Từ “thuốc dẫn” 4% đến “giảm xóc” VAMC

25/02/2013 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

Điểm chung giữa gói hỗ trợ lãi suất 4% hồi năm 2009 và mô hình Công ty mua bán tài sản quốc gia (VAMC) hiện nay là đều lấy nguồn lực từ khu vực tư nhân.

Thuốc dẫn 4%

Cuối năm 2008, đầu năm 2009, thế giới rơi vào cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất từ thời Đại khủng hoảng 1930. Trong nước, GDP quý I tăng trưởng thấp chưa từng có, 3,12%. Tỷ lệ lạm phát giảm từ “sốt nóng” 28,2% xuống “cảm lạnh” 1,9% chỉ trong vòng một năm.

Kỳ vọng thị trường cực thấp, không ai muốn vay vì không ai biết kinh tế thế giới sẽ trôi về đâu và trong hoàn cảnh ấy, tốt nhất là phòng thủ. Những người gan dạ dám tấn công trong bão tố ngại ngần vì lãi suất đi vay vẫn cao.

Mới cách đó nửa năm, ngân hàng còn huy động vốn với lãi suất 18-22%, đến lúc này lãi suất cho vay ra chỉ còn hơn 10% và và đáng sợ hơn là có quá ít giao dịch cho vay thành công, đồng nghĩa với việc lỗ nặng vì đầu ra không có trong khi đầu vào vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền.Người vay ít đã đi một nhẽ, bản thân ngân hàng cũng sợ không đòi được gốc.

Tiền chất đầy trong ngân hàng nhưng vì những lý do nêu trên mà cung cầu không gặp được nhaudòng chảy tín dụng bị tắc nghẽn. Tính thanh khoản trên thị trường tín dụng khô kiệt khiến có người liên tưởng tới hình ảnh “vựa thóc nhìn người đói, thóc vẫn mục, người vẫn chết”. 

Trong hoàn cảnh ấy, “thuốc dẫn 4%” ra đời. Theo đó chính phủ sẽ hỗ trợ 4% lãi suất cho người vay đối với một số loại khoản vay theo quy định. Người vay phấn khởi vì lãi suất thực trả nay chỉ còn trên 10%. Ngân hàng mở cờ trong bụng vì từ lỗ thành lãi và quan trọng hơn, giờ đã có đầu ra cho “kho tiền” chót ôm trên đỉnh.

Do khả năng ráp nối được hai phía cung cầu như vậy, nên “thuốc dẫn 4%”có tính khuếch đại cực cao. Chính phủ chỉ bỏ ra 1 tỷ USD “tiền mồi” nhưng tác dụng “kích cầu” lên tới 8 tỷ USD.

Kinh tế Việt Nam nhanh chóng “cầm máu”, đến cuối năm tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,25%. Trong vòng hai tháng sau đó, VN-Index tăng gấp đôi còn lạm phát từ chỗ thiểu phát phục hồi về mức lý tưởng 6,5% vào cuối năm.

Tuy vậy, sau này gói hỗ trợ lãi suất 4% bị chỉ trích kịch liệt. Nhiều ý kiến cho rằng nó khiến các bất ổn vĩ mô của Việt Nam thêm trầm trọng, tạo đà cho lạm phát quay lại vào năm 2011 và góp phần quan trọng tạo ra cơn đại dịch nợ xấu năm 2012. Có người còn nói vì năm ấy giới ngân hàng dốc vốn kích cầu nhưng không thu hồi được nên nay đến mùa “giáp hạt” mới kiệt quệ thanh khoản.

Những quan điểm trên có cái lý của nó. Nhưng nên nhớ, đây là “thuốc dẫn”, mục tiêu của nó là khơi thông luồng vốn và mục tiêu này đã đạt được. Còn vốn chảy đi đâu thì lại là chuyện khác.

“Giảm xóc VAMC”

Năm 2012 khởi động với tâm thế gần giống năm 2008. Châu Âu thay Mỹ đảm nhiệm vai trò “tình hình thế giới có nhiều bất ổn”. Tâm điểm thua lỗ bất động sản chuyển từ Sài Gòn ra Hà Nội. Vai trò phá mọi đáy lịch sử được VN-Index nhường cho HNX-Index. Và Việt Nam vẫn khởi động cuộc chiến chống suy giảm bằng “thành tựu” chống lạm phát.

2012 khác 2008 ở chỗ ngân hàng không còn là “kho lúa”, mà là “con bệnh”. Nợ xấu có liên quan tới bất động sản phủ bóng đen lên BCTC, biến một số ngân hàng thành “thây ma di động”, chỉ thoát đổ vỡ nhờ sự hỗ trợ từ phía NHNN thông qua các ngân hàng có sở hữu nhà nước chi phối.

Dư nợ trực tiếp đầu tư vào bất động sản không thật quá nhiều nhưng nợ xấu bảo đảm bằng bất động sản hoặc bất động sản hình thành trong tương lai lên tới gần 140.000 tỷ. Chưa biết nếu tính cả dư nợ của các công ty sống nhờ bất động sản như gạch ngói, sắt thép, xi măng thì con số ấy sẽ lớn tới đâu, nhưng nó đủ để toàn bộ hệ thống ngân hàng tắc nghẽn.

Trong hoàn cảnh ấy, cần một luồng tiền khổng lồ để đánh tan “cục máu đông” bất động sản. Nhưng tiền ở đâu?

Chính phủ nói không, vì nợ công đã quá cao và dư luận không đồng tình. Theo TS Vũ Quang Việt, nếu tính theo chuẩn mực quốc tế thì nợ công Việt Nam đã vượt 100% GDP. Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định “không dùng tiền ngân sách xóa nợ ngân hàng”.

Giới đầu cơ không dại gì đổ thêm tiền vào, họ vốn đã chết ngập trong nợ ngân hàng. Hơn nữa, giá nhà Việt Nam cao một cách kỳ cục nếu so với thế giới, dù thích phân tích theo phương pháp nào thì kết quả vẫn là giá nhà sẽ giảm trong dài hạn, rút ra còn chẳng được, dại gì đổ thêm tiền vào.

Kỳ vọng gần đây tập trung về phía NHNN. Nhưng trong tuyên bố mới nhất về chính sách tiền tệ của NHNN, “chặt chẽ” và “thận trọng” vẫn đứng trước “linh hoạt”, “lạm phát thấp hơn” vẫn đứng trước “tăng trưởng kinh tế cao hơn”.

Điều đó có nghĩa quy mô và cường độ của bất kỳ chương trình xử lý nợ xấu nào cũng chỉ giới hạn ở mức không gây tác động tiêu cực tới lạm phát, và tiền bơm ra ở cửa này sẽ được hút vào ở cửa khác.

Tiền từ Công ty mua bán tài sản quốc gia (VAMC) nhiều khả năng sẽ được bơm từ từ để nghe ngóng lạm phát. Hơn nữa, về bản chất đó là một khoản vay từ NHNN, tức có thời hạn, và phải hoàn trả. Nếu “trăm sự nhờ VAMC”, thì khi tiền VAMC quay về NHNN, phải chăng bất động sản lại đóng băng như cũ? 

Đương nhiên, người hoạch định chính sách ắt đã có toan tính, họ hiểu chỉ riêng “tiền VAMC” không giải cứu được bất động sản, mà cần sự tham gia của luồng tiền từ khu vực tư nhân, cụ thể là của người có nhu cầu thực về nhà ở.

Và giống như “thuốc dẫn 4%” khớp nối hai mảnh ghép cung cầu tín dụng, “giảm xóc VAMC” tác động vào kỳ vọng thị trường, và giúp những người đang di chuyển trên một con đường đầy ổ gà, thậm chí là ổ voi, cảm thấy “êm” hơn.

Khu vực tư nhân lại làm anh hùng

Người muốn mua nhà vẫn còn rất nhiều. Nhưng ngoài lý do giá nhà còn quá cao, cái thế tuột dốc không phanh của bất động sản khiến những người từng chắt bóp cả chục năm trời để có mấy tỷ mua nhà hoảng sợ, họ chọn cách ngồi im.

Với những người sẵn sàng vay tiền mua nhà, chào mời họ là mức lãi suất cắt cổ từ phía ngân hàng do khan hiếm tín dụng và rủi ro cao của phân khúc cho vay bất động sản.

“Giảm xóc VAMC” mang lại lý do để luồng tiền trong dân cảm thấy tự tin hơn bằng cách xóa bỏ những lý do khiến luồng tiền này sợ hãi.

Thứ nhất, nó giảm tốc độ lao dốc của giá nhà đất nhờ giải tỏa thanh khoản, giảm áp lực bán tháo từ phía ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản. Thứ hai, lãi suất cho vay mua nhà sẽ ở mức hợp lý hơn do tín dụng bớt khan hiếm.

Bên cạnh đó, sau khi mua nhà, rủi ro xuống giá nay thuộc về người mua. Trong trường hợp vay tiền mua nhà, rủi ro tín dụng của ngân hàng nay không còn tập trung ở duy nhất một chủ đầu tư bất động sản đang ngắc ngoải mà đa dạng hóa thành nhiều khách hàng cá nhân, một kịch bản giúp việc đòi nợ trở nên dễ chịu hơn do lãi suất cao hơn mà luôn có dòng tiền đều đặn thu về dù một hai khách có gặp khó khăn.

Trong bối cảnh “trời bớt mây và biển bớt sóng” ấy, người ta hy vọng tiền trong dân sẽ nhập cuộc.

Nhưng “giảm xóc VAMC” chỉ “êm” một cách tương đối, vì có một vấn đề mang tính tất yếu mà nó không thể nào giải quyết được, ấy là giá nhà dù ít dù nhiều cũng sẽ giảm trong dài hạn, có thể trực tiếp qua mất gia danh nghĩa, hoặc gián tiếp qua lạm phát.

Minh Tuấn CafeF

 

Comments are closed.