Tỷ lệ nợ xấu tại Tp. Hồ Chí Minh chỉ còn 5%

18/03/2013 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

Phó giám đốc NHNN TP. Hồ Chí Minh cho biết, mục tiêu về nợ xấu trong năm nay là giảm về mức tối thiểu và cụ thể là giảm xuống mức 4% trên tổng dư nợ.

Thời báo Ngân hàng có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc NHNN TP. Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề hoạt động ngân hàng năm 2013.

Xin ông cho biết kế hoạch tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh năm 2013?

Kế hoạch tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh năm 2013 là 12%. 2 tháng đầu năm 2013 đúng vào dịp Tết Nguyên đán, các NHTM đang tập trung chuẩn bị cho mùa đại hội cổ đông, trong khi nhiều DN có những khó khăn riêng khiến cho tốc độ tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm trên địa bàn chỉ cao hơn so với cuối năm 2012 khoảng 0,21%.

Tuy nhiên, tốc độ tăng này vẫn khả quan hơn so với mức tăng trưởng tín dụng âm của cả nước. Đạt được kết quả này một phần cũng nhờ NHNN thành phố đã yêu cầu các NHTM trên địa bàn chủ động kết nối với DN để cung ứng tín dụng ngay từ đầu năm, có như vậy đồng vốn tín dụng mới đạt được hiệu quả cao.

Cụ thể: chương trình kết nối ngân hàng – DN tại quận 8 vừa qua đã đạt hiệu quả tốt, điều này sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh hơn, nhanh hơn cho giải ngân tín dụng những tháng tiếp theo. Chúng tôi đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ có sự bứt phá trong quý II/2013, kỳ vọng trong 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng tín dụng của toàn thành phố đạt khoảng 6%.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, số vốn 370 tỷ đồng mà các NHTM cam kết hỗ trợ các DN trên địa bàn quận 8 còn hơi thấp so với nhu cầu, thưa ông?

Chương trình kết nối ngân hàng – DN đã được UBND TP. Hồ Chí Minh và NHNN chi nhánh thành phố triển khai từ giữa năm 2012. Với chương trình này chúng tôi chỉ tham vọng chọn những DNNVV và những hộ gia đình kinh doanh hiệu quả để làm điểm trong phạm vi từng quận, huyện và từ đó lan tỏa ra toàn thành phố.

Chương trình không chỉ dừng lại ở 35 DN và 9 hộ gia đình được vay ngay như tại quận 8 vừa qua với số vốn khoảng 370 tỷ đồng, lãi suất tối đa là 12%/năm. Điều quan trọng là sau những cuộc ký kết theo chương trình kết nối vốn sẽ có nhiều DN tiếp tục được các NHTM cho vay với lãi suất thấp.

Định hướng tăng trưởng tín dụng đầu năm của chúng tôi là sẽ đảm bảo đồng vốn của ngân hàng đến đúng các địa chỉ cần vốn và có phương án làm ăn hiệu quả. Điều khác biệt ở đây là các NHTM chủ động tìm khách hàng hiệu quả để cho vay vốn và chúng tôi cũng đã ký với UBND quận huyện để kết nối giữa ngân hàng và DN.

Hiện nhiều DN vẫn mong muốn lãi suất giảm thấp hơn. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Kỳ vọng ở đây là giảm lãi suất cho vay, chứ lãi suất tiền gửi sẽ không giảm, nếu giảm sẽ giảm nhỏ giọt. Giảm lãi suất cho vay tôi cho rằng là có cơ sở, đặc biệt hiện nay trần lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên là 12%/năm, nhưng hiện nay các NHTM cho vay phổ biến ở 10,5%-11%/năm. Thanh khoản của các NHTM đang dồi dào thì điều kiện giảm lãi suất cho vay là rất khả thi.

Trong điều hành lãi suất tại TP. Hồ Chí Minh chúng tôi điều hành theo hai hướng. Đối với lãi suất huy động, chúng tôi kiên quyết yêu cầu các NHTM trên địa bàn thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Thống đốc là trần lãi suất huy động dưới 12 tháng là 8%/năm.

Đối với lãi suất cho vay, chúng tôi yêu cầu các NHTM trong phạm vi và điều kiện của mình có thể giảm lãi suất cho vay ngắn hạn và trung – dài hạn. Riêng đối với cho vay trung – dài hạn trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) hiện nay chúng tôi đang tích cực triển khai hai nội dung.

Thứ nhất, thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, sau đó triển khai hướng dẫn quy định của NHNN về việc cho vay đối với những người thu nhập thấp để có nhà ở.

Thứ hai, chúng tôi đang kiến nghị với NHNN là đưa những khoản cho vay BĐS trung – dài hạn trước đây giảm về mức lãi suất dưới 15%/năm. Với mức lãi suất tương đối thấp như vậy, hy vọng thị trường BĐS sẽ ấm dần lên.

Ngoài lãi suất, hệ thống các NHTM có các biện pháp gì để tăng khả năng tiếp cận vốn cho DN?

Hiện nay các NHTM cho vay dựa trên tính hiệu quả của phương án, dự án vay vốn và căn cứ vào doanh số tiền bán hàng của DN, nếu thấy hiệu quả ngân hàng sẽ giải ngân vốn. Các NHTM cũng đã triển khai hiệu quả việc cho vay vốn dựa trên những tiêu chí này trong thời gian qua và thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tháo gỡ những vấn đề tài sản thế chấp cho khoản vay khi mà các DN không có điều kiện để thế chấp tài sản để vay vốn.

Hiện nợ xấu của ngân hàng vẫn đang là vấn đề lớn. Vậy NHNN đã có những kiểm soát và biện pháp cụ thể hơn như thế nào để giải quyết trong năm 2013, thưa ông?

Mục tiêu của chúng tôi về nợ xấu trong năm nay là mức nợ xấu có thể sẽ giảm về mức tối thiểu và cụ thể là giảm xuống mức 4% trên tổng dư nợ. Thực tế, đến thời điểm cuối năm 2012, các NHTM đã tích cực xử lý nợ xấu bằng nguồn dự phòng của mình, do vậy nợ xấu đã giảm theo hướng tích cực. Đến thời điểm này mức nợ xấu (trên địa bàn) chỉ còn khoảng 5%, cố gắng đến cuối năm 2013 mức nợ xấu chỉ còn 4% đúng theo mục tiêu đề ra cho từng năm.

Xử lý nợ xấu được triển khai theo hai định hướng: thứ nhất, xử lý theo chỉ đạo của Thống đốc, các NHTM phải sử dụng dự phòng để xử lý nợ xấu. Thứ hai, theo định hướng của Trung ương sẽ thành lập Công ty Quản lý tài sản quốc gia để xử lý nợ xấu.

Xin cảm ơn ông!

Theo Linh Lan

Thời báo ngân hàng

Comments are closed.