Kích cầu tín dụng: Tín hiệu vui cho các DN vừa và nhỏ

06/03/2013 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

Thời gian gần đây, số hồ sơ vay vốn tại các ngân hàng (NH) có tăng lên từ khi lãi suất cho vay liên tục được hạ xuống phổ biến ở mức 13 – 14%/năm như hiện nay.

Dự đoán, cơ hội tiếp cận vốn giá rẻ của doanh nghiệp (DN) sẽ cao hơn trong thời gian tới, khi NH cũng đang tích cực giới thiệu nhiều gói tín dụng ưu đãi nhằm mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là các DN vừa và nhỏ (DNVVN). Đây thực sự là một tín hiệu vui cho DN.

Lãi suất chỉ còn 9,99%

Ngay sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ, gói tín dụng đầu tiên dành cho DNVVN đã được NH TMCP Quân đội (MB) công bố. Điểm đặc biệt là, gói tín dụng trị giá 1.000 tỷ đồng của MB được tung ra ngay trong thời điểm thị trường tín dụng rơi vào chu kỳ trầm lắng nhất – tháng Giêng hội hè.

Gói tín dụng của MB đã đưa lãi suất về dưới mức 10% – thấp hơn nhiều so với kỳ vọng 11 – 12%/năm mà một số chuyên gia và DN đặt ra từ hồi cuối năm 2011 đầu năm 2012. Điều này đã phát đi những tín hiệu tích cực, làm dấy lên những kỳ vọng về các gói ưu đãi lãi suất dành cho DN sẽ tiếp tục được triển khai trong năm 2013 này.

Thực tế, tính đến thời điểm hiện nay, lãi suất cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh liên tục giảm xuống dưới mặt bằng 15% như chỉ đạo của NHNN và đang phổ biến ở mức 13 – 14%/năm.

Đặc biệt, lãi suất cho vay dành cho 5 lĩnh vực sản xuất ưu tiên gồm xuất khẩu, DNVVN, DN ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp phụ trợ và sản phẩm có chứa hàm lượng công nghệ cao đã giảm xuống, xoay quanh mức 12%/năm. Trong một số chương trình ưu đãi, lãi suất đối với khách hàng tốt thậm chí chỉ còn ở mức trên dưới 11%/năm.

Lãi suất cho vay duy trì ở mức cao là một trong những nguyên nhân quan trọng làm giảm khả năng cạnh tranh của DN, cũng như khiến cho nhu cầu vay vốn trên thị trường giảm xuống. Một DN thủy sản tại TP.HCM cho biết, từ đầu năm 2012, DN này đã chuyển sang vay vốn bằng ngoại tệ, do lãi suất VND trên thị trường quá cao.

Chấp nhận vay bằng ngoại tệ cũng đồng nghĩa với việc DN buộc phải chấp nhận những rủi ro về tỷ giá, nhất là trong thời điểm nền kinh tế thế giới, diễn biến thị trường vàng, ngoại tệ… đang hết sức khó lường như hiện nay. Do đó, khi lãi suất cho vay được đưa về mức hợp lý hơn, nhu cầu tín dụng hoàn toàn có thể quay trở lại.

Chia sẻ với phóng viên Doanh Nhân Sài Gòn, đại diện MB cũng cho biết, sau hơn 10 ngày triển khai, gói tín dụng 1.000 tỷ đồng đã nhận được sự quan tâm rất lớn của thị trường. Mặc dù không tiết lộ con số cụ thể, nhưng vị này cũng cho biết, gói tín dụng này đang được triển khai vượt tiến độ đề ra ban đầu.

Để có thể hạ lãi suất cho vay trên thị trường xuống mức thấp hơn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, riêng chỉ số lạm phát phải lùi về mức thấp hơn nữa.

Nhưng dưới góc độ của các NH, thì theo đại diện của MB, trong điều kiện hiện nay cần một giải pháp hỗ trợ DN mang tính tổng thể hơn. Mỗi NH, tùy theo tiềm lực và chiến lược phát triển của mình để có các giải pháp cụ thể.

Tại MB, bên cạnh các chính sách áp dụng biểu lãi suất thấp hơn mặt bằng chung, giảm phí sử dụng dịch vụ, hay áp dụng các sản phẩm/dịch vụ giúp DN nâng cao năng lực quản lý tài chính, giảm chi phí đầu vào và tiết kiệm thời gian, kiểm soát bất ổn tỷ giá, đảm bảo an toàn tài chính cho DN… thì NH này cũng đẩy mạnh phối hợp với DN để thiết kế các sản phẩm phù hợp với đặc thù sản xuất kinh doanh của khách hàng, cùng họ xây dựng các giải pháp tài chính tổng thể, vừa đáp ứng được nhu cầu vốn, vừa đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững.

Cần các giải pháp tổng thể

Có lẽ, việc hạ lãi suất hỗ trợ mang tính liên tục sẽ luôn được các DN mong đợi, tuy nhiên việc áp dụng các ưu đãi và tính tiện ích của mỗi NH lại rất khác nhau, cũng góp phần hỗ trợ không nhỏ cho DN.

Nói như thế vì không chỉ DN mà các lãnh đạo NH cũng đều có chung một nhận xét “Lãi suất hiện nay không phải là trở ngại chính trong việc kích cầu tín dụng, mà còn do khả năng tiếp cận vốn, hợp tác của từng DN trong việc tháo gỡ các nút thắt”.

Vì vậy, một mặt giảm lãi suất, mặt khác các NH không ngần ngại đơn giản hóa các điều kiện cho vay nhằm tối đa hóa khả năng tiếp cận vốn và đồng hành cùng DN.

Trong bối cảnh NHNN ngày càng thắt chặt các quy định về phân loại tài sản, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài… theo Thông tư số 02/2013/TT-NHNN thì việc các NH bắt tay vào cấu trúc lại đối tượng khách hàng, việc ưu tiên tín dụng giá rẻ cho khách hàng là các DNVVN là điều tất yếu.

Trong bối cảnh thị trường còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro như hiện nay, việc NH tìm kiếm khách hàng tốt không chỉ nhằm đảm bảo sự an toàn cho chính họ mà còn là sự phát triển bền vững của cả hệ thống NH và nền kinh tế nói chung.

Do đó, trong chương trình ưu đãi tín dụng 1.000 tỷ đồng, MB cũng áp dụng với các món giải ngân mới, kỳ hạn tối đa lên tới 6 tháng, đặc biệt dành cho các khách hàng có xếp hạng tín dụng từ A trở lên, không có nợ xấu tại thời điểm xét giải ngân.

MB đang đi theo hướng tập trung tư vấn và cung cấp gói sản phẩm dựa trên đặc thù của mỗi DN, đặc thù ngành nghề, địa lý và chuỗi phân phối.

Dựa trên các sản phẩm dịch vụ NH cơ bản, MB chọn lọc, cấu trúc lại dựa theo yêu cầu của từng nhóm khách hàng cụ thể, cùng với một mức giá trọn gói hợp lý, nhằm tối đa hóa hiệu quả tài chính cho DN. Nhờ đó, trong năm 2012 vừa qua, MB trở thành NH nằm trong nhóm có tăng trưởng tín dụng cao nhất và chất lượng tín dụng tốt nhất thị trường.

Theo một chuyên gia, NH sẽ chấp nhận cho vay lãi suất thấp như MB đang làm, lợi nhuận từ tín dụng ít hơn, nhưng bù lại NH có thể phát triển được mảng dịch vụ từ khách hàng DN.

Điều này có thể thấy qua kết quả kinh doanh của MB trong năm 2012 vừa qua, NH này đạt mức tăng trưởng tín dụng 27,4% và doanh thu từ mảng dịch vụ cũng tăng mạnh mẽ, làm thay đổi đáng kể cơ cấu lợi nhuận của MB.

Có vẻ như, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay việc tính toán điều chỉnh chi phí để cung cấp các nguồn vốn giá rẻ là giải pháp vừa mang lại lợi ích cho cả hai phía: DN và NH.
Theo Doanhnhansaigon

Comments are closed.