Đừng kỳ vọng lãi suất giảm sớm

18/02/2013 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

Nếu như lãi suất có giảm thì các bước giảm nhỏ hơn, chỉ khoảng 0,25 – 0,75%/năm đối với trần lãi suất tiền gửi nội tệ.

Kiềm chế CPI ở mức thấp và ổn định, giải phóng hàng tồn kho, khai thông thị trường bất động sản, phối hợp đồng bộ xử lý nợ xấu và tháo gỡ vướng mắc xử lý tài sản đảm bảo tiền vay là những nền tảng căn bản cho việc điều chỉnh giảm lãi suất nội tệ của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới đây.

Đưa ra những nhận định trên, TS Nguyễn Đắc Hưng – một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng – cho rằng, việc giảm lãi suất (trong tương lai) cần phải căn cứ vào diễn biến kinh tế vĩ mô và diễn biến của thị trường tiền tệ. Cụ thể, xét về diễn biến kinh tế vĩ mô để xem xét điều chỉnh trần lãi suất tiền gửi nội tệ cần căn cứ vào nhiều yếu tố. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả năm 2012 là 6,81%. Theo đó, với mức giới hạn trần lãi suất tiền gửi nội tệ dưới 12 tháng còn 8%/năm, về mặt số học vẫn đảm bảo lãi suất thực dương và người gửi tiền vẫn có lợi trên 1%/năm.

Đặt trong bối cảnh đó và với định hướng của Chính phủ và của NHNN kiềm chế lạm phát năm 2013 dưới 6,8%, CPI các tháng đầu năm thường biến động cao hơn mức bình quân các tháng trong năm là một thách thức. Ngay như trong tháng 1.2013 vừa qua, CPI của cả nước cũng tăng tới 1,25% so với tháng trước. Chưa kể, thanh khoản của các NHTM dù được cải thiện rõ rệt nhưng chưa phải bền vững và thường có biến động vào dịp trước Tết Nguyên đán do nhu cầu rút tiền thanh toán, chi tiêu của các đối tượng khách hàng nên vẫn cần phải đẩy mạnh thu hút tiền gửi vào các TCTD. Với thực tế này, TS Nguyễn Đắc Hưng dự báo, chưa thể giảm lãi suất ở thời điểm hiện nay. Sau thời điểm này, nếu như lãi suất có giảm thì các bước giảm nhỏ hơn, chỉ khoảng 0,25 – 0,75%/năm đối với trần lãi suất tiền gửi nội tệ.

Trong khi đó, lãi suất cho vay theo nguyên tắc cũng phải đảm bảo bù đắp chi phí cho hoạt động của các TCTD và có tích lũy dù rằng mức tối thiểu. Nhìn số học đơn thuần bên ngoài, TS Nguyễn Đắc Hưng đưa ý kiến, chênh lệch lãi suất cho vay và lãi suất huy động nội tệ là khoảng 4%, nhưng nếu tính toán đầy đủ phần để tỉ lệ dự trữ bắt buộc, vốn khả dụng và an toàn khác trong thanh toán…. cũng như tỉ lệ nợ xấu, lãi đọng không thu hồi được, mức chênh lệch trên là rất thấp. Dù rằng để giảm chi phí hoạt động, hầu hết các TCTD tạm dừng không phát triển mạng lưới, không khai trương thêm phòng giao dịch, tiết giảm chi phí điện nước, thuê nhà và các chi phí khác, tạm dừng tổ chức các khóa đào tạo và khảo sát ở nước ngoài cũng như cắt giảm số lượng nhân viên, giảm lương. Phần lớn các NHTM không chi thưởng và cắt giảm các chi phụ cấp khác cho cán bộ, nhân viên, cũng như Ban kiểm soát, thành viên Hội đồng quản trị.

Với bối cảnh trên, nợ xấu – theo TS Nguyễn Đắc Hưng – vẫn là lực cản lớn nhất trong việc giảm chi phí hoạt động tín dụng – một cơ sở để giảm lãi suất cho vay. Cụ thể tính đến cuối năm 2012, các TCTD đã xử lý được hơn 39.000 tỉ đồng nợ xấu từ nguồn dự phòng rủi ro tín dụng. Tuy nhiên, tỉ lệ nợ xấu của các TCTD vẫn còn ở mức cao. “Chừng nào tình trạng hàng tồn kho của DN chưa có biến chuyển rõ rệt, các giải pháp tháo gỡ tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản chưa phát huy hiệu quả, nợ xấu vẫn là ách tắc lớn nhất cho thị trường tín dụng nói chung và giảm lãi suất cho vay nói riêng” – TS Nguyễn Đắc Hưng viết.

Chưa kể, điều chỉnh lãi suất tiền gửi nội tệ còn có quan hệ mật thiết đến tỉ giá và tình trạng đôla hóa, cũng như ổn định giá vàng. Tỉ lệ tiền gửi ngoại tệ trong tổng tiền gửi của hệ thống TCTD đã giảm đáng kể. Trong thành công, theo đánh giá của TS Nguyễn Đắc Hưng, có kết quả quan trọng của việc giữ khoảng cách chênh lệch đáng kể giữa lãi suất tiền gửi nội tệ và tiền gửi ngoại tệ. Do đó, cần tính đến yếu tố này trước khi có những bước điều chỉnh lãi suất tiền gửi nội tệ tiếp theo.

Theo Laodong

Comments are closed.