The Economist: Loại bỏ yếu kém trong hệ thống ngân hàng, Việt Nam sẽ thịnh vượng trở lại

01/02/2013 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

NHNN đang cố gắng tiếp sức các ngân hàng tốt bằng cách bơm thêm vốn nước ngoài, và đã có một số thành công, đặc biệt với dòng vốn từ Nhật Bản.

Trích giới thiệu một vài nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam và nợ xấu trên The Economist.

5 năm trước, Việt Nam là một trong những “con hổ” châu Á hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư thế giới. Tuy nhiên, trong vòng 2 năm trở lại đây, tăng trưởng kinh tế đã chậm lại. Các khoản nợ xấu của doanh nghiệp cùng bong bóng bất động sản tan vỡ khiến các ngân hàng Việt Nam trở nên ốm yếu và trở thành một mớ hỗn độn khó quản lý.

Rõ ràng, các ngân hàng Việt Nam vẫn đang trong cơn khủng hoảng. Chỉ trong vòng 2 năm, động thái thắt chặt tín dụng của các ngân hàng khiến số doanh nghiệp bị phá sản tăng lên con số kỷ lục. Nhà kinh tế tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Jonathan Pincus, cho rằng: “Cuộc khủng hoảng ngân hàng sẽ hạn chế tăng trưởng của Việt Nam trong một thời gian cho đến khi nó được giải quyết hoàn toàn”.

Trong nhiều năm các nhà chức trách Việt Nam đã nỗ lực giảm bớt số nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết nợ xấu của các ngân hàng lên 8,8% (tính đến 30/9/2012).

NHNN đang cố gắng thu hẹp số lượng của ngành ngân hàng. 9 ngân hàng bị đánh giá yếu được khuyến khích sáp nhập hoặc để các ngân hàng lớn hơn tiếp quản. Hiện số ngân hàng địa phương của Việt Nam là 40, song các nhà kinh tế khuyến cáo con số thích hợp nên là 25 ngân hàng.

NHNN cũng đang cố gắng tiếp sức cho các ngân hàng tốt bằng cách bơm thêm vốn nước ngoài. Cách làm này đã bộc lộ một số thành công, đặc biệt là với dòng vốn tới từ Nhật Bản. Hiện Nhật Bản đang tận dụng lợi thế đồng yên mạnh để mua và đa dạng hóa các tài sản của mình ở châu Á với giá rẻ. Điển hình như ngày 27/12/2012, Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ thông báo họ đã mua 20% cổ phần của VietinBank với giá 743 triệu USD. Trước đó, hồi tháng 9/2011, Mizuho cũng mua 15% cổ phần của Vietcombank với giá 567 triệu USD.

Để khuyến khích nhiều hơn nữa những thương vụ mua bán như vậy, NHNN đã đệ trình một dự thảo nghị định lên Chính phủ, trong đó cho phép các nhà đầu tư nước ngoài có thể chiếm tới 30% cổ phần trong ngân hàng Việt Nam trong một số trường hợp nhất định, so với mức 20% hiện tại.

Mặc dù vậy, các ngân hàng Việt Nam vẫn cần một cuộc đại tu lớn, như minh bạch hơn trong các báo cáo, giảm sở hữu chéo, đồng thời nâng hoạt động kế toán theo chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, các nhà kinh tế cũng cho rằng kế hoạch thiết lập một công ty quản lý tài sản, hay còn gọi là “ngân hàng nợ xấu”, của Chính phủ nhằm đảm trách toàn bộ số nợ xấu của các ngân hàng vẫn chưa thực sự rõ ràng. Đặc biệt, nhiều người vẫn tỏ ra phân vân không rõ ai sẽ là người đứng ra thu mua những khoản nợ xấu đó.

Khi nhận định về cuộc khủng hoảng của các ngân hàng Việt Nam, ông Phạm Hồng Hải của HSBC nhận xét đại ý: “Cần phải chấp nhận đau để giải quyết dứt điểm vấn đề”.

Theo Gafin

Comments are closed.