuật… nhưng vẫn tăng được kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, ngay trong sản xuất nông nghiệp, bên cạnh mặt tốt lại thấy một điểm phản ánh chung thực lực của nền kinh tế là tốc độ tăng sản lượng nhanh hơn tăng giá.

Như vậy, hiệu quả nền kinh tế ngày càng giảm sút khi chúng ta chỉ dựa vào tăng sản lượng mà chưa chú ý tới tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp thông qua công nghiệp chế biến phù hợp.

Nhìn lại đất nước trong bối cảnh đó, chúng ta đã ổn định được xã hội để từ đó đảm bảo được ổn định chính trị. Thế giới đánh giá cao những việc Việt Nam làm được, thể hiện qua kết quả Hội nghị nhóm các nhà tài trợ (CG) tổ chức tháng 12/2012. Nhưng, chúng ta cũng không được “ngủ quên” trên những lời khen của bạn bè quốc tế. Bởi vì, năm 2012 các chỉ số vĩ mô ổn định, nhưng liệu 2013 và các năm còn lại của kế hoạch 5 năm 2011-2015 có được như vậy? vẫn là câu hỏi khó cho các nhà điều hành vĩ mô.

Hơn 89 triệu người dân Việt Nam cùng bước sang năm 2013 với giá trị GDP khoảng 140 tỷ USD. Đứng về con số tuyệt đối, chúng ta đã thoát ra khỏi nước “cực nghèo khổ”. Nhưng thực ra, với thu nhập như vậy mới chỉ ở mức bình quân 3-4 USD/người/ngày, so với thế giới không là gì và bản thân chúng ta cũng chưa thể hài lòng. Trên thực tế, cuộc sống người dân còn tiềm ẩn bất ổn. Đời sống một bộ phận dân chúng tiếp tục gặp khó khăn và người lao động không cảm thấy chỗ làm việc chắc chắn cho năm 2013.

Nhìn về phía trước, chúng ta vẫn còn đó những “căn bệnh mãn tính” từ lâu nay, đó là phát hiện được bất cập của quá trình tăng trưởng nhưng khắc phục rất chậm. Điển hình như Đại hội Đảng lần thứ XI và Hội nghị Trung ương III (khóa XI) đã chỉ ra ba khâu đột phá then chốt để thực hiện là tái cơ cấu hệ thống TCTD, DNNN và đầu tư công. Nhưng đến nay, việc thực hiện đều chậm so với yêu cầu của phát triển.

Thực tế cũng đã chứng minh, tăng trưởng là con đường tất yếu để duy trì ổn định. Nhưng bối cảnh phát triển hiện nay của đất nước đang trở nên khó khăn hơn, nếu mô hình kinh tế cũ vẫn duy trì. Nếu phát triển theo mô hình cũ, để đạt được mức sống như của CHLB Đức vào năm 2010 thì Việt Nam phải cần lượng tài nguyên gấp khoảng 3 lần hiện có và với một lượng vốn đầu tư cho phát triển kinh tế gấp 3-4 lần như chúng ta đã đầu tư trong thời gian qua. Vấn đề là liệu chúng ta có thể huy động được nguồn vốn lớn khổng lồ như vậy cho phát triển? Mở rộng đất đai để có gấp 3 lần lượng tài nguyên?

2013: Thách thức và cơ hội (2)
Một trong những trọng tâm điều hành năm 2013 là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh

Đến thời cơ mới

Bài toán đối với chúng ta hiện nay là phải đưa đất nước vượt qua ngưỡng các nước có thu nhập trung bình thấp và gia nhập nhóm nước công nghiệp phát triển. Nếu không làm vậy đất nước không sớm thì muộn sẽ bị phụ thuộc vào nước ngoài.

Vì vậy, để phát triển đất nước, chúng ta phải thực hiện cải tổ nền kinh tế, mà để làm được điều này cần có một cái nhìn mới về quy hoạch phát triển. Chúng ta đều biết, mong muốn của người dân ở mỗi vùng miền đất nước về sự phát triển kinh tế – xã hội đều gắn với phong tục tập quán và văn hóa của dân tộc đó. Chúng ta không thể nói với đồng bào người Mông rời núi xuống trồng trọt, chăn nuôi trên những cánh đồng vài công đất mỗi hộ, ở trong những căn nhà ba gian, hai chái.

Chúng ta cũng không thể yêu cầu những người dân TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội không đi xe máy, ô tô mà đi bộ lên nương, làm rẫy để kiếm sống hàng ngày. Nhu cầu sống và cảm nhận hạnh phúc của cư dân mỗi vùng là khác nhau. Vì vậy, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội phải đáp ứng sự mong mỏi của người dân trên cơ sở văn hóa, tập quán của họ.

Qua số liệu kinh tế năm 2012, có hai con số đáng chú ý liên quan đến xuất khẩu điện thoại điện tử và dệt may, những lĩnh vực tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh khó khăn. Xuất khẩu điện thoại trong đó có đóng góp của Samsung đã đem về kim ngạch 12 tỷ USD. Điều đó chứng tỏ, chủ trương chuyển hướng thu hút FDI của chúng ta là đúng đắn.

Bởi chỉ cần nhìn vào các năm 2007 – 2008, có những dự án bất động sản tại Bà Rịa – Vũng Tàu tổng vốn lên đến hơn 5 tỷ USD, nhưng hiệu quả đóng góp cho đất nước chưa rõ; trong khi với những dự án lĩnh vực điện tử và điện thoại, tổng mức đầu tư khiêm tốn hơn, song lại đóng góp rõ ràng trong năm kinh tế khó khăn. Đồng thời, một điểm đáng quan tâm là việc thu hút đầu tư các ngành đòi hòi công nghệ cao lại phải tập trung vào những khu vực có điều kiện phát triển nhất của đất nước. Đây là một minh chứng cho thấy tư duy đầu tư có trọng điểm ở khu vực trọng điểm là phù hợp trên thực tế.

Một số liệu khác là ngành dệt may. Đây là ngành mà vốn Nhà nước chiếm tỷ trọng rất nhỏ, nguồn vốn đầu tư ban đầu không nhiều, đội ngũ công nhân đào tạo ngắn hạn… nhưng lại đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu. Nó chứng minh một điều, chọn được hướng đi đúng thì với trình độ tay nghề chưa cao, vốn ít nhưng Việt Nam vẫn có thể tham gia vào thị trường dệt may thế giới, thông qua các phương thức liên kết, mua thương hiệu, mua thiết kế, gia công… Việc phát triển ngành dệt may tuy không đóng góp nhiều cho ngân sách địa phương, nhưng lại tạo nguồn thu nhập cao so với sản xuất nông nghiệp tại những vùng thuần nông và mở ra hướng đi mới về chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong khu vực nông thôn.

Trước hai ví dụ như vậy, đòi hỏi phương hướng phát triển kinh tế đất nước thời gian tới cần phải dựa trên tư duy phát triển mới, trên cơ sở thực lực của nền kinh tế, dựa trên tập quán văn hóa vùng miền và dân tộc, cũng như kết hợp hài hòa nguồn lực từ bên ngoài. Nó đòi hỏi người làm chính sách vĩ mô phải biết lắng nghe những phản ứng của người dân, xã hội trước những chính sách vĩ mô đã được hoạch định, để từ đó có điều chỉnh phù hợp. Cơ hội mới đã mở ra cho năm 2013, chúng ta cần kiên quyết triển khai thực hiện ngay trên cơ sở thành công đã có và kinh nghiệm rút ra từ những việc chưa làm được để tận dụng thời cơ đưa đất nước tiến lên sánh vai cùng bạn bè như lời Bác Hồ đã dạy.

TS. Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia: “Vẫn cần tiếp tục sử dụng một số biện pháp hành chính”

2013: Thách thức và cơ hội (3)
TS. Trần Du Lịch

Năm 2012, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, diễn biến khó lường, đặc biệt nợ xấu khiến cho tăng trưởng tín dụng không đạt kế hoạch đề ra; nhưng cách điều hành, ứng phó của CSTT là phù hợp và đúng đắn. Tôi cho rằng, NHNN vẫn dùng biện pháp hành chính đối với tín dụng, lãi suất là cần thiết. Lúc đầu, có thể, NHNN định khống chế trần lãi suất huy động để chờ thời điểm bỏ trần này theo hướng thị trường, nhưng khi phân tích, tính toán không bỏ được trần này nên thành ra phải tiếp tục kéo dài việc khống chế trần huy động. Bên cạnh đó, NHNN cũng thực hiện biện pháp hành chính với lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn; DNNVV, công nghiệp phụ trợ.

Tuy nhiên, năm 2013, CSTT đứng trước hai điều kiện “cần” và “đủ”. Việc kéo giảm lãi suất theo lạm phát chỉ đáp ứng được điều kiện “cần” nhưng phải có thêm điều kiện “đủ” là làm sao nền kinh tế hấp thụ được tín dụng. Trước vấn đề này, đã có những câu hỏi đặt ra: Liệu NHNN có dám “phiêu lưu” để các NHTM hạ chuẩn tín dụng không, trong khi chúng ta đang tập trung giải quyết nợ xấu. Mà nợ xấu có phần từ hàng tồn kho, từ thị trường bất động sản, nhưng có nguyên nhân từ hạ chuẩn tín dụng. Tôi cho rằng, sẽ không dại gì mà hệ thống ngân hàng hạ chuẩn tín dụng. Mặc dù bản thân các DN hiện nay lại phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn ngân hàng. Trong bối cảnh như vậy, theo tôi ngân hàng cũng nên lựa chọn một số đối tượng khoanh nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thực hiện nguyên tắc “lấy nợ nuôi nợ”.

Theo Nghị quyết Quốc hội cũng như trong chỉ đạo của Chính phủ luôn khẳng định mục tiêu của năm 2013 là phải luôn gắn việc ổn định vĩ mô với tái cơ cấu nền kinh tế mà trọng tâm là 3 đột phá chiến lược. Vì vậy, CSTT phải bám theo mục tiêu đó. Có nghĩa rằng, tín dụng cũng phải ưu tiên cho các ngành nghề, lĩnh vực, thị trường đang tái cấu trúc. Nói nôm na thì CSTT đi bằng cả hai chân, xử lý cái trước mắt nhưng cũng hướng tới tái cấu trúc để đạt được mục tiêu trong dài hạn. Bởi, nguyên nhân sâu xa của nợ xấu, của lạm phát, nhập siêu là do việc tái cấu trúc rất chậm chạp. Tuy nhiên, Chính phủ hay NHNN không thể làm thay thị trường mà với vai trò đưa ra chính sách để hỗ trợ thị trường, để thị trường tự tái cấu trúc.

Vấn đề “thời sự” nữa mà ngay từ bây giờ đã được bàn đến, đó là trong năm 2013 NHNN có bỏ trần lãi suất, hay nói cách khác là thị trường hóa hoàn toàn với lãi suất. Tôi có thể đưa ra dự báo ngắn hạn, 6 tháng đầu năm chưa thể làm được điều này. Bởi, thứ nhất, nửa đầu năm nay, ngân hàng phải tập trung tái cơ cấu hệ thống cho an toàn, ổn định thanh khoản để không còn tình trạng chạy đua lãi suất nhằm giải quyết thanh khoản. Chừng nào xét thấy, thị trường không còn ngân hàng nào phải giải quyết thanh khoản, không còn nguy cơ đổ vỡ do nợ xấu gây ra, thời điểm đó mới có thể bỏ trần lãi suất. Do đó, tôi vẫn ủng hộ NHNN tiếp tục sử dụng một số biện pháp hành chính.

Cuối cùng về điều hành tỷ giá trong năm 2013, tôi ủng hộ điều chỉnh linh hoạt ở mức 2-3%. Tôi nghĩ rằng, với mức CPI hiện nay thì điều chỉnh 2-3% không vấn đề gì. Nên theo hướng điều chỉnh tỷ giá như vậy để nhịp nhàng cùng tăng tín dụng.

TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương:”Việt Nam phải đi vào cải cách thật sự”

2013: Thách thức và cơ hội (4)
TS. Võ Trí Thành

Chúng ta đã trải qua một năm “khó khăn chưa từng thấy, khó khăn đến mức chính các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học cũng không lường hết”. Đó là bài học đau xót cũng vì chúng ta đã hứng khởi quá đà, tạo ra tăng trưởng bong bóng.

Năm mới sang, ai cũng mong mọi khó khăn vất vả sẽ trôi qua và một năm mới tốt hơn sẽ tới. Nhưng không thể không nhìn thấy điều khó nhất cho năm mới: đó là vừa phải giải quyết các vấn đề vĩ mô nhưng cũng phải làm cho nền kinh tế phục hồi. “Mạnh tay” thúc đẩy tăng trưởng quá thì bất ổn vĩ mô, thâm hụt ngân sách…; mà “nhẹ tay” quá thì không đủ vực dậy kinh doanh, không đủ tạo ra chuyển biến cho nền kinh tế. Đã vậy còn phải tập trung nguồn lực cho tái cơ cấu.

Đã không ít người lo ngại “tiền đâu xử lý nợ xấu”, “cần bao nhiêu tiền cho tái cấu trúc”. Thực ra tiền không phải là tất cả mà điều không kém phần quan trọng là ý tưởng, lòng tin, minh bạch và chính sách nhất quán. Tôi tin nếu giải quyết được những điều này, chúng ta có thể xử lý được vấn đề. Phải nhất quán và thực sự bắt tay vào cải cách nền kinh tế; cùng với xử lý nợ xấu tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thì phải điều chỉnh cả khu vực DNNN, đầu tư công. Các giải pháp có thể chưa thực hiện được tổng thể nhưng một vài chấm phá như thế sẽ tạo niềm tin cho thị trường.

Thời kỳ một chính sách mềm, nới lỏng quá mức qua rồi. Bước sang năm mới là bước sang thời kỳ đồng tiền phải được sử dụng chặt chẽ. Chính sách tiền tệ đang đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ nay đến 2015 chỉ xoay quanh 15%/năm, không thể còn 30%/năm như trước. Thâm hụt ngân sách là 4,8% GDP và sẽ giảm còn 4-4,5% GDP vào năm 2015…

Nợ xấu, tồn kho, bất động sản suy giảm… là những khó khăn lớn phải gỡ trong năm. Thủ tướng đã quyết từ nay đến 2015 xử lý nợ xấu, từ 8,82% tổng dư nợ xuống 3%. Việc hạ lãi suất, xử lý nợ xấu, nới tín dụng BĐS sẽ trở thành cú hích, khiến thị trường BĐS sáng sủa hơn. Sắp tới, các định chế tài chính cho vay với thế chấp là nhà ở sẽ ra đời; Chính sách giảm thuế GTGT tới 50% cho người tiêu dùng mua nhà được ban hành cũng sẽ khiến thị trường ấm trở lại.

Nhưng không có một ngày trời hửng nắng được ngay, chúng ta phải có thời gian để thị trường ổn định niềm tin. Nhưng trong giai đoạn mới có rất nhiều cơ hội: cơ hội cho nhà hoạch định chính sách, DN có những sáng tạo, người tiêu dùng có cách sống khôn ngoan hơn. Phải tạo ra nền tảng tốt để phát triển. Với DN, cần tính chuyện kinh doanh dài hơi hơn, phải trầm hơn, bình tĩnh hơn, tính toán hơn. Tổng thống Mỹ còn nói, nước Mỹ phải quay lại công nghiệp chế biến, chứ không thể sống mãi bằng trò chơi tài chính, tiền tệ được.

Thông điệp đầu năm, tôi muốn nói tới là tất cả chúng ta phải sống thực hơn với cuộc đời, với những gì chúng ta có. Và điều mà chúng ta hy vọng là tính nhất quán trong chính sách được tôn trọng. Việt Nam phải đi vào cải cách thật sự, mới hy vọng có kết quả trên thực tế.

PGS.TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:”Những giải pháp vượt tầm kiểm soát thông thường”

2013: Thách thức và cơ hội (5)
PGS.TS. Trần Đình Thiên

Tăng trưởng GDP của Việt Nam luôn dựa trên đầu tư công, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tín dụng ngân hàng. Với bối cảnh kinh tế toàn cầu ít thuận lợi, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đến Việt Nam nhưng ở thời điểm này họ đến để thăm dò hơn là đổ vốn vào đầu tư. Trong khi ở trong nước, Việt Nam vừa phải tái cấu trúc, vừa phải giải quyết nốt các vấn đề như nợ xấu, tồn kho, vực dậy thị trường bất động sản và quan trọng nữa là chống giảm phát…

Trong bối cảnh đó, nền kinh tế đang đòi hỏi những giải pháp vượt tầm kiểm soát thông thường. Để hóa giải những kỳ vọng tiêu cực của thị trường, cần những giải pháp cơ bản, để người dân thấy được những bước tiến chắc chắn, rõ rệt. Những việc đang làm như tái cơ cấu hệ thống các TCTD, tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu đầu tư công; giải quyết nợ xấu, vực dậy thị trường bất động sản, giảm hàng tồn kho, hỗ trợ DN… là đúng hướng. Nhưng đã đi đúng hướng cũng phải có kết quả cụ thể thì thị trường mới hài lòng và người dân mới vững niềm tin.

Chúng ta mừng vì thành công trong chống lạm phát, nhưng giảm phát nguy hiểm hơn rất nhiều. Ngoảnh nhìn lại một năm qua, có điều mừng rằng tuy khó khăn rất nhiều, vất vả rất nhiều nhưng năm 2012 là giai đoạn Việt Nam thực sự đụng chạm vào các vết thương để tìm biện pháp chữa trị. Nhiều khả năng giai đoạn 2013-2015 Chính phủ chọn mô hình kinh tế bền vững nên sẽ kiểm soát cẩn trọng dòng tiền chảy ra thị trường.

Bên cạnh đó, cả người tiêu dùng và nhà đầu tư đều khá thận trọng trong chi tiêu nên khả năng mở rộng sản xuất trong năm mới là rất khó. Như vậy, có thế thấy nền kinh tế đang thực sự khó khăn cả ở phía cung và phía cầu. Cung yếu làm suy giảm cầu và cầu suy giảm sẽ không kích thích được cung.

Theo Nhóm phóng viên TBNH

Comments are closed.